Nhạc sĩ Dân Huyền: Người thắp lửa cho dân ca
Nhạc sĩ Dân Huyền (Trên Báo Hà Nội mới Cuối tuần số ra ngày 20/9/2017) Nhạc sĩ Dân Huyền – Nguyên trưởng Phòng Dân ca và nhạc cổ...
http://www.maivanlang.com/2017/09/nhac-si-dan-huyen-nguoi-thap-lua-cho.html
(Trên Báo Hà Nội mới Cuối tuần số ra ngày 20/9/2017)
Nhạc sĩ Dân Huyền – Nguyên trưởng Phòng Dân ca và nhạc cổ truyền Đài Tiếng nói Việt Nam (TNVN) được nhiều khán, thính giả biết đến qua những sáng tác mang âm hưởng dân ca sâu lắng, da diết từ nhiều vùng miền của Tổ quốc. Ông cũng chính là người đã khởi xướng và bồi dưỡng Câu lạc bộ (CLB) đàn, hát dân ca giữa lòng Thủ đô suốt 20 năm qua.
Dân ca vận vào đời
Nhạc sĩ Dân Huyền tên thật là Phạm Ngọc Dần sinh năm 1938 ở một miền quê có truyền thống văn nghệ thuộc huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Hơn nữa, được lớn lên trong gia đình có ông nội là người làm thơ có tiếng trong vùng, bà nội là người thuộc và hát hay nhiều làn điệu dân ca xứ Nghệ nên Dân Huyền đã được bồi dưỡng tâm hồn yêu nghệ thuật ngay từ tấm bé. Càng ngày năng khiếu âm nhạc càng bộc phát mạnh đã khiến gia đình quyết định đưa Dân Huyền vào học nhạc lý, học đánh đàn tại Chủng viện xứ Xã Đoài (Nghệ An). Năm 16 tuổi, Dân Huyền được tuyển chọn làm nhạc công đàn vĩ cầm của Đoàn Văn công Liên khu 4.
Trở thành một nhạc công- chiến sĩ Dân Huyền may mắn được sự dìu dắt, chỉ bảo tận tình của trưởng Đoàn, NSND Đào Mộng Long, tác giả kịch nói, chèo nổi tiếng. Bên cạnh việc chơi đàn, Dân Huyền đã có điều kiện được đi tìm hiểu, sưu tầm dân ca ở nhiều địa phương. Và với sự siêng cần, cầu tiến của mình, đi đến đâu nghe được bài hát dân ca hay, Dân Huyền đều ghi lời vào cuốn sổ tay và cố gắng nhớ giai điệu trong đầu. Sau một thời gian công tác tại Đoàn, Dân Huyền được chuyển về làm việc tại Ty Văn hoá tỉnh Nghệ An. Năm 1959, chàng thanh niên xứ Nghệ được vào học tại Trường Tuyên Huấn Trung ương rồi về “ngôi nhà” Phòng Dân ca và nhạc cổ truyền Đài TNVN. Khi ấy, Đài TNVN quy tụ được rất nhiều các nhạc sĩ tên tuổi và có thể nói địa chỉ số 58 Quán Sứ (trụ sở Đài) là một Hội Nhạc sĩ Việt Nam thu nhỏ. Chính vì lẽ đó, Dân Huyền đã được tiếp xúc, học hỏi kinh nghiệm sáng tác từ nhiều nhạc sĩ khác để rồi các sáng tác của ông ngày càng mạnh dạn hơn, sâu sắc hơn.
Các sáng tác của nhạc sĩ Dân Huyền luôn xoay quanh chủ đề ca ngợi quê hương, đất nước, con người Việt Nam từ mọi vùng miền Tổ quốc và đặc biệt các ca khúc ấy gần như đều được ông “khoác” trên mình chất liệu dân ca truyền thống tiêu biểu như Bên lăng Bác Hồ, Lắng tiếng quê hương…. Là người sống xa quê nên lúc nào ông cũng đau đáu nỗi nhớ quê da diết bằng những ca khúc Hỏi người có nhớ quê chăng, Quê hương chín nhớ mười mong, Câu nhớ gửi người thương, Từ ngõ nhà ta… Ngoài ra, ông đã đặt lời mới cho hàng trăm tiết mục thuộc nhiều thể loại như Duyên Quan họ - dân ca Quan họ Bắc Ninh, Hạt giống đỏ nẩy mầm xuân - ca vọng cổ, Giọng hò quê ta - ca Huế, Nông Cống lạ mà quen, Hoa thông tin - hát chèo, Vui cùng Hoằng Hóa quê ta, Cô gái Thành Nam và tiếng hát chầu văn - hát văn….
Bên cạnh việc sáng tác, ông còn tích cực tham gia công tác nghiên cứu, sưu tầm, thu thanh, phát hiện những nhân tố mới trong các loại hình dân ca và góp phần làm phong phú thêm kho băng lưu trữ của Đài TNVN. Ông đã dày công biên tập hàng nghìn bài hát để các nghệ sĩ của Đài và các nghệ sĩ ở khắp mọi miền đất nước thu thanh, phát sóng. Tuy đã nghỉ hưu nhiều năm nay nhưng với tư cách là một thính giả, ông vẫn thường xuyên góp ý các chương trình của Đài và đặc biệt là chương trình Dân ca và nhạc cổ truyền. Ngoài âm nhạc, Dân Huyền còn được biết đến là một nhà báo sắc sảo, nhà thơ lãng mạn. Nếu để ý những tác phẩm do ông đặt lời thì có thể dễ dàng thấy được phần lời luôn giàu chất thơ và rất vần điệu. Thế nhưng ông vẫn khiêm tốn tự nhận mình là người “Làm thơ mà chẳng có vần - Văn xuôi cũng được cóc cần là thơ”.
Với trách nhiệm của người con xứ Nghệ, nhạc sĩ Dân Huyền đã có công lớn trong việc đưa dân ca Nghệ Tĩnh về phát sóng ở Đài Tiếng nói Việt Nam. Và với sức lan tỏa mạnh mẽ, dân ca ví giặm của Nghệ Tĩnh gần đây đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đặc biệt năm 2008, khi đã ở tuổi “xưa nay hiếm” ông đã tập hợp 48 bài thơ cùng 22 bản nhạc xuất sắc viết về Thủ đô của mình để in trong cuốn sách Chút tình Hà Nội (NXB Thanh Niên) nhân dịp chào mừng Đại Lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Đó là món quà hết sức có ý nghĩa để tri ân vùng đất mà ông đã, đang sinh sống, làm việc và khẳng định tên tuổi.
Để dân ca sống mãi
Khoảng tháng 7/1996, khi phong trào nghe hát dân ca trên Đài TNVN ngày càng rộng khắp thì Phòng Dân ca và nhạc cổ truyền Đài TNVN liên tiếp nhận được thư đề nghị của khán, thính giả được nghe lại những bài hát mà họ yêu thích, hơn nữa là mong muốn được trực tiếp các nghệ sĩ đến lớp giảng dạy. Vốn là nhà nghiên cứu dân ca lâu năm, nhạc sĩ Dân Huyền cho đây là một ý tưởng hay cần được triển khai lập tức. Nhận được sự ủng hộ của lãnh đạo Đài cùng sự giúp đỡ các nghệ sĩ thuộc Chi hội Văn nghệ Dân gian Đài TNVN và các đồng nghiệp trong Phòng Dân ca và nhạc cổ truyền mà sáng ngày 5/7/1997, CLB Đàn và hát dân ca Đài TNVN ra đời. Hôm ấy Hội trường tầng 3 chật kín chỗ ngồi, khán giả vỗ tay cổ vũ nồng nhiệt khiến những người trong Ban tổ chức cũng không thể ngờ tới.
Niềm vui cứ thế nhân lên, bởi trong buổi gặp gỡ để Hát cho nhau nghe của CLB đã có sự góp mặt của nhiều gương mặt không chỉ là người Kinh mà còn có đồng bào dân tộc thiểu số, du khách quốc tế. CLB đã được nhiều báo, đài đưa tin động viên với những dòng tít “Hay một ta cho nó lên hay hai, đẹp ba ta cho nó lên đẹp bốn”, “Với không khí âm nhạc như thế này, ai dám bảo dân ca và nhạc cổ truyền Việt Nam là lỗi thời!?; “Một tụ điểm âm nhạc cổ truyền hấp dẫn giữa lòng Hà Nội”…
Tuy nhiên, CLB ra đời khi đất nước bước vào thời kì cơ chế thị trường khiến mọi hoạt động văn hóa nghệ thuật đều đi vào xã hội hóa. Năm 2000, cả 3 CLB: Bạn yêu nhạc, Người hâm mộ sân khấu, Đàn và hát dân ca không còn được nhận trợ cấp của Đài. Không có đường lùi, nhạc sĩ Dân Huyền cùng CLB phải “gồng mình” lên bằng cách liên tục những tập sách Bài hát dân ca quen thuộc và nhiều cuộn băng cát-xét chứa tiếng hát của các nghệ sĩ quen thuộc để phục vụ học viên. Và cũng thật may mắn khi nền công nghệ thông tin bùng nổ khiến mọi việc đều được lập trình nhanh chóng.
“Bằng mọi giá thầy và trò chúng ta phải giữ dân ca và quyết không xa nó” - khẩu khí của người cầm cờ, nhạc sĩ Dân Huyền đã tạo động lực tinh thần lớn lao cho các học viên tích cực đóng góp tiền bạc, công sức, hiện vật … để CLB có thể duy trì. Bên cạnh đó, Đoàn Ca nhạc Đài TNVN đã luôn tạo điều kiện để CLB có thể sinh hoạt đều đặn vào sáng chủ nhật hàng tuần. Thầy và trò ngày đêm cần mẫn như những chú ong thợ lao động hăng say không biết mệt mỏi. Chính vì vậy, trong khi 2 CLB cùng thời đã giải tán, thì Đàn và hát dân ca vẫn cất cao tiếng hát giữa lòng Thủ đô. Khi được hỏi về bí quyết để CLB tồn tại suốt 20 năm qua, nhạc sĩ Dân Huyền chia sẻ “Trong dân ca Việt Nam không chỉ có một yêu, một nhớ, một thương mà còn đủ cả mười yêu, mười nhớ, mười thương”. Vì thế mà trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ của các chương trình ca nhạc trên sóng Phát thanh - Truyền hình thì Đàn và hát dân ca vẫn có chỗ đứng vững chắc trong lòng công chúng.
Qua hai thập niên, CLB đã tập hát và biểu diễn hơn 300 bài hát dân ca thuộc nhiều thể loại như: Chèo, cải lương, ca Huế, hát Văn... Và cho đến nay, CLB đã có khoảng gần 100 học viên sinh hoạt. Họ dạy hát vào 4 buổi sáng chủ nhật trong tháng và mỗi quý luôn dành một buổi để Hát cho nhau nghe tại Hội trường tầng 2, khu tập thể Đài TNVN (Phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Thông qua các buổi tập hát của CLB được ghi âm phát lại trên sóng đã tạo nên một không khí âm nhạc sôi nổi có ý nghĩa xã hội hóa trong việc giữ gìn và phát huy vốn âm nhạc cổ truyền dân tộc trong thời đại mới. Nhiều học viên không chỉ tự khẳng định mình về khả năng văn nghệ mà còn trở thành những “hạt nhân” trong hoạt động văn nghệ ở cơ sở. Qua đây, Phòng Dân ca Đài TNVN cũng phát hiện thêm nhân tố mới thường xuyên sáng tác và cộng tác cho Đài. Cũng không ít học viên sau trở thành sinh viên các trường Đại học có chuyên ngành âm nhạc trên địa bàn Thủ đô.
(Ngô Khiêm)- Bài đăng trên báo Hà Nội mới