Nhớ Hồ Tăng Ấn – người viết lời cho dân ca

Nhớ Hồ Tăng Ấn – người viết lời cho dân ca VOV.VN - 13 năm làm biên tập Dân ca, Hồ Tăng Ấn xứng đáng là người anh cả, người thầy trong ...

Nhớ Hồ Tăng Ấn – người viết lời cho dân ca
VOV.VN - 13 năm làm biên tập Dân ca, Hồ Tăng Ấn xứng đáng là người anh cả, người thầy trong nghề biên tập.
Nhằm đáp ứng nhu cầu của thính giả Đài Tiếng nói Việt nam (VOV) về các chương trình Dân ca và nhạc cổ truyền, đầu năm 1967, để nâng cao chất lượng các tiết mục, nhà báo Trần Lâm - Tổng biên tập đã đồng ý chuyển nhà thơ Hoàng Tấn từ “Tiếng thơ” sang làm nhiệm vụ “hiệu đính văn học” cho Hát Chèo, hát Tuồng, Ca Huế, Cải Lương… Nhờ có ông mà các biên tập viên dành thời gian lo công việc thu thanh và tỏa đi các địa phương để giới thiệu phong trào văn nghệ trên sóng phát thanh quốc gia.
nho ho tang an – nguoi viet loi cho dan ca hinh 0Nhà báo, nhà thơ, nhà soạn giả Hồ Tăng Ấn (tên thật là Hoàng Tấn)Hoàng Tấn rất giỏi nhận biết các làn điệu mà các cụ ta xưa hay sử dụng như thể thơ “Lục Bát” (6/8) biến thể, rồi thơ 7 chữ phải vần ở những chỗ nào… Ông còn nhận biết thơ nào hay thì có thể hát lên được, bởi lẽ thơ thường dùng hình ảnh, đọc ở trên giấy thì hay và dễ tưởng tượng, nhưng hát lên nếu không lưu ý thì dễ… buồn cười lắm. Ví dụ câu thơ: “Giời thương rót những giọt tình/ Nghe mưa cây lúa cựa mình mà lên”. Hai chữ “cựa mình” rất hình ảnh, giàu tưởng tượng, nhưng khi hát lên dễ hiểu sai sang ý khác.
Hoàng Tấn rất cần cù, động não, sẵn lòng giúp đỡ đồng nghiệp. Hằng ngày anh em mong ông đến sớm để sửa thêm bài vở, mặc dù biên tập viên đã sửa một lần rồi. Ông sửa xong và ký một chữ “ht” vào văn bản là anh em yên tâm. Các địa danh ở Nam Bộ, Hoàng Tấn thuộc lòng. Bài hát viết về tỉnh nào trong đó là ông đưa thêm tên sông, tên núi, tên các danh nhân vào làm cho người nghe rất thú vị và hiểu biết thêm về vùng đó qua lời hát. Chúng tôi học theo để đưa những “đặc điểm” của các tỉnh miền Bắc vào bài vở khi sửa.
Sau một năm “hiệu đính”, Hoàng Tấn nắm được cách viết các thể loại dân ca, bèn thực hành sáng tác. Ông viết lời rất nhanh, rất vần, nội dung phù hợp với làn điệu, giàu chất văn học dân gian và cứ thế ông say sưa với việc sáng tác bên cạnh việc “hiệu đính” bài vở của cộng tác viên khắp cả nước gửi về.
 Tiếng hát bên bờ sông Vân (hát chèo) - Kim Đức thể hiện
Hoàng Tấn khiêm tốn nói với chúng tôi rằng: “Mình không biết hát, mình mới tập viết, nhờ các bạn chỉ ra lỗi và chỉnh lại cho mình để diễn viên dễ hát”. Sự cần cù chịu khó học hỏi của ông đã được đáp lại. Một loạt bài hát các thể loại do ông soạn lời vang lên trên sóng Đài TNVN với bút danh Hồ Tăng Ấn. Hỏi ông về bút danh này, ông bảo đó là chiết tự sắp xếp từ chữ Hoàng Tấn do nhà thơ Nguyễn Bính đặt cho từ khi cùng hoạt động ở Nam Bộ.
Nhà báo, nhà thơ Hoàng Tấn sinh ở Phố Phủ Doãn, Hà Nội năm 1920 (Canh Thân), quê gốc ở Ninh Bình. Ông học trường tư thục Thăng Long do Đặng Thai Mai, Hoàng Minh Giám... cùng sáng lập; tốt nghiệp “Tú tài toàn phần”. Năm 1938, ông đứng ra lập tạp chí “Bình  Minh” cùng Lê Tràng Kiều, Nguyễn Đức Hinh, Ngân Hà (Họa sĩ)...
Cuối năm 1939, ông chuyển vào Sài Gòn, tiếp tục “mang lấy nghiệp vào thân”, tiếp tục cuộc đời làm báo. Ông giác ngộ cách mạng, gặp được những người cộng sản như: Nguyễn Oanh, Vũ Tùng dìu dắt và bồi dưỡng nhận thức chính trị cùng với các bạn đồng liêu như Phạm Tường Hạnh, Hoàng Phố, Nguyễn Bính, Thanh Bình, Nguyễn Đức Hinh, Lý Văn Sâm, Trúc Khanh... góp phần cướp chính quyền tại Sài Gòn.
Kháng chiến chống Pháp bùng nổ, ông vào chiến khu An Phú Đông, vừa đánh giặc, vừa làm báo. Kế tiếp, ông chuyển dần về miền Tây ở sở Thông tin Nam Bộ và được biệt phái sang làm báo Cứu Quốc, lặn lội khắp các chiến trường miền Đông - miền Tây Nam Bộ.
Những năm sôi nổi trai trẻ ấy, Hoàng Tấn còn gắn với ngành phát thanh, ông từng làm phóng viên, biên tập viên Đài phát thanh Nam Bộ kháng chiến do Mai Văn Bộ và Huỳnh Văn Tiểng phụ trách. Bởi thế, sau này, khi tập kết ra Bắc (1954) Hoàng Tấn về công tác văn nghệ ở Đài TNVN.
 Sắc biếc màu xanh (Ca trù) - Nghệ sĩ Quách Thị Hồ hát
Năm 1957 ông cùng nhà văn Phạm Tường Hạnh, nhà thơ Xuân Diệu khai sinh buổi “Tiếng thơ” và được giao làm chủ nhiệm chương trình này. Từ đó, “Tiếng thơ” Đài TNVN tồn tại và phát triển mãi đến ngày nay. Chương trình này đã ghi dấu tên tuổi của các nghệ sĩ tài danh như Trần Thị Tuyết, Châu Loan, Nguyễn thị Hồng, Nguyễn Thị Hòa, Văn Phú… Tiếng tơ lòng của các nhà thơ quyện với giọng ngân nga và cung đàn phụ họa của nghệ sĩ Đinh Khắc Ban ghi mãi ấn tượng cho người nghe, nâng cao thêm tầm giá trị đời sống thơ ca đất nước.
Thời gian ở biên tập Dân ca, Hồ Tăng Ấn còn có công ghi chép sưu tầm tất cả các bài Ca trù và cùng chúng tôi thu thanh lại những tiết mục do các nghệ sĩ Quách Thị Hồ, Nguyễn Thị Phúc, Thanh Lâm, Kim Bản… thể hiện. Chúng tôi còn tổ chức các cuộc “nghe Ca trù” tại Phòng thu ở 58 phố Quán Sứ. Các cuộc sinh hoạt ấy, Hồ Tăng Ấn là người giới thiệu bình luận cái hay cái đẹp của nghệ thuật Ca trù.
13 năm làm biên tập Dân ca, sửa chữa từng câu văn cho hàng ngàn bài hát để thu thanh phát sóng, Hồ Tăng Ấn xứng đáng là người anh cả, người thầy trong nghề biên tập. Ông về hưu từ Phòng Dân ca đầu năm 1981. Mỗi lần vào thành phố Hồ Chí Minh công tác, tôi đều đến thăm ông trên tầng ba cư xá Thanh Đa, quận Bình Thạnh.
Nhắc lại những kỷ niệm xưa, ông không quên tặng những cuốn sách ông viết mà tôi chưa có như: “Ca dao Miền Đông” (1948), “Người chiến sĩ họ Lê” (1953), “Nguyễn Bính một vì sao sáng” (1986)… Ông còn chép tay tặng tôi mấy câu thơ vui: “Lại về cư xá Thanh Đa/ Đẩy xe đạp vừa đúng ba tầng lầu/ Bữa cơm thiếu thịt thừa rau/ Mà ngon hơn cả cao lâu chú xồi”.
Hồ Tăng Ấn mất năm 2004, thọ 84 tuổi. Mười năm ông đi xa, để lại trong chúng tôi - những người biên tập Dân ca Đài TNVN – hình ảnh một đồng nghiệp lớn tuổi mà vui tính, một “kho tư liệu” về văn thơ./.

Nhạc sĩ Dân Huyền

Bài Liên Quan

Tin Mới 2119091279495837113

Đăng nhận xét

emo-but-icon

Chuyển ngôn ngữ

Subscriber Youtube

Tin Fanpage

Bài đăng và Bình luận

Nóng

Bài Mới

Bình Luận

Visitors

Flag Counter
item