NHỚ NGƯỜI THẦY CỦA NGÀNH CHÈO- NSND Dịu Hương

             NHỚ NGƯỜI THẦY CỦA NGÀNH CHÈO Mai Văn Lạng Trên con đường trải dài từ khu tập thể Đồng Xa, qua Nhà hát Tuồng, Nhà h...


             NHỚ NGƯỜI THẦY CỦA NGÀNH CHÈO


Mai Văn Lạng

Trên con đường trải dài từ khu tập thể Đồng Xa, qua Nhà hát Tuồng, Nhà hát Chèo, sáng sáng người ta thấy một bà lão khoảng tám mươi tuổi cặm cụi bước. Rồi những tiếng chào cô, chào bác, chào bà cứ râm ran theo bà lão cho đến khi bà bước chân vào giảng đường Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội. Đó là nghệ sĩ nhân dân Dịu Hương mà giới nghệ sĩ vẫn quen gọi thân mật là bác Dịu - người nổi tiếng bằng nhiều vai diễn trong đó có vai Súy Vân rất quen thuộc với chúng ta, và là một trong số ít các nghệ sĩ biểu diễn có mặt ngay từ những ngày đầu trong kháng chiến chống Pháp, góp phần không nhỏ để thành lập đoàn văn công nhân dân Trung ương, tiền thân của Nhà hát kịch và Nhà hát chèo Trung ương ngày nay. Bà cũng là một trong những người “đắp đất, đổ nền” xây dựng trường Nghệ thuật sân khấu, tiền thân của Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh, là một trong số mười nghệ sĩ đầu tiên được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý NSND, là người thầy suốt đời tận tụy với nghề, tham gia giảng dạy hàng chục khóa diễn viên chèo có hàng nghìn học trò trên khắp mọi miền Tổ quốc. Học trò của bà giờ đây có người là giáo sư, tiến sĩ, nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú, nghệ sĩ xuất sắc. Nhiều người nắm trọng trách lớn trong ngành, có người vẫn chỉ là diễn viên bình thường, có người gọi bà là chị xưng em, là cô xưng con, là bác, là bà… Tất thảy trong số họ đều một lòng tôn kính với bà, người nghệ sĩ quên mình cho nghệ thuật.
Nghệ sĩ nhân dân Dịu Hương, tên thật là Trần Thị Dịu, sinh ngày 21-10-1916 tại xã Tràng Duệ, huyện Bình Lục, tỉnh Nam Hà. Lên tám tuổi, cô bé Dịu đã theo cha mẹ đi lưu diễn trong các phường hát miền quê, và được các nghệ nhân trực tiếp truyền nghề, cô đã nổi tiếng với những vai trẻ thơ như Tôn Mạnh Tôn Trọng trong vở chèo Trinh Nguyên, vai Mộng Lân trong vở Mộng Lân, vai quỷ trong Trương Viên… được khán giả vô cùng hâm mộ.
Năm 1928, rạp hát Quảng Lạc mở lớp dạy nghề cho các lớp đồng ấu. Năm ấy, cô bé Dịu đã ở tuổi 12, theo học tuồng và sau 18 năm vừa học nghề vừa lao động cực nhọc, cô đã khẳng định mình trong hàng loạt các vai nam, nữ xuất sắc như: Lã Bố trong Lã Bố hý Điêu Thuyền, Triệu Tử Long trong Triệu Tử Long đoạt A Đầu, vợ Trương Ngự Sử trong Lương Minh Châu xuyên ngọc thành ý, vai Mộc Quế Anh trong Mộc Quế Anh dâng cây
Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, chồng bị giặc giết, nợ nước thù nhà, Dịu Hương tình nguyện đi theo kháng chiến, bà rứt ruột gửi người chị gái và anh rể nuôi giúp người con trai duy nhất. Từ đồng bằng lên miền trung du, rồi miền núi, cuộc sống cơ cực đủ trăm điều nhưng nghệ sĩ vẫn một lòng một dạ theo kháng chiến. Trong thời gian này, Dịu Hương tham gia giảng dạy, xóa mù chữ cho đồng bào các dân tộc, thành lập tổ văn hóa văn nghệ, chị chuyên diễn chèo, hát dân ca.
Năm 1948, Dịu Hương được tuyển vào đoàn quân nhạc do nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát làm trưởng đoàn, chuyên diễn chèo, hát chèo, diễn các hoạt cảnh phục vụ quân đội. Do yêu cầu của cách mạng, năm 1950, Dịu Hương được chuyển về hội văn nghệ tham gia khai thác, nghiên cứu giảng dạy cùng với một số nhạc sĩ kháng chiến như: Lê Yên, Tô Vũ, Danh Thân, Văn Cao, Văn Thịnh, Mai Khanh….
 Khi đoàn văn công trung ương được thành lập (1952) , cùng với bà Cả Tam, ông Năm Ngũ, NS Dịu Hương tham gia đóng các vai như: Chị Đội trong Bần nông giác ngộ, chị Khú trong Tát nước cấy chiêm, bà lão lạc hậu trong Tấm Điền, đặc biệt là chị Trầm trong Chị Trầm đã được Hồ Chủ tịch khen ngợi và được tặng huy hiệu của Người.
Hòa bình lập lại, nghệ sĩ Dịu Hương cùng một số nghệ sĩ sang Tiệp Khắc thực hiện giao lưu văn hóa giữa hai nước. Sau này, nhà văn Học Phi – một trong những thành viên của đoàn nhớ lại: “Khi mới sang bạn còn chưa biết tới nghệ thuật sân khấu nước mình nên có vẻ hững hờ, nhưng khi xem nghệ sĩ Dịu Hương diễn Súy Vân họ lặng người đi, rồi những tràng pháo tay nổi lên không ngớt.  Họ trầm trồ: Kỳ diệu quá! Tuyệt vời quá!” Chuyến đi ấy nghệ sĩ Dịu Hương được nước bạn trân trọng trao tặng huy hiệu Ga-lô-xích. Sau này, bà còn có dịp sang nhiều nước khác biểu diễn, giới thiệu những nét tinh hoa trong nghệ thuật sân khấu Việt Nam. Ở đâu bà cùng với đoàn cũng được khen ngợi hết lời.
Có thể khẳng định nghệ sĩ Dịu Hương là một trong những người có công giới thiệu nghệ thuật sân khấu độc đáo của ta với bạn bè quốc tế sớm nhất. Sau năm 1960, nghệ sĩ Dịu Hương giảng dạy tại Trường trung cấp nghệ thuật, chuyên dạy các vai mẫu như Súy Vân, Thị Mầu, dạy hát, dạy múa… nghỉ hưu từ năm 1976, nhưng bà vẫn hăng hái tham gia giảng dạy, truyền nghề cho các học sinh, sinh viên của trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh và Nhà hát chèo cho đến khi bà rời cõi tạm.
Thấm thoát đã bao năm, nghệ sĩ nhân dân Dịu Hương vắng bóng trên trần thế! Nhưng những thế hệ học trò của bà, những khán giả yêu chèo thì không bao giờ quên người nghệ sĩ, người thày đã một đời cống hiến cho sự nghiệp đào tạo và biểu diễn chèo./.


Bài Liên Quan

Tin Mới 8781471639988292505

Đăng nhận xét

emo-but-icon

Chuyển ngôn ngữ

Subscriber Youtube

Tin Fanpage

Bài đăng và Bình luận

Nóng

Bài Mới

Bình Luận

Visitors

Flag Counter
item