NSƯT Diễm Lộc “Súy Vân”: Người của một thời
NSƯT Diễm Lộc trong vai Súy Vân Diễm Lộc “Súy Vân”: Người của một thời Mai Văn Lạng Nói đến nghệ thuật chèo độc đáo của dân tộc...
https://www.maivanlang.com/2015/09/nsut-diem-loc-suy-van-nguoi-cua-mot-thoi.html
NSƯT Diễm Lộc trong vai Súy Vân |
Diễm Lộc
“Súy Vân”: Người của một thời
Mai Văn Lạng
Nói đến nghệ thuật chèo
độc đáo của dân tộc, không thể bỏ qua nhân vật Súy Vân - người đàn bà “nổi
loạn” chống lại cả một chế độ xã hội phong kiến mục ruỗng đến tột cùng. Trải
qua năm tháng, lịch sử đã ghi nhận nhiều nghệ sĩ có tên tuổi thể hiện thành
công vai diễn này. Một trong những nghệ sĩ thành công nhất là nghệ sĩ ưu tú
Diễm Lộc.
NSUT Diễm Lộc sinh năm
1938. Quê gốc Ba Vì (Hà Tây cũ), nhưng từ
nhỏ, đã theo cha mẹ ra sống ở Láng Hạ - Hà Nội. Lên sáu tuổi, cô bé Lộc đã say
mê nghệ thuật. Cô lắng nghe những bài dân ca mà mẹ hát, hát theo một cách say
sưa, lớn lên một chút cô tìm đến các rạp hát để xem, mê từng lớp diễn, từng bài
hát, điệu múa của sân khấu ca kịch lúc nào chẳng rõ.
Năm 1956, khi đã trở
thành cô thiếu nữ Hà thành dịu dàng, đoan trang, thùy mị, có giọng hát hay và
đặc biệt say mê nghệ thuật, Diễm Lộc được nghệ sĩ Lưu Quang Thuận tuyển về làm
diễn viên cho đoàn chèo của Sở văn hóa Hà Nội. Năm 1958 Diễm Lộc chính thức là
người của Nhà hát chèo Trung ương. Từ đó nghệ sĩ Diễm Lộc say mê diễn, đầy tài
năng và sáng tạo ở các vai được giao như: Chị Ba Đẹp trong Lọ nước thần của tác giả Trần Vượng, Nàng Châu Long trong vở chèo
cổ Lưu Bình Dương Lễ, Thị Mầu trong Quan Âm Thị Kính, Tấm trong Tấm Cám, Chị Trúc trong Bên sông Trà Khúc,… Đặc biệt là Súy Vân
trong vở chèo Súy Vân của Nhà hát
chèo Trung ương. Tên tuổi Diễm Lộc và dường như cả cuộc đời của nghệ sĩ gắn
liền với vai Súy Vân, nhân vật Súy Vân, tính cách và cuộc đời Súy Vân.
Xem
Diễm Lộc diễn Súy Vân, mọi người đều kinh ngạc, kinh ngạc một phần vì
lối sống, cách cư xử và ứng xử trong tính cách của nàng Súy Vân xa xưa, nhưng
cái lạ chính là vì cách thể hiện Súy Vân của Diễm Lộc.
Trong nghệ thuật sân khấu
dân tộc, tích trò là nét hấp dẫn, thu hút khán giả nhưng nhiều khi tích trò
khán giả đã xem đến thuộc làu rồi mà vẫn thích xem đi xem lại nhiều lần! Ấy
chính là khán giả muốn xem cái lạ lùng, độc đáo trong lối diễn của người nghệ
sĩ thể hiện nhân vật ấy. Ví như tích chuyện Súy Vân, người ta đã biết quá rõ
ràng về một cô gái như bao cô gái của chế độ phong kiến Việt Nam, lấy chồng,
phụng sự gia đình nhà chồng, nuôi chồng ăn học thành tài, chịu đựng chồng với
năm thê bảy thiếp… Nhưng Súy Vân khác họ ở điểm này: nàng khao khát yêu thương,
không chịu được sự phụ bạc của chồng, nàng tìm đến với tình yêu mới tưởng chừng
như cháy bỏng ngọt ngào hạnh phúc và nàng giả điên giả dại thoát khỏi Kim Nham
để đến với Trần Phương. Chẳng ngờ Trần Phương là chàng sở khanh. Đau khổ, uất
hận, Súy Vân đã tự tử chết. Bằng lối diễn sôi nổi, sống động, lúc ào ào như
sóng bể, lúc sâu lắng như nét nhạc buồn, lúc mềm mại như tơ, lúc căng như dây
đàn, khi cười, lúc khóc, chợt vui, chợt buồn, tiếng cười nửa như man dại đau
đớn, nửa như cười cợt, bằng các điệu hát có tính chất đặc biệt trong hệ thống
các làn điệu chèo như: Quá giang, tò vò,
há xuôi, hát ngược, Gà rừng, Sắp ca rô… Các điệu múa: Chăn tằm, quay tơ, dệt cửi, xỏ kim, luồn chỉ, khâu áo… Diễm Lộc đã
tạo nên được một Súy Vân khát khao yêu thương đến điên dại, nhưng bất lực trước
cuộc đời. Nỗi xúc động ào đến trong lòng người xem, họ thương xót cho nàng Súy
Vân đồng thời khâm phục với Diễm Lộc. Huy Chương Vàng với vai Súy Vân tại Hội
diễn sân khấu năm 1962 là một cố gắng lớn của Diễm Lộc. Bà đã được mời đi hàng
chục nước trên thế giới để diễn Súy Vân,. Từ điển Bách khoa toàn thư của Liên
Xô, của Việt Nam có Súy Vân - Diễm Lộc.
Thời gian cứ lặng lẽ
trôi, NSUT Diễm Lộc đã bước ang tuổi 77, nhưng lòng yêu nghề, niềm đam mê sân
khấu vẫn hừng hực cháy trong bà. Diễm Lộc ước ao trở lại thời còn son trẻ để
lại được hát, múa, diễn như ngày nào bà còn là nữ diễn viên xuất sắc của Nhà
hát chèo Trung ương. Niềm đam mê nghề nghiệp đã tiếp thêm trong con người đầy
chất nghệ sĩ của bà. Diễm Lộc tham gia giảng dạy cho hầu hết các lớp diễn viên
chèo của Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội. Bà cũng là một trong những
thành viên lập “Hội những nghệ sĩ lão thành” của Nhà hát chèo Trung ương vơi
mục đích ngày ngày được gặp gỡ, thăm hỏi chỉ bảo lớp đàn em và con cháu trong
cuộc sống đời thường cũng như nghề nghiệp, ôn tập lại những vở chèo cổ. Đến nay,
hội đã tập và cho ra mắt những vở chèo cổ như: Quan Âm Thị Kính, Lưu Bình- Dương Lễ, Súy Vân…”.
NSUT Diễm Lộc tâm sự: “Tôi rất lo
lắng về các bạn diễn viên trẻ ngày nay. Hình như các bạn ấy chỉ lợi dụng thanh,
sắc, năng khiếu mà trời phú cho để diễn chứ không chịu học hỏi, tìm hiểu, lao
động sáng tạo. Như vậy thì không được. Bản thân tôi được như ngày nay là nhờ có
lao động sáng tạo, lao động quên mình, học tập các nghệ nhân, các bạn đồng
nghiệp, đôi khi học cả học trò ấy chứ! Tài năng (năng khiếu) chỉ có một phần
trăm, còn chín mươi phần trăm là lao động sáng tạo”…
Quả đúng như vậy! nếu chỉ
dựa vào những gì mình có thì chưa đủ với mỗi người diễn viên.
Gặp gỡ nghệ sĩ Diễm Lộc,
thấy và hiểu sự say mê, khát khao làm nghề của bà, tôi mới hiểu tại sao bà
thành công trong nghề nghiệp đến thế. (Mặc dù trong đời tư bà rất vất vả). Tôi
mới hiểu tại sao bà lại được phong tặng danh hiệu NSUT ngay từ đợt đầu tiên (1984)
và “Nhà hát Chèo Trung ương” đang đề nghị nhà nước xét phong danh hiệu NSND cho
bà. Khi chúng tôi hỏi bà có “kiến nghị” gì với Hội NSSK và Nhà hát Chèo hay
không thì bà cười – nét cười đôn hậu, bao dung, tự nhiên, rất phụ nữ (chứ không
phải cái cười của Súy Vân như mọi người lầm tưởng): “ngày xưa dù vất vả đến
đâu, dì ghẻ độc ác đến mấy cô Tấm vẫn được đi xem hội, còn bây giờ các hội diễn
do Hội NSSK tổ chức dường như quên mất chúng tôi – Những lão nghệ sĩ – hãy cho
chúng tôi đi hội!) Tôi xin trân trọng chuyển ý kiến này của NSUT Diễm LỘc lên
các cấp có thẩm quyền, mong quý vị đừng quên những nghệ sĩ như Diễm Lộc – Người
con ưu tú của ngành chèo cả nước, “Vân dại” của một thời./.
" Người mẫu áo dài Diễm Lộc ", 76 tuổi |
Trong điệu Cách cú, Có phải NSUT Diễm Lộc hát không? làn điệu đó trong vở chèo cổ nào thế hả anh ?
Trả lờiXóa