Chân dung nghệ sĩ qua cảm nhận của khán giả Bùi Quang Thắng- NSƯT Kim Liên

NSƯT KIM LIÊN - Nhà hát chèo Nam Định  Sinh năm 1942, Nam Định Mới bước vào "thế giới Chèo", tôi bắt gặp nhiều nghệ...


NSƯT KIM LIÊN - Nhà hát chèo Nam Định 

Sinh năm 1942, Nam Định

Mới bước vào "thế giới Chèo", tôi bắt gặp nhiều nghệ danh dễ gây nhầm lẫn như Kim Liên (ba người), Kim Khánh, Kim Cúc, Kim Thoa ... nghe nhiều mới nhận ra tôi yêu "Kim Liên vốn ở Nam Hà" nhất - đó là lời mở đầu của bài thơ Đóa sen hồng do Xuân Thủy sáng tác giành tặng Kim Liên. "Kim Liên như đóa sen hồng. Nam Hà như nước hồ trong mùa hè" 
Khi Kim Liên được chọn để ngâm thơ cho Bác Hồ nghe, Bác đã sửa thành "Kim Liên quê ở Nam Đàn" để tỏ lòng yêu quý đối với cô diễn viên bé nhỏ, người được chọn để ngâm thơ chúc Tết của Bác trên đài phát thanh cho đồng bào cả nước nghe năm 1968. Năm đó, hai nữ nghệ sĩ ngâm thơ hàng đầu là Linh Nhâm và Trần Thị Tuyết cũng được chọn để ngâm thử cho Bác nghe nhưng cuối cùng, Kim Liên vinh dự là người duy nhất thể hiện trên sóng phát thanh. 
Kim Liên sinh năm 1942 tại Xuân Trung, Xuân Trường, Nam Định. Là con nhà nòi. Bố của Kim Liên là kép hát của phường ông Trùm Toái, ông nổi tiếng trong các vai kép ngang với giọng hát vang như chuông. Kim Liên thừa hưởng giọng hát trời phú từ cha. Một giọng hát rất đẹp, tươi sáng và khỏe khoắn. Giọng hát đã đưa Kim Liên trở thành nghệ sĩ hát văn trên sóng radio đầu tiên và thành công nhất từ năm 1962 tới giờ - như nhạc sĩ Dân Huyền nhận xét là "chưa ai qua được". Bài hát văn "Nam Định quê tôi" của Chu Văn do Kim Liên thể hiện đã trở thành hiện tượng thời bấy giờ. Nó góp phần lớn lao để hồi sinh dòng âm nhạc tín ngưỡng đặc biệt này sau một thời gian dài bị cấm vì lí do mê tín dị đoan. Bài hát văn với tiết tấu đa dạng, lúc da diết sâu lắng, lúc tưng bừng dồn dập là cơ hội để Kim Liên khoe hết vẻ đẹp trong giọng hát phơi phới thanh xuân của bà. Suốt hai mươi năm tiếp theo, Kim Liên trở thành giọng hát văn chủ lực trên sóng đài tiếng nói Việt Nam cùng tiếng đàn nguyệt điêu luyện của Thế Tuyền - tiếng đàn đã chắp thêm cánh cho giọng hát Kim Liên. 
Năm 1981, tại Hội thi giọng hát chèo hay toàn quốc, Kim Liên đã xuất sắc giành giải A với số điểm cao nhất 104/110. Bài hát bà tham dự hội thi là của vai Đào Huế trong trích đoạn Tuần Ty - Đào Huế, vai diễn để đời của bà mà ngày đó, trong một phiếu điểm mười từ Ban giám khảo còn có thêm dòng chữ : "Đào Huế là của Kim Liên". Nghe Kim Liên vỉa Huế như thấy lại nghệ nhân bậc thầy Cả Tam, có sự oán hờn của người vợ bị phụ bạc, có sự lạnh lùng, khinh khi của bà vợ cả già tay. 
Chỉ cần giọng hát tuyệt vời ấy và chừng ấy thành tích tưởng đã đủ để đưa Kim Liên trở thành một nghệ sĩ lớn. Nhưng Kim Liên còn gặt hái nhiều thành công hơn thế. Không chỉ nổi tiếng với giọng hát, Kim Liên còn chinh phục công chúng bằng khả năng diễn xuất đa dạng của mình - đặc biệt với những vai tính cách. 
Vốn đã hoạt động văn nghệ từ nhỏ, năm 1959 Kim Liên được tuyển vào đội chèo tỉnh đoàn Nam Định. Sau những bước đầu gian nan vì thiếu kinh nghiệm, không biết tiết chế giọng hát bản năng, đã có lúc Kim Liên tưởng không theo được nghiệp chèo. Nhưng nhờ bản lĩnh, tố chất của một nghệ sĩ lớn, từ chỗ chỉ là diễn viên kíp hai, Kim Liên đã được chọn là diễn viên chính thể hiện vai Thị Phương trong vở Đôi ngọc lưu ly của đoàn chèo Hà Nam Ninh tại Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1962. Vai chính đầu tiên đã mang về cho Kim Liên chiếc HCB và là sự động viên lớn cho cô diễn viên trẻ. Bước đầu thành công với nữ chín nhưng sau đó Kim Liên lại liên tiếp thành công với những vai tính cách. Một dấu son nữa trong lịch sử đoàn chèo Nam Hà (tách ra từ đoàn Hà Nam Ninh) là vở Trần Quốc Toản ra quân năm 1969. Để hưởng ứng phong trào "ba đảm đang", các vai chính trong vở, dù là vai nam đều được giao cho các diễn viên nữ. Kim Liên vào vai Thế tử, một dạng nhân vật khá phức tạp chỉ biết ngâm thơ, ngắm trăng khi Tổ quốc đứng trước nguy cơ bị xâm lược, đã thế lại còn đố kị, dèm pha lòng yêu nước của những người có trí hướng, một vai chuyển hóa từ dạng kép ngang. Thế tử là vai phản diện nhưng lại xuất thân từ tầng lớp quý tộc, cũng am tường kinh sử, chữ nghĩa văn chương. Kim Liên đã xuất sắc khi thể hiện rõ chất "ngang, phản diện" một cách tinh tế, không quá cường điệu để vẫn giữ được tính chất "dòng dõi quý tộc" của Thế tử. Rồi vai cô Tư Hồng - một mệnh phụ của hoàng tộc Huế trong vở Anh lái đò sông Vị đã được báo chí gọi là một "hiện tượng ... nhân vật này được đẻ ra nhất quyết để người nghệ sĩ ấy biểu diễn." . Thành công của Kim Liên không chỉ được giới chuyên môn ghi nhận, nhiều bài hát, vai diễn mà khi Kim Liên đã thể hiện thì sẽ trở thành cái ngưỡng mà các thế hệ diễn viên đi sau ít ai chạm tới như Đào Huế, cô Tư Hồng hay những bài hát văn lời mới. 
Kim Liên còn đóng nhiều vai khác như Hoàng hậu Thượng Dương (Nhiếp chính Ỷ Lan), Mụ Cám độc ác, thâm hiểm (Tấm Cám) ... Kim Liên đã mang lại nhiều vinh quang cho nhà hát chèo Nam Định (tách ra từ đoàn Nam Hà), trở thành một nghệ sĩ hàng đầu trong lịch sử nhà hát. Cũng năm nay, Kim Liên vinh dự được trao danh hiệu cao quý NSND .

Ngày 02.10.2015 
QUANG THẮNG

Bài Liên Quan

Chân Dung Nghệ Sĩ 6492421515592674829

Đăng nhận xét

emo-but-icon

Chuyển ngôn ngữ

Subscriber Youtube

Tin Fanpage

Bài đăng và Bình luận

Nóng

Bài Mới

Bình Luận

Visitors

Flag Counter
item