Chân dung nghệ sĩ qua cảm nhận của khán giả Bùi Quang Thắng- NSƯT Thanh Trầm

NSƯT THANH TRẦM - Nhà hát chèo Hà Nội Sinh tại Hưng Yên Cuộc đời nghệ sĩ không phải ai cũng có diễm phúc được gắn tên tuổi củ...


NSƯT THANH TRẦM - Nhà hát chèo Hà Nội

Sinh tại Hưng Yên

Cuộc đời nghệ sĩ không phải ai cũng có diễm phúc được gắn tên tuổi của mình với một nhân vật mà mình đã từng thể hiện. Thanh Trầm là một trong số những nghệ sĩ hiếm hoi đó. 
Nhắc tới Thanh Trầm là ta nhớ ngay đến một Thị Mầu phơi phới thanh xuân, làm mưa làm gió trên sân khấu chèo những năm 1960, 1970
Thị Mầu là vai diễn đã đưa Thanh Trầm vào hàng những tên tuổi lớn của nghệ thuật chèo. Kém may mắn, tôi chỉ được xem một đoạn video clip rất ngắn nhưng cũng kịp nhận ra cô Thị Mầu "của tôi". Đoạn video clip đó rất ngắn nhưng vô cùng ấn tượng. Thị Mầu đang lượn những vòng múa lả lơi hòng quyến rũ thầy tiểu. Nụ cười tươi rói chẳng bao giờ dứt trên môi, và nụ cười không chỉ trên môi mà còn cả trong ánh mắt lúng liếng lúc nào cũng hướng vào hình bóng chú tiểu, nụ cười hiển hiện cả trên khuôn mặt tươi tắn, đầy đặn như trăng rằm. Không chỉ với chú tiểu mà cả khi đối đáp với dàn đế thì cũng vẫn là cái điệu bộ ngúng nguẩy ấy, đôi mắt đong đưa ấy và nụ cười tươi rói ấy. Một Thị Mầu lẳng lơ, phơi phới xuân tình nhưng vô cùng hồn nhiên, duyên dáng. Tôi chợt nhận ra nét chung giữa Thị Mầu - Thanh Trầm và Thị Mầu - Thu Huyền (hai Thị Mầu xuất sắc nhất tôi từng được xem) chính là vẻ hồn nhiên tươi tắn luôn toát ra, luôn song hành cùng cái lẳng lơ của Thị Mầu. Điều này vô cùng quan trọng. 
Dù cho Thị Mầu trong tích truyện bị gắn với thói lẳng lơ trắc nết, đáng bị bêu riếu, nhưng các thế hệ nghệ nhân chèo đã thể tất cho cô gái nông nổi này, một cô gái cá tính dám đi ngược lại cả xã hội phong kiến, dám cả gan tự định đoạt số phận của mình "một cành tre, dăm bảy cành tre. Phải duyên thì lấy chớ nghe họ hàng". Thị Mầu vẫn được trang điểm đẹp, được dành cho những khuôn múa đẹp, những điệu hát hay. Các nghệ nhân còn thanh minh, tạo ra một mục đích tử tế cho cái việc Thị Mầu ve vãn thầy tiểu : "để làng cho đoàn tụ vợ chồng, chuyện sau bia dù có, dù không, ta cứ nhận để nên chồng nên vợ". Thị Mầu trên sân khấu chèo là thế. Đi tính chuyện trăm năm với một người tu hành thì đúng là một cô gái bồng bột và khờ dại. Thị Mầu dại khờ vì một chữ "tình", cũng như Súy Vân (cải biên) điên loạn vì một chữ "tình" và cả hai cùng tìm cách phá bỏ vòng kiềm tỏa của chữ "tòng" để tự tìm lấy hạnh phúc. Vậy thì cái lẳng lơ của Thị Mầu phải làm sao để chiếm được thiện cảm của khán giả. Khi đã không ác cảm với Thị Mầu thì khán giả sẽ bao dung hơn để có thể thật sự đồng cảm và vị tha. Cái lẳng lơ của Thị Mầu không thể sỗ sàng, cong cớn, trâng tráo được. Những động tác như cong môi, tốc váy, lườm nguýt dàn đế quá đà, những nét diễn xuất mang vẻ ghê gớm của Mụ Quán, Tú Bà sẽ hạ thấp Thị Mầu xuống thành một ả "ve trai" không hơn không kém. Một cô ả như thế mà đi tìm "tri âm chưa tỏ tri âm" thì thật mâu thuẫn. Thị Mầu chỉ nên ghê gớm, đanh đá khi đối diện với đám hương lý hủ bại (xem phần viết về Thu Huyền). 
Chính vẻ hồn nhiên đã cứu vãn cái lẳng lơ và cứu cả hình tượng Thị Mầu trong nghệ thuật chèo. Cả Thanh Trầm và Thu Huyền đều thể hiện được điều ấy. Cái thần, khí của một Thị Mầu lẳng lơ, hồn nhiên, tươi tắn luôn toát ra một cách hết sức tự nhiên, chân thật trong từng khuôn diễn, không sượng, không xạo, như thể diễn viên không cần phải diễn - "giả mà như thật". 
Thị Mầu có lẽ là vai diễn được nhiều diễn viên thử sức nhất nhưng thành danh với Thị Mầu thì không nhiều. Tâm lí nhân vật Thị Mầu không quá phức tạp như Súy Vân, tưởng dễ mà không hề dễ thể hiện. Cái lẳng lơ, phóng túng của Thị Mầu cũng đòi hỏi sự tinh tế trong cách thể hiện để không đi quá đà. Dường như khi chọn diễn viên đóng Thị Mầu, người ta đã coi nhẹ "thần" (lẳng lơ nhưng hồn nhiên) mà quá chú trọng vào "sắc" (đẹp). Đẹp mà thùy mị sẽ khiến cải lẳng lơ chưa "tới", đẹp sắc sảo lại làm mất đi vẻ hồn nhiên. Hai Thị Mầu xuất sắc kể trên (Thanh Trầm và Thu Huyền) đều không sở hữu sắc đẹp rực rỡ như nhiều Thị Mầu khác nhưng họ đã để lại dấu ấn không phai với vai diễn này. Hiếm có cô Thị Mầu nào trụ được trên sân khấu tới 20 năm như Thanh Trầm. 
Rất tiếc chỉ được xem một đoạn ngắn nên không thể nói nhiều về Thị Mầu Thanh Trầm. Điểm qua tiểu sử Thanh Trầm một chút. Là người con của đất Hưng Yên, năm 1960, Thanh Trầm được tuyển vào đoàn chèo Kim Lan, tiền thân của nhà hát chèo Hà Nội bây giờ. Cùng với Mạnh Phóng, Thanh Tâm, Văn Chính, Quý Bôn ... đây là lớp diễn trẻ bắt đầu được biết tới từ những năm 1963, 1964. Vai diễn đầu tiên khiến công chúng biết tới cái tên rất đẹp - Thanh Trầm là vai Lụa, nhân vật chính trong vở Sợi tơ vàng (1964, Mạnh Phóng cũng tham gia vở diễn này). Tiếp theo là Thúy điệu (Những cô thợ dệt, 1970) mà về sau, người ta còn nhắc nhiều tới lớp Thúy điệu của Thanh Trầm như là một trong những lớp diễn thành công của chèo mới. Rồi vai Bến (Ni cô Đàm Vân) ... Với chèo cổ, ngoài vai diễn kinh điển Thị Mầu, Thanh Trầm cũng ghi dấu ấn với Mẹ Đốp (Thị Kính). Lớp Xã trưởng - Mẹ Đốp do Thị Mầu và Mạnh Thường thể hiện đã để lại ấn tượng đẹp. Sau khi đạt được nhiều thành công trên sàn diễn, Thanh Trầm trở thành người thày tiếp tục truyền nghề cho những lớp diễn viên trẻ. Cũng như Diễm Lộc, Thanh Trầm được trao danh hiệu NSUT đợt đầu tiên năm 1984 và danh hiệu cao quý NSND vào năm 2015.

Ngày 01.10.2015 
QUANG THẮNG

Bài Liên Quan

Chân Dung Nghệ Sĩ 43643019190228894

Đăng nhận xét

emo-but-icon

Chuyển ngôn ngữ

Subscriber Youtube

Tin Fanpage

Bài đăng và Bình luận

Nóng

Bài Mới

Bình Luận

Visitors

Flag Counter
item