PHAN HUYỀN THƯ ƠI, SAO LẠI THẾ!
Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý, Đại tá quân đội, lâu nay là người sống chân thật, thẳng thắn. Những bài viết của anh giới thiệu phê bình thơ rất t...
https://www.maivanlang.com/2015/10/phan-huyen-thu-oi-sao-lai-the.html
Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý, Đại tá quân đội, lâu nay là người sống chân thật, thẳng thắn. Những bài viết của anh giới thiệu phê bình thơ rất tinh tế, nếu không muốn nói là sắc sảo. Gần đây, mấy chuyện lùm xùm thơ anh đều có phân tích, kiến giải cặn kẽ, không bênh vực hay thù ghét ai, ngược lại anh lấy trục chính là thơ làm chủ đạo để phân tích kiến giải hợp lý.
Dưới đây cũng là một bài viết phân tích rất công tâm của anh về trường hợp Phan Huyền Thư bị nghi ngờ " đạo thơ " của Phan Ngọc Thường Đoan. bài đăng trên trang Fb cá nhân của nhà thơ Nguyễn Hữu Quý!
VẤN ĐỀ ĐANG RẤT NÓNG TRÊN VĂN ĐÀN VIỆT:
PHAN HUYỀN THƯ ƠI, SAO LẠI THẾ!
Nguyễn Hữu Quý
Nguyễn Hữu Quý
Hội Nhà văn Hà Nội vừa trao giải thưởng thơ năm 2015 cho tập “Sẹo độc lập” của Phan Huyền Thư. Trong niềm hân hoan của người trao và kẻ nhận, một số trang mạng (tập thể và cá nhân) đã vội vàng tụng ca giải thưởng năm nay của Hội Nhà văn Hà Nội là tròn trịa và ấn tượng. Thế mà, bất ngờ quá, “ngôi sao thi ca” năm 2015 của Hội Nhà văn Thủ đô, Phan Huyền Thư đã bị dính nghi án đạo thơ. Ở đây, tôi nói đến bài thơ “Bạch lộ” (Độc ẩm với Lã Bất Vy) in trong tập “Sẹo độc lập” của Phan Huyền Thư bị nghi là đạo bài thơ “Buổi sáng” in trong tập “Đếm cát” của Phan Ngọc Thường Đoan.
Hai bài thơ na ná về cấu tứ, có nhiều câu hoàn toàn giống nhau hay chỉ đổi thay chút xíu về ngôn từ bắt buộc người đọc nghĩ tới chuyện bẩn thỉu trong nghề viết là “đạo văn”. Tuy nhiên, ai đạo ai là điều cần phải đưa ra ánh sáng để bạn đọc có cái nhìn đúng đắn về nhân cách và tài năng của người cầm bút.
Thông tin sau đây vô cùng quan trọng:
Bài thơ “Bạch lộ” của Phan Huyền Thư in trong tập “Sẹo độc lập” do Công ty Nhã Nam liên kết với Nhà xuất bản Lao động ấn hành năm 2014.
Bài thơ “Buổi sáng” của Phan Ngọc Thường Đoan in trong tập “Đếm cát” do Nhà xuất bản Văn học ấn hành năm 2003.
Như vậy, xét về thời gian xuất hiện, tác phẩm “Buổi sáng” được công bố trong khuôn khổ một tập thơ trước “Bạch lộ” là 11 năm.
So sánh cụ thể giữa hai thi phẩm tôi thấy trong một bài thơ không dài mà có quá nhiều câu giống nhau hoặc gần giống nhau.
Dẫn chứng:
Trong “Buổi sáng” Phan Ngọc Thường Đoan viết:
Những gương mặt người
Quen và không quen
Trong “Bạch lộ” Phan Huyền Thư diễn đạt:
Những gương mặt người
Quen mà không quen.
Câu thứ nhất giống hoàn toàn, câu thứ hai Phan Huyền Thư đã thay đổi từ “và” bằng từ “mà” do đó ý câu thơ khác đi căn bản. Tuy nhiên, hai câu này vẫn lộ tẩy sự “lấy cắp” và “dựa dẫm” vào câu thơ của Phan Ngọc Thường Đoan.
Cả hai bài “Buổi sáng” của Phan Ngọc Thường Đoan và “Bạch lộ” của Phan Huyền Thư đều có các câu:
-Tiếng chim khua vỡ buổi sáng lạnh
-Nắng nói lời mê ngủ
-Buổi sáng muốn gọi anh
-Nụ hôn nửa vời
Trái tim không cửa…
Có những câu thơ chỉ thay đổi một chút ngôn từ nhưng ý hoàn toàn giống nhau.
Phan Ngọc Thường Đoan viết:
Em ngồi một mình
Khuấy loãng thời gian
Còn Phan Huyền Thư thì:
Em một mình
ngồi khuấy loãng thời gian.
Hay có những câu thơ mà tôi đồ rằng người viết sau “chôm” ý và “bắt chước” cách lập câu của người viết trước. Đó là:
-"Quàng nỗi nhớ lên gối chăn bỏ ngõ" (Phan Huyền Thư) với "Quàng nỗi nhớ chạy quanh chiếc bàn nhỏ" (Phan Ngọc Thường Đoan).
-"Bản Blues Jazz đêm qua lẩn khuất phím dương cầm" (Phan Huyền Thư) với "Bản giao hưởng đêm qua còn phảng phất trên phím dương cầm" (Phan Ngọc Thường Đoan)
-"Cơn đau da lươn lên men vân gốm" (Phan Huyền Thư) với "Cơn đau màu men ngà" (Phan Ngọc Thường Đoan)…
Kết luận:
Tuy rằng tác phẩm “Buổi sáng” của Phan Ngọc Thường Đoan và “Bạch lộ” của Phan Huyền Thư không hoàn toàn giống nhau nhưng lại có những câu thơ giống nhau và gần giống nhau.
Tôi nghĩ, nếu không có bài thơ “Buổi sáng” của Phan Ngọc Thường Đoan thì chắc chắn không có bài thơ “Bạch lộ” (như văn bản đã so sánh) của Phan Huyền Thư.
Theo tôi, đã đủ chứng cứ để khẳng định trong tác phẩm “Bạch lộ” Phan Huyền Thư đã đạo (hoàn toàn và một phần) một số câu của Phan Ngọc Thường Đoan viết trong bài “Buổi sáng”.
Chỉ cần ngần ấy thôi, cũng đủ cho tôi và chắc chắn nhiều bạn đọc bất bình với cách làm của nhà thơ vốn đã “nổi tiếng” Phan Huyền Thư. Và, Hội Nhà văn Hà Nội cũng không thể vô can khi trao giải thưởng thơ năm 2015 cho tập “Sẹo độc lập” của Phan Huyền Thư.
Nhà thơ Phan Huyền Thư
(Ảnh sưu tầm trên mạng)
Huyền Thư ơi hỡi Huyền Thư
Trả lờiXóaTrót gian thì chớ thêm ngu làm gì
"Biên kịch" chối tội mà chi
Một câu xin lỗi có khi được lòng