ĐỨC PHÁP CHỦ THÍCH PHỔ TUỆ TRẢ LỜI PHỎNG VẤN VỀ TỔ TRÚC LÂM TRẦN NHÂN TÔNG
ĐỨC PHÁP CHỦ THÍCH PHỔ TUỆ TRẢ LỜI PHỎNG VẤN VỀ TỔ TRÚC LÂM TRẦN NHÂN TÔNG (Huệ Minh) - Trước thềm Đại lễ kỷ niệm 700 năm...
https://www.maivanlang.com/2015/10/uc-phap-chu-thich-pho-tue-tra-loi-phong.html
ĐỨC PHÁP CHỦ THÍCH PHỔ TUỆ
TRẢ LỜI PHỎNG VẤN VỀ TỔ TRÚC LÂM TRẦN NHÂN TÔNG
TRẢ LỜI PHỎNG VẤN VỀ TỔ TRÚC LÂM TRẦN NHÂN TÔNG
(Huệ Minh) - Trước thềm Đại lễ kỷ niệm 700 năm ngày Đức đệ nhất Tổ Trúc Lâm Trần Nhân Tông viên tịch, chiều ngày 24/11/2008, tức ngày 27/11/ Mậu Tý, Trang tin phattuvietnam.net đã có cuộc viếng thăm chùa Ráng – Viên Minh tự tại xã Quang Lãng huyện Phú Xuyên – Hà Nội, đỉnh lễ vấn an Đức đệ tam Pháp chủ GHPGVN Đại Trưởng lão Hoà thượng Thích Phổ Tuệ - Tổ Ráng.
Mặc dù chùa Ráng đang rất bận bịu trùng tu nâng cấp xây dựng nhưng Tổ vẫn hoan hỷ dành cho Huệ Minh - Biên tập viên trang tin một cuộc trao đổi. Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu một số nội dung của cuộc trao đổi đó.
.........................................................
1. (Huệ Minh): Kính bạch Đức Pháp chủ, xin Tổ cho biết vị trí của Đức đệ nhất Tổ Trúc Lâm trong lịch sử Phật giáo Việt Nam?
Đức Pháp chủ: Từ khi thái tử Tất Đạt Đa tu thành Phật dưới cội bồ đề, thuyết Pháp ở Lộc Uyển và độ 5 anh em nhà ông A Nhã Kiều trần Như thành Tăng già thì ở thế gian này tồn tại trọn vẹn Thế gian trụ trì Tam Bảo. Cũng từ đó, Tăng bảo được kế thế truyền đăng chưa từng gián đoạn.
Tăng bảo ở thế gian này, và cả ở xuất thế gian, là nhất thể, là cộng thông, cho dù có hàng ngàn Tông phái khác nhau, ở các thời đại, các quốc gia dân tộc khác nhau.
Do vậy, Tổ Trúc Lâm, cho dù được quảng bá rộng hay hẹp, không chỉ có vị trí trong lịch sử Phật giáo nước ta mà tất nhiên còn có vị trí trên phạm vi thế giới và rộng hơn nữa là Pháp giới, cả về không gian và thời gian, “Cửu hữu giai ngô nhất thể, thập phương thị ngã đồng bào”.
Xác định vị trí và vai trò lịch sử của Tổ Trúc Lâm dù ở góc nhìn chính trị học, văn học, văn hoá học, sử học, triết học hay Phật học thì cũng đều thấy Ngài là một nhân vật tiêu biểu.
Theo cách nhìn Phật giáo, quán chiếu xuyên suốt bằng tuệ giác thì thấy ở lĩnh vực nào, Ngài cũng thấu triệt tư tưởng, thấm nhuần đạo vị chứng ngộ kỳ đặc, toả ngát hương Thiền, thâm hậu tinh thần Bi Trí Dũng của Bồ Tát Đại thừa.
..............................
2. (Huệ Minh): Kính bạch Đức Pháp chủ, xin Tổ cho biết ý nghĩa, mục đích của việc tổ chức đại lễ kỷ niệm 700 năm ngày Giỗ Đức đệ nhất Tổ Trúc Lâm?
Đức Pháp chủ: Không phải đến ngày nay chúng ta mới tổ chức Đại lễ kỷ niệm. Trong suốt 700 năm qua việc đó đã thành truyền thống của Dân tộc Việt, của Phật giáo nước nhà, đặc biệt là ở những dòng, những vùng truyền thừa.
Năm nay là chẵn 700 năm, lại có nhiều thuận duyên nên giỗ Tổ được tiến hành trọng thể ở quy mô lớn. Mỗi lĩnh vực của đời sống xã hội khai thác ở sự kiện này ý nghĩa và mục đích theo cách tiếp cận của mình.
Chúng tôi cho rằng, Phật giáo và dân tộc ta có thể tìm thấy ở Đại lễ này tinh thần “uống nước nhớ nguồn”, noi theo đại nguyện của Tổ xả thân vì dân tộc, vì pháp giới chúng sinh.
Đây là một cơ hội, một thiện duyên để chúng ta giới thiệu với thế giới, với đông đảo nhân dân trong nước di sản tinh thần quý báu của Tổ tiên, “ngọc quý trong nhà”, khơi gợi niềm tự hào về dân tộc và Đạo pháp mà Tổ tiên đã để lại cho chúng ta.
Khi Ngài lãnh đạo nhân dân chống xâm lăng bạo tàn, cứu vớt hàng vạn sinh linh thoát khỏi lò lửa chiến tranh, cũng tức là chống lại các thế lực vô minh, “trừ ác hưng thiện”, “chuyển vô minh thành viên minh”.
Tất nhiên, có chiến tranh thì phải có hy sinh, chết chóc, sát nhân, “sát Thát”. Theo quan điểm nhà Phật, tất cả mọi sinh linh đều thuộc về Pháp giới chúng sinh. Mọi chủ thể sát sinh đều phạm giới sát và đều phải chịu nghiệp báo.
Là một Phật tử, hơn nữa là một Bồ Tát - đệ tử Phật, Ngài chấp nhận cầm gươm giết giặc cứu dân, cứu nước, đành để mình hy sinh chịu tội, “bằng lòng vào địa ngục” để cứu vớt số đông, chấp nhận “bất năng tức diệt định nghiệp”. Đó là tinh thần của Bồ Tát.
Ở Ngài không chỉ dừng lại ở tinh thần yêu nước thương nòi, mà rộng hơn và vượt lên trên còn là tinh thần Bồ Tát hạnh “vô ngã vị tha” của Phật giáo Đại thừa.
..........................
3. (Huệ Minh): Kính bạch Đức Pháp chủ, xin Tổ cho biết Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử có ảnh hưởng như thế nào đến quá trình tu học của Tăng ni Phật tử nước ta?
Đức Pháp chủ: Đúng là Phật phái Trúc Lâm Yên Tử lấy tu Thuyền làm phương pháp hành trì, kế thừa truyền thống của các Tổ sư từ Trung Hoa truyền sang. Khi ấy, hơn 700 năm trước, tu Thuyền là ưu việt và ưu trội hơn cả, rất phù hợp với căn cơ của các tầng lớp trên có trí tuệ và căn cơ cao.
Sau ngài Huyền Quang, Thuyền phái Trúc Lâm tan dần vào dân gian, kết hợp với Tịnh độ tông (do ngài Tuệ Viễn ở Trung Hoa khởi xướng ở Lư Sơn), tình trạng đó duy trì cho tới ngày nay.
Ngay sau hoà bình lập lại (khoảng năm 1955), bản thân tôi đã về thăm viếng di tích Yên Tử, khung cảnh rất tiêu điều.
Gần đây ở nước ta, truyền thống Thiền Trúc Lâm dường như được khơi gợi lại. Tôi có được tiếp xúc với một số vị đến từ các Thiền viện, được biết số lượng Tăng Ni Phật tử tu tập theo Pháp môn này rất khả quan.
Tuy nhiên, “Phật thì không có đông tây, Tổ thì không phân biệt nam bắc”, Phật pháp lấy tu chứng làm sở đắc, coi pháp môn chỉ là phương tiện. Người tu học cần tránh khởi tâm suy bì hơn kém, đề cao Tổ ta, hạ thấp Tổ tây, rồi không khéo manh tâm “lập Phật ta mà phế Phật tây” thì hậu quả khôn lường trên con đường tu tập.
.................................
4. (Huệ Minh): Kính bạch Đức Pháp chủ, Ngài có suy nghĩ gì từ tấm gương xả bỏ ngai vàng uy quyền để đi tu của vua Trần Nhân Tông với việc trở thành Phật tử của một số nhà lãnh đạo ngày nay và một số Tăng sĩ ngày nay tham gia vào các cơ quan, tổ chức của hệ thống chính trị?
Đức Pháp chủ: “Thân người là khó được”, khi được làm thân người sống trong xã hội, đại đa số người ta không thể chủ động lựa chọn thân phận ở kiếp này, mà do nghiệp lực từ nhiều dời nhiều kiếp trước dẫn dắt lôi cuốn. Giáo lý nhân quả và nghiệp báo của nhà Phật tuyên thuyết chủ yếu về điều đó.
Do vậy, ở thời hiện tại, chúng ta là ai, là tu sĩ, là cư sĩ, là nhà chính trị, là nông dân hay trí thức, v,v, ở nước này hay nước khác, ở trung tâm hay nơi biên viễn, v,v, dường như là không quan trọng. Vấn đề là ở chỗ, trong các điều kiện đó, người ta khởi được cái tâm gì, tu tâm gì và chuyển biến tâm theo chiều nào; ý nghĩ, lời nói, việc làm tu sửa theo hướng nào, có mang lại lợi lạc chân chính cho quảng đại chúng sinh hay không?
Thân ta cũng chỉ là cái phương tiện mà ta mượn để nương vào đó mà tu, huống hồ nghề nghiệp và địa vị.
Được phương tiện tốt, gặp nhiều thiện duyên thì dễ tu, dễ chứng. Song điều đó cũng chưa hẳn. Thuận đấy mà cũng có khi là nghịch đấy. Nghịch đấy mà cũng có khi là thuận đấy. Từ bùn đen cũng có thể sinh ra dòi bọ mà cũng có thể sinh ra hoa sen. Điều đó thực huyền vi và cũng rất mực đơn giản.
Cứ theo lý đó mà suy thì thiết tưởng vấn đề nêu trên tự nó đã là một lời đáp rồi.
...........................
5. (Huệ Minh): Chúng con thành kính tri ân Tổ, kính chúc Tổ thân tâm thường an lạc!
Đức Pháp chủ: Nam mô A Di Đà Phật!