NSND Minh Lý- Phận đời chìm nổi ba đào
ĐÀO LÝ MỘT MÌNH …! Tác giả: Bích Hợp ( Cháu ngoại của NSND Minh Lý ) Ngày 8-6-1997, nghệ nhân bậc thầy của ngành chèo cả nước đã...
https://www.maivanlang.com/2015/12/nsnd-minh-ly-phan-oi-chim-noi-ba-ao.html
ĐÀO LÝ MỘT MÌNH …!
Tác giả: Bích Hợp (Cháu ngoại của NSND Minh Lý)
Ngày 8-6-1997, nghệ nhân bậc thầy của ngành chèo cả nước đã từ giã cõi đời ở tuổi 87, để lại niềm tiếc thương vô hạn đối với công chúng khán giả và đồng nghiệp. Trong buổi lễ truy điệu NSND Minh Lý tại 51 Trần Hưng Đạo (Trụ sở Hội văn học nghệ thuật Việt Nam) mọi người đều có một cảm tưởng: “Thế là lại thêm một tinh hoa nghệ thuật vĩnh viễn ra đi”
PHẦN 1: NGANG TRÁI PHẬN ĐÀO
Cánh màn nhung màu huyết dụ đang dần dần khép lại, nàng cố gạt nước mắt nhìn xuống phía dưới khán giả. Đêm nay có thể là đêm diễn cuối cùng của nàng. Ở dưới đó, già có, trẻ có, thanh niên trí thức, quan lại, phu xe, mỗi người một thân phận nhưng họ đều có chung một mục đích là đến để xem Đào Lý. Biết bao văn nhân, tài tử chỉ mong chóng tối để xem nàng diễn. Có những khán giả xem cả bảy đêm nàng diễn ở đây. Thậm chí nàng đi diễn ở đâu thì thuê xe tới đó xem cho tới khi nàng đi lưu diễn ở các tỉnh xa mới thôi.
Còn một người đặc biệt nữa nàng đang cố dõi mắt tìm mà chưa thấy. Chàng là anh cử trường Luật. Chàng thật là nho nhã thư sinh, rất lịch sự và đúng mực. Mỗi lần nàng diễn xong chàng thường đứng chờ hàng tiếng cho tới khi nàng đi ra xe chỉ để được nhìn nàng thêm một lần và chào nàng một câu. Nàng biết chàng rất quý mến nàng, hâm mộ nàng nhưng chàng luôn giữ khoảng cách bởi xung quanh nàng bao giờ cũng có đến hơn chục ông quan lớn nhỏ. Chàng nghèo lắm, phải đi dạy kèm để kiếm thêm tiền ăn học. Chàng không thể có những món quà đắt tiền để tặng nàng, càng không dám nghĩ đến chuyện tình cảm với nàng được. Nàng biết vậy nhưng trong số những người hâm mộ, nàng thấy quý chàng nhất. Ngày mai nàng lên xe hoa về nhà chồng rồi, nàng muốn một lần nữa được nhìn thấy khuôn mặt hiền hậu thân quen ấy. Chắc chàng cũng đã biết tin ngày mai nàng đi lấy chồng. Lòng nàng như nghẹn lại. Nàng không muốn xa chàng, xa sân khấu chèo, xa những khán giả thân yêu của nàng. Nhưng cha nàng đã quyết, nàng không thể cãi lời cha còn cha nàng làm sao có thể cưỡng lại lệnh quan.
Ngày mai nàng sẽ là vợ của quan nghè, con trai quan thượng thư trong triều. Nhưng đám cưới của nàng chỉ là một lễ rước dâu về Hải Dương, không có tiệc tùng, không có quan viên hai họ bởi nàng đi làm lẽ. Vợ cả của quan nghè là con gái của một bà công chúa, bác của vua Bảo Đại. Họ hàng của bà toàn là hoàng thân quốc thích trong triều nên quan thượng thư cũng nể mặt mà bắt con trai phải kín đáo một chút nếu không sẽ xảy ra chuyện lớn. Bà cả lại khét tiếng là ghen hơn Hoạn Thư. Chỉ cần nghe ai mách quan Nghè chồng bà để mắt tới ai thì kẻ đó chết với bà. Khi quan Nghè thông báo với bà là sẽ lấy vợ hai bà đã ngất lên ngất xuống mấy lần. Bà không ăn không ngủ, cứ ngồi nhìn trừng trừng ra sân. Mẹ của bà cũng tức tốc từ kinh thành Huế về Hải Dương để đe ông con rể nhưng quan Nghè một mực đòi lấy Đào Lý cho bằng được. Ngài cũng đe lại rằng nếu không để ngài lấy Đào Lý thì ngài sẽ không bao giờ về với bà cả nữa. Bà cả có lẽ thấy không thể thuyết phục được đành để cho ngài cưới nàng nhưng với điều kiện không được làm đám cưới để giữ thể diện cho mẹ con bà.
Cha nàng lúc đầu cũng nhất quyết không đồng ý. Nàng là đào chính của gánh hát, nàng mà đi cha nàng biết xoay trở làm sao, khán giả đến đây chủ yếu là để xem cô Đào Lý, nhưng quan Nghè dọa rằng nếu không gả Đào Lý cho ngài thì ngài sẽ phá tan cái gánh hát này. Thế là nàng phải nhắm mắt đi làm lẽ nhà quan. Chấp nhận lấy một người làm chồng mà nàng chỉ mới gặp người ấy có ba lần.
Lần đầu nàng gặp quan Nghè là khi ngài vừa từ Huế ra Hà Nội công cán. Nghe mọi người đồn có cô đào tài sắc vẹn toàn, ngài tò mò đến xem. Nàng Xúy Vân đã làm cho ngài mê mẩn ngay từ màn đầu. Khi nàng Súy Vân cất tiếng hát: Ta đi chợ dốc – ngồi gốc cây đa … nàng đã chinh phục ngài hoàn toàn. Khán giả đã về hết, ngài còn chờ bằng được nàng Súy Vân xem ngoài đời nàng có đẹp như trên sân khấu không. Khi nàng ra đến cửa, vừa nhìn thấy nàng, ngài đứng sững như Từ Hải. Ngài cứ đứng im mà ngắm nàng rồi mãi mới thốt lên được một câu: “Trời ơi, Đào Lý đẹp quá, chưa bao giờ ta được nhìn thấy người nào đẹp như nàng. Các cung nữ trong cung không thể sánh với nàng được”. Nàng đã quen với cái câu khen cửa miệng của các quan rồi nên chẳng mảy may xúc động nhưng quan Nghè Thảo thì đêm đó thức trắng. Cả đêm đó ngài nghĩ cách đối phó với bà cả thế nào để lấy cho được cô Đào Lý làm vợ.
Lần thứ hai là chiều hôm sau, khi nàng và cha đến rạp hát thì đã thấy ngài ngồi chờ ở cửa. Ngài đòi gặp nàng ngay nhưng cha nàng không đồng ý vì nàng còn phải hóa trang cho kịp giờ mở màn. Ngài đành ngồi ở hàng ghế đầu chờ đợi nàng. Đêm ấy đoàn diễn vở “Lọ nước thần”. Khi nàng bước ra sân khấu trong vai vợ người bán hành nàng nhìn thấy ngài bỗng đứng bật dậy. Lập tức ngài bị mấy vị quan chức bên cạnh nhắc nhở. Ngài đành ngồi xuống theo dõi vỡ diễn. Khi màn khép lại, ngài lao luôn lên sân khấu. Ngài trừng mắt đuổi mấy vị leo lên thưởng tiền cho nàng. Một vị thương gia có vẻ hào hoa đưa cho nàng một túi quà xinh xắn liền bị quan Nghè túm tay lôi ra ngoài. Nàng bỗng thấy khiếp sợ ngài. Nàng đã nghe mấy anh kép trong đoàn kháo nhau rằng quan Nghè Thảo nổi tiếng là hổ mang hổ lửa. Gần như lần nào ngài đánh giầy thì người đánh giầy cũng bị ngài đánh. Ngài rất kĩ tính, anh nào làm ẩu mà ngài nhắc nhở không chịu nhận hoặc cãi ngang thì lập tức bị ngài đánh liền. Ngài tát túi bụi cho hả giận rồi đập tan hộp đồ nghề đánh giầy. Khi người đánh giầy ngồi ôm chiếc hộp vỡ nát mà khóc cũng là lúc ngài nguôi cơn giận. Ngài lại dỗ dành, xoa đầu và giúi cho bọc tiền, thôi nín đi rồi đi sắm bộ khác. Giờ nhìn ngài quắc mắt quát cả mấy ngài quan chức ở trong thành thì nàng mới thấy lời đồn quả là không sai.
Khi mọi người về hết ngài mới lôi trong túi ra một chiếc hộp bọc nhung đỏ. Tim nàng đập loạn xạ, nàng thấy lo lắng vô cùng. Nhìn vào ánh mắt của quan Nghè, nàng như đoán được việc gì sắp đến với nàng. Ngài bắt nàng mở hộp quà. Nàng kiên quyết không nhận. Nàng cũng đã hình dung quan Nghè nổi giận thế nào nhưng trái với dự đoán của nàng, ngài vẫn ôn tồn nói với nàng:
- Ta mong nàng nhận món quà này, ta thực sự ngưỡng mộ nàng, đây là tấm lòng của ta mà.
Cha nàng dường như đã biết được kết cục của cái gánh hát này sẽ thế nào nếu nàng không nhận quà nên đã đỡ lấy hộp quà.
- Con cảm ơn quan Nghè đi, đây là ân huệ của quan lớn sao con dám từ chối.
Nàng đành mở hộp quà. Một bộ trang sức bằng vàng và đá Rubi. Chưa bao giờ nàng nhìn thấy những thứ đồ nữ trang đẹp đến thế. Nhưng sao nàng thấy buồn và lo vô cùng. Linh tính báo cho nàng biết cuộc đời nàng sẽ bị ràng buộc với con người vừa dữ dằn lại vừa đa tình này.
Ngài cứ đứng cầm tay nàng không nói được lời nào, mãi sau ngài mới thốt lên:
- Mai ta phải xa nàng rồi, ta phải về triều gấp, nàng biết không ta sẽ nhớ nàng lắm. Chỉ cần nghĩ đến những kẻ đêm nào cũng đến đây ve vãn nàng là ta không thể chịu nổi rồi. Nàng hãy hứa với ta là không được cho một kẻ nào đến gần nàng nhé. Xong việc là ta sẽ ra đây ngay. Ta sẽ xin với cha nàng cho ta cưới nàng làm vợ. Nhất định nàng phải là vợ của ta nàng hiểu chưa?
Lần thứ ba nàng gặp ngài, đó là khi ngài vội vàng từ Huế trở ra Hà Nội. Lúc đó đã gần một giờ sáng. Cha con nàng vừa mới đi diễn về, chưa kịp chợp mắt thì nghe tiếng gõ cửa dồn dập. Cha nàng ra mở cửa, ngài lao vào nhà tìm nàng. Nàng cũng không biết lúc đó nàng thế nào nữa, mọi cảm xúc dường như lẫn lộn. Nàng cũng thấy chút xúc động trước tình cảm của quan Nghè, lại vừa lo sợ nếu như ngài quyết lấy nàng làm vợ. Nàng trốn vào buồng trong và cài chốt cửa lại. Nàng nghe thấy ngài nói với cha nàng.
- Ta có chút tiền này biếu ông để lo cho gánh hát. Ông hãy gả Đào Lý cho ta, ta không thể sống thiếu nàng được. Ta biết vắng Đào Lý ông sẽ khó khăn lắm nhưng ông đừng lo, ta sẽ chu cấp cho ông để ông duy trì gánh hát.
Cha nàng biết rằng khó cưỡng lại lệnh quan nhưng vẫn cố trì hoãn:
- Quan Nghè thương tình em nó còn trẻ dại lắm, giờ về làm dâu sao cho vừa lòng được cụ Thượng và bà cả, lại khổ cho ngài chi bằng ngài cứ để thêm một thời gian cho em nó trưởng thành, quan cứ vào kinh khi nào rảnh ra xem em nó diễn là tốt hơn cả.
- Ta không thể để nàng đi diễn được, một tối có tới hàng chục thằng vây xung quanh ta không chịu nổi. Nhất định lần này ta phải đưa bằng được nàng về phủ ta mới vào Huế. Ông chọn ngày đi, ngày nào gần nhất trong tuần này. Nếu ông không chấp nhận yêu cầu của ta thì ngày mai sẽ không còn gánh hát của Trùm Thịnh nữa.
Nàng ngã ngồi xuống giường. Thế là hết, hết cả ca cả diễn. Nàng nhớ đến người thầy của nàng, nhạc sư Vũ Tiến Đức đã dành bao tâm huyết truyền dạy cho nàng từ các loại nhạc cụ đến phương pháp ký xướng âm của phương Tây, bốn năm khổ luyện để có một Đào Lý tài sắc vẹn toàn, công sức của thầy và trò giờ đổ xuống sông xuống biển. Nàng nhìn lên bức ảnh của mẹ nàng treo trên tường. Đôi mắt đẹp của bà như đang ngấn lệ. Mẹ nàng, cô Đào Mơ nổi danh tài sắc đã đi vào giai thoại của nhà văn Khải Hưng trong truyện “Dọc đường gió bụi”, bà nói đã hay như hát còn khi hát thì át cả địch đàn, bà không may lâm trọng bệnh và để lại cho cha nàng cô con gái nhỏ là nàng mới chưa đầy mười tuổi. Bạn nghề của bà thường ngắm nàng mà nói: Mẹ con mất đi nhưng tất cả tinh hoa tài sắc không mất đi mà gửi vào con hết đấy. Cộng với cả sự tài hoa của cha con nữa, sau này không có cô đào nào vượt được con đâu, con đừng phụ lại kỳ vọng của mẹ con.
Vì mẹ, vì cha, vì gánh hát, vì nghiệp chèo nàng đã cố gắng hết mình nhưng giờ đây, chỉ vì cái ông quan Nghè hổ mang kia nàng sẽ mất hết ư. Không thể như thế được. Nàng sẽ tìm cách trốn đi. Nhưng nếu nàng đi, cha nàng và gánh hát sao thoát được tai ương.
Tiếng đập cửa ầm ầm, tiếng cha nàng, tiếng quan Nghè, tai nàng ù đi. Nàng lê bước ra mở cửa. Chỉ nghĩ đến việc nàng không bao giờ được đứng trên sân khấu nữa thôi là nàng đã tan nát cõi lòng rồi.
Xe đưa nàng về đến phủ đã gần tối. Nàng mệt lả đi sau quãng đường dài nhưng có lẽ nàng mệt vì khóc cho thân phận của nàng thì nhiều hơn. Đang mơ màng thì một giọng the thé ở đâu đó vang lên. Tiếng quan Nghè chào hỏi. Hình như ngài đang nói chuyện với bà mẹ vợ của ngài. Lại một giọng nói the thé na ná giọng ban nãy vang lên:
- Để ta tận mắt nhìn xem cái cô đào Lý đẹp đến mức nào mà làm phu quân của ta mất ăn mất ngủ nhỉ.
Nàng choàng tỉnh. Có lẽ cơn ác mộng mà nàng hình dung sẽ bắt đầu ngay từ giờ phút này!
PHẦN 2: BA LẦN LÀM LẼ
Cơn đau dữ dội qua đi cũng là lúc tiếng oe oe vang lên. Con gái nhé, chúc mừng bà. Con gái ư, nàng vừa mừng lại vừa lo, nó có xinh đẹp không, liệu cuộc đời của nó sau này có được may mắn hay lại mang một kiếp hồng nhan như nàng. Mẹ chồng nàng cầm tay nàng và nói: Con nghỉ đi mẹ sẽ chăm sóc con bé cho, đừng lo gì cả. Nàng hiểu những gì mẹ chồng nàng nói.
Thấm thoát đã gần 3 năm nàng về làm dâu họ Đoàn. Ba năm nàng đã có hai đứa con với quan Nghè. Một trai và một gái. Nàng đặt tên cho con trai là Hiền và con gái là Hậu với hi vọng chúng sẽ là những đứa con ngoan ở hiền gặp lành. Ba năm quan Nghè về với nàng được bốn lần. Khi con trai đầu lòng ra đời quan Nghè đang đi sang Lào công cán, con được gần một tuổi ngài mới về thăm con. Những lần quan Nghè hiếm hoi được về thăm nhà thì ngài đều ở bên nàng, nàng biết ngài cũng thương và lo cho nàng lắm nhưng ngài càng thương nàng bao nhiêu thì đến khi ngài đi nàng lại khổ bấy nhiêu, một tháng sau đó nàng sẽ ăn cơm chan nước mắt. Cứ đến bữa cơm, khi nàng bưng bát lên là bà cả đứng ở cửa chửi vào. Bà mát mẻ, nhiếc móc, bà miệt thị cái loại "xướng ca vô loài" với tất cả sự căm hờn của một mệnh phụ bị chồng phụ tình. Mẹ chồng nàng thương nàng lắm nhưng cũng chỉ nói đỡ được vài câu. Phần vì nể bà con dâu danh giá, phần nữa bà cũng thương phận gái ghen tuông là lẽ thường tình. Bà nói với nàng: “Con cũng nên cảm thông cho chị cả, chị ấy cũng không sung sướng gì khi hành hạ con đâu”. Nàng biết điều đó nên cố nhịn nhục suốt ba năm. Nhưng nàng không biết nàng còn phải sống như thế này bao lâu nữa. Nàng nhớ cha, nhớ ánh đèn sân khấu, nhớ những đêm diễn nàng đã hóa thân vào biết bao thân phận đàn bà. Nàng Kiều, nàng Súy Vân, có nàng nào khổ như nàng bây giờ không. Vai diễn ở cuộc đời này là kiếp khổ của cả hai nàng cộng lại chăng?
Có tiếng người xôn xao ngoài cổng, rồi tiếng thét của bà cả, tiếng khóc của mẹ chồng nàng. Nàng chạy vội ra nhà ngoài. Bà cả đang nằm bất tỉnh ở giữa nhà, người hầu đang bấn loạn lên để cấp cứu cho bà. Mẹ chồng nàng khuôn mặt thất thần ôm lấy nàng báo hung tin: Con ơi, chồng con chết rồi, nó chết trên đường đi sang Lào. Khổ thân con tôi, trời ơi là trời...
Nàng như cây chết đứng, nàng không khóc được, nàng đi tìm con gái, nàng ôm lấy đứa con tội nghiệp của nàng. Nó chưa kịp biết mặt cha. Nàng thấy ân hận vì đã có lúc oán hận quan Nghè. Thế là vị quan Nghè lãng tử phong lưu của nàng đã không còn. Nàng nhớ đến ánh mắt âu yếm, lời nói nồng nàn thắm thiết của ngài lúc ở bên nàng. Nhớ cả những cơn ghen kinh khủng của ngài. Giờ mẹ con nàng sẽ ra sao khi không có ngài đây.
Ngay khi bà cả tỉnh dậy bà lao ngay vào phòng nàng. Bà túm tóc túm áo nàng mà lôi. Bà muốn xé tung áo nàng ra. Nhìn vào ánh mắt long lên của bà, nàng nghĩ bà muốn xé xác nàng chứ không phải cái áo. Hành hạ nàng chưa hả giận bà lại hành hạ cả hai đứa con tội nghiệp của nàng. Bà cho rằng nàng là loại gái sát chồng nên chồng bà chết là do nàng. Bây giờ quan Nghè đã chết, bà chẳng phải sợ ai, giờ là lúc bà có thể thoải mái hành hạ mẹ con nàng cho thỏa cơn ghen. Bà quyết làm cho kẻ cướp chồng bà phải nếm đủ mùi cay đắng. Một tháng qua đi với bao đòn thù vùi dập, nàng gần như kiệt sức.
Tối hôm đó, cô người hầu vào báo tin cho mẹ chồng nàng: “Hình như bà cả đang có ý định đầu độc mợ Lý đấy bà ạ, con thấy thương mợ quá nên đánh liều nói với bà. Bà có cách gì lo cho mợ con”.
Đêm hôm đó, nàng đã rứt ruột để lại hai đứa con thơ dại của mình nhờ mẹ chồng chăm sóc. Nàng nhờ bà báo tin cho cha nàng biết tình hình của nàng rồi vội vã ra đi. Nàng lao vào màn đêm dày đặc, nàng chưa biết mình sẽ đi đâu nhưng nàng muốn thoát ra khỏi chốn địa ngục này. Nàng là cái gai trong mắt bà cả, nếu nàng còn ở đó, không biết tính mạng của ba mẹ con nàng sẽ ra sao.
Tiếng chuông chùa vang lên xa xa. Phải rồi, cửa Phật từ bi rộng mở. Nàng sẽ vào nương nhờ cửa Phật, tránh xa chốn bụi trần. Nàng sẽ xuống tóc đi tu. Hàng ngày nàng sẽ tụng kinh niệm Phật cầu nguyện cho hai đứa con tội nghiệp của nàng.
Sư thầy sau khi nghe nàng kể rõ sự tình thì khuyên nàng hãy khoan xuống tóc, nửa năm sau mà con vẫn nhất quyết chọn đường tu thì sư thầy sẽ xuống tóc cho. Nhưng nàng đã quyết, nàng đã quá mệt mỏi bởi đường trần. Nàng muốn sống nốt quãng đời còn lại chốn thiền môn.
Mái tóc đen dài óng ả như nhung của nàng đã không còn, từ nay nàng là tiểu Lý.
Ngày rằm, cửa chùa rộng mở đón dân làng vào thắp hương lễ Phật. Mọi người đều ngỡ ngàng trước vẻ đẹp rực rỡ của tiểu Lý. Ngay chiều hôm đó, tin đồn về chú tiểu có sắc đẹp mê hồn đã đến tai lý trưởng. Ngài tức tốc lên chùa. Tiểu Lý đang quét sân chùa. Lý trưởng lặng người ngắm nàng từ xa. Nàng đang đưa những nhát chổi thật nhẹ nhàng, dáng nàng khoan thai duyên dáng làm sao. Lớp áo nâu sòng, mảnh khăn vuông chít đầu không thể che dấu được nét đẹp đằm thắm của một thiếu phụ mới hai mươi mốt tuổi.
Từ hôm đó ngày nào lý trưởng cũng lên chùa dâng hương, nhưng ngài chỉ thắp nén nhang chiếu lệ rồi lao đi tìm tiểu Lý cho bằng được. Bà vợ lý trưởng nghe dân làng mách đã lên chùa tìm gặp tiểu Lý để xem cái con đã đi tu rồi mà còn chim chuột chồng người. Nếu không có sư thầy có lẽ hôm đó tiểu Lý đã không thoát nổi cơn ghen của bà Lý.
Không thể đánh ghen nơi cửa Phật, bà lý trưởng hậm hực không yên. Bà lên mách quan huyện nhờ quan huyện can thiệp đuổi cổ tiểu Lý đi. Quan huyện tò mò đến chùa xem tiểu Lý thế nào mà lắm chuyện rắc rối thế. Nhìn thấy tiểu Lý, quan lẳng lặng ra về. Đêm đó, có người trong làng chạy ra báo với sư thầy: “Bạch thầy, quan huyện đang cho người đến bắt tiểu Lý về làm vợ đấy, họ đã đến đầu làng rồi”.
Sư thầy lập tức cho người dắt tiểu Lý đi cửa sau chạy đến chùa làng bên lánh nạn.
Nàng lại ra đi trong đêm. Nước mắt nàng ướt đẫm chiếc áo nâu sồng. Nàng muốn gieo mình xuống dòng sông kia để cho tan biến hết bụi trần, xóa đi một kiếp hồng nhan bạc phận nhưng bỗng hình ảnh các con nàng hiện lên, giờ này không biết chúng ra sao. Liệu cha nàng đã đón được các con nàng chưa, cha nàng sẽ xoay sở thế nào để nuôi con nàng. Không, nhất định nàng phải sống để nuôi con. Chốn cửa Phật nàng cũng không được yên thân thì nàng sẽ hoàn tục để sống cuộc đời của nàng, sống vì các con nàng.
Nàng lánh nhờ ở chùa làng bên được một tháng thì cha nàng tìm được nàng. Hai cha con ôm nhau mà khóc. Cha nàng đâu có ngờ đứa con gái tài sắc của ông lại chịu cảnh đọa đầy, khổ ải đến vậy. Ông xin với sư thầy làm lễ hoàn tục cho con gái.
Sau bao năm vắng xa sân khấu, hôm nay nàng lại trở lại sàn diễn. Đêm nay là đêm đầu tiên công diễn vở "Quan Âm Thị Kính". Cảm giác của nàng thật hồi hộp. Hồi hộp hơn là lần đầu nàng bước lên sân khấu. Sáu tuổi, nàng đã đĩnh đạc bước ra sân khấu vừa múa vừa hát trong sự cổ vũ của cha mẹ, các cô các chú và khán giả. Vậy mà sao hôm nay nàng thấy mình bồi hồi khó tả. Tóc trên đầu nàng vẫn còn chưa mọc kín và giờ đây nàng lại vào vai thị Kính, nàng lại xuống tóc trên sân khấu. Đây là kịch hay là đời. Vai diễn này là cuộc đời của nàng. Khi diễn đến đoạn thị Kính bế con đi xin sữa. Nàng hát mà hai hàng nước mắt chan hòa. Khán giả không một ai cầm nổi nước mắt. Cả rạp vỡ òa trong tiếng khóc.
Vở “Quan Âm Thị Kính” đã diễn ở Hà Nội một tháng mà rạp hát hôm nào cũng phải bán thêm ghế phụ. Danh tiếng của nàng vang dội khắp cả nước. Những tưởng từ đây nàng sẽ được dốc lòng cống hiến cho nghệ thuật chèo, sóng gió giờ đã qua, nào ngờ......
Cha con nàng đi lưu diễn ở Nam hà. Quan trấn ty thành Nam đi xem vở “Nàng Châu Long”. Tối hôm đó, sau khi vở diễn kết thúc, cha nàng được gọi đến phủ quan lớn. Khi cha nàng vào đến chốn công đường thì toàn bộ gánh hát đã bị bắt giam vào ngục. Nàng và mọi người ngơ ngác không hiểu có chuyện gì xảy ra. Nửa đêm cha nàng cũng bị đẩy vào ngục giam. Khuôn mặt ông hốc hác. Ông nhìn con gái mà nước mắt tuôn rơi. Nàng gặng hỏi mãi ông mới nói: Quan lớn bắt cha phải gả con cho ngài, nếu không đồng ý thì cả gánh hát này sẽ mãi nằm trong ngục tối. Nàng ngất xỉu. Cha nàng và em trai nàng lay gọi mãi nàng mới tỉnh dậy. Nàng làm gì có lựa chọn nào khác được. Nàng lại một lần nữa đi làm lẽ.
Sáng hôm sau, một chiếc xe kết hoa rực rỡ đến đón nàng. Nhưng khi vừa đặt chân đến phủ quan, nàng đã rụng rời chân tay khi nghe tin bà cả đã dùng súng tự sát sáng nay rồi. Đêm qua, khi biết tin chồng bà quyết tâm lấy đào Lý, bà đã trói cả 9 người con lại và gọi quan trấn ty về. Bà nói rằng nếu ông mà đưa đào Lý về bà sẽ tự sát cùng với các con. Ông chẳng mảy may lo sợ vì làm gì có bà mẹ nào dám giết con. Đúng như ông đoán, bà không thể bắn con nhưng bà đã tự kết liễu cuộc đời chứ không chịu sống cảnh chồng chung.
Nỗi đau vò xé tâm can nàng, vì nàng mà một người đàn bà chết trong đau khổ, chín đứa trẻ mất mẹ vì nàng. Sao cuộc đời cứ vùi dập nàng bằng những nỗi đau vô tận thế này. Nàng đã ốm cả tháng trời không thể gượng dậy nổi. Rồi nàng lại nôn khan, một sự sống mới lại bắt đầu. Nàng biết mình phải sống và gượng dậy. Con trai nàng chào đời được một năm thì quan trấn ty cũng mất. Lần thứ hai nàng để tang chồng. Trái tim nàng đã băng giá. Nàng lại dắt con trở về gánh hát với cha và các em.
Sân khấu Lạc Việt lại sáng đèn hàng đêm, người xem lại nườm nượp kéo đến xem cô Đào Lý.
Sóng gió cuộc đời tưởng đâu vùi dập phận liễu yếu đào tơ, nhưng nàng với nghị lực phi thường, niềm đam mê nghệ thuật cháy bỏng đã lại tỏa sáng trên sân khấu chèo. Và rồi duyên phận đẩy đưa, nàng đã gặp lại người xưa. Chàng cử nhân trường Luật Phạm Học Hải ngày nào giờ đã là ngài chánh án tòa án thành phố. Chàng đã lấy vợ và có đến bẩy người con. Ngồi hàng ghế đầu tiên xem nàng diễn, chàng đã khóc. Khóc vì xót xa cho nàng kiếp hồng nhan mà lận đận đường tình. Khóc cho khối tình của hai người không thành duyên phận. Thế rồi, hàng đêm chàng lại đều đặn đi xem nàng diễn. Ngọn lửa tình tưởng như ngủ yên trong tro tàn kỉ niệm giờ lại bùng cháy thiêu đốt tâm can chàng. Chàng không thể phụ tình người vợ tần tảo nuôi chàng ăn học. Không thể để các con chàng khinh thường người cha luôn đề cao đức độ hàng đầu. Mọi người sẽ khinh bỉ chàng, rốt cuộc khi có tí chức sắc cũng vướng vào vòng đam mê tửu sắc. Chàng đã cố quên đi hình ảnh cô Đào Lý tài hoa nhưng càng cố quên thì chàng lại càng nhớ nhung da diết, càng thương nàng biết bao nhiêu. Nếu nàng yên bề gia thất có lẽ chàng đã không khổ thế này. Hình ảnh nàng một mình với ba đứa con thơ dại làm chàng trăn trở bao đêm. Và rồi chàng bất chấp tất cả để có được nàng. Cảm động trước tấm chân tình của chàng nhưng nàng không thể một lần nữa đi làm lẽ và cũng không thể bỏ sàn diễn. Nàng đồng ý lấy chàng nhưng với điều kiện là nàng không về sống cùng bà cả và chàng phải để cho nàng dược đi diễn. Chàng đồng ý miễn là được chăm sóc cho nàng. Chàng mua một ngôi nhà nhỏ cho mẹ con nàng ở, lo cho hai con lớn của nàng đi học rồi đi làm. Kết quả tình yêu của chàng và nàng là một cô công chúa nhỏ. Chàng vui mừng không tả xiết. Chàng đã thực sự là cha của cả bốn đứa con. Còn nàng, sau đêm diễn, nàng lại trở về căn nhà nhỏ. Lại chiếc bóng đơn côi, phận đào liễu ba lần xuất giá vẫn chỉ là đào liễu một mình.
PHẦN 3: KIẾP TẰM ĐÃ TRÓT VƯƠNG TƠ
Bà vừa đi vừa nhẩm lại làn điệu “Luyện năm cung” mà bà mới biên soạn lại tối qua. Bà đã bớt đi gần chục chữ “i” để lớp trẻ dễ tiếp cận với chèo hơn. Kế thừa vốn cổ là đúng đắn nhưng việc loại bỏ những phần rườm rà để nó sống được trong thời đại mới là rất cần thiết. Hôm nay, bà sẽ lên lớp giảng cho học sinh một số điệu chèo cổ đã được bà cải biên lại. Từ ngày bà lên lớp, bà thấy mình như trẻ lại. Có thể do được tiếp xúc với tụi trẻ hay cũng có thể với vai trò giảng viên, bà thấy mình linh hoạt hơn rất nhiều. Chưa bao giờ bà cảm thấy mình dồi dào sinh lực như bây giờ. Bà mong muốn trong suốt quãng đời còn lại sẽ cống hiến hết mình cho nghệ thuật chèo. Bà muốn truyền dạy lại cho học trò tất cả những tinh hoa nghệ thuật chèo mà bà đang nắm giữ.
Từ năm 1954, hòa bình lập lại ở miền Bắc, văn hóa dân tộc được phục hồi. Nhà nước đón các cụ, các bác nghệ nhân chèo về Hà Nội làm lực lượng nòng cốt trong ban nghiên cứu chèo TW. Cha bà đã 71 tuổi, bà 43 tuổi là trẻ nhất trong số các nghệ nhân. Hàng ngày bà lên lớp giảng dạy hàng trăm làn điệu chèo cơ bản cho các thế hệ diễn viên nhà hát chèo TW và 18 đoàn chèo của các tỉnh. Buổi chiều bà lại đi thu đĩa, ghi âm các bài chèo gốc. Buổi tối bà ngồi biên soạn, chỉnh sửa các làn điệu chèo cổ. Sau mấy năm, bà đã ghi âm được hơn 100 bài chèo cổ trên 4500 mét phim tư liệu. Giờ đây bà đã có niềm vui mới trong lao động nghệ thuật. Học sinh của bà luôn yêu quý bà như mẹ. Họ đều gọi là cô xưng con.Thỉnh thoảng bà vẫn tham gia biểu diễn với nhà hát chèo. Tiếng phách nhịp đàn đã ăn vào máu thịt bà làm sao bà bỏ được.
Các con của bà giờ đã trưởng thành khôn lớn..Anh cả Đoàn Hiền là nghệ sĩ ở Nhà hát cải lương TW, anh thứ ba Văn Phúc vừa là nghệ sĩ biểu diễn vừa là đạo diễn của đoàn cải lương Nam Hà. Chỉ có hai cô con gái của bà là bà không cho theo nghiệp diễn. Đời bà đã quá khổ với cái danh mà người đời miệt thị là phận con hát, xướng ca vô loài, bà không muốn nó vận vào hai cô con gái nữa. Chị Hậu con gái lớn bây giờ đã đi làm còn cô Mai, là con gái út đang đi học ở trường Y. Ai cũng nói bà bây giờ sướng rồi, qua cơn bĩ cực đến ngày thái lai. Bà mỉm cười. Ừ thì bà có thể tạm hài lòng với cuộc sống hiện tại nhưng sao lòng bà vẫn cứ trĩu nặng. Với tấm lòng của người mẹ đơn thân, bà lo nỗi lo của hai đứa con trai, buồn nỗi buồn của hai cô con gái. Buổi tối, khi xếp lại đống bài vở vừa biên soạn xong, bà ra khoảnh sân nhỏ trong khu tập thể nhà hát chèo để tập thể dục. Bà sợ nhất cái cảm giác trống vắng khi quay về căn phòng nhỏ của bà. Mọi người đã đi ngủ hết, bà mang ảnh các con, các cháu ra ngắm. Bà treo ảnh các cháu khắp phòng để lúc nào rảnh là có thể nhìn thấy chúng ngay và như là chúng đang ở quanh bà. Thỉnh thoảng bà có đến thăm ông Hải. Bà cả đã mất, ông muốn bà về sống chung với ông nhưng bà không thể về đó được. Mặc dù các con ông rất quý trọng bà nhưng bà không muốn phiền đến họ. Hơn nữa bà muốn ở trong Khu văn công để tiện việc giảng dạy và biểu diễn. Vì vậy nên ông bà vẫn mỗi người một nơi. Thỉnh thoảng, sáng chủ nhật bà được nghỉ, ông lại đi xe buýt xuống thăm bà. Đến chiều bà tiễn ông ra cổng, chờ ông lên xe rồi bà mới quay về.
Từ khi anh Phúc lấy vợ, anh chị đẻ liền một lèo 3 thằng con trai là bà bắt đầu vất vả. Có những đợt cả hai vợ chồng anh đi biểu diễn ở tỉnh xa, bà lại phải thu xếp công việc để xuống trông cháu. Có những hôm bốn giờ chiều ngày thứ sáu, sau khi lên lớp về bà vội vàng ra bến xe để kịp về Nam Định. Bà đánh vật với mấy đứa hai ngày rồi lại vội vã ra ga đi chuyến tàu tối để kịp lên lớp vào sáng thứ hai. Cứ như vậy bà như con thoi đi về giữa Hà Nội - Nam Định suốt mấy năm ròng. Cho đến khi ba đứa cháu trai của bà tự lo cho mình được thì cả hai vợ chồng cô út lại đi làm luận án tiến sĩ ở Liên Xô. Bà lại tiếp tục trông hai cháu nhỏ. Trong suốt những năm Hà Nội bị đánh phá, bà vừa lo công tác ở trường lại lo dành dụm lương thực để đi về nơi sơ tán thăm nom các cháu.
Rồi cũng đến lúc tuổi già sức yếu, bà không thể lên lớp được nữa. Bà đã nhận sổ hưu nhưng bà vẫn tham gia biên soạn cho nhà hát chèo. Học sinh của bà vẫn đến với bà hàng ngày. Lớp học sinh đầu đã thành danh như Bích Thục, Diễm Lộc, Thanh Hoài rồi tiếp đến là Thanh Bình, Minh Thu vẫn đến nhờ bà chỉ bảo. Họ là niềm tự hào của bà, nhìn họ trên sân khấu của nhà hát bà ngỡ như thấy lại hình ảnh của Đào Lý thủa nào. Lứa học sinh cuối cùng mà bà dạy là Xuân Hinh, Thanh Ngoan giờ cũng đã trưởng thành trên sân khấu. Con bé Ngoan đúng là ngoan đáo để. Lần nào đi biểu diễn nước ngoài về cũng nhớ mua tặng bà thỏi son, lọ nước hoa. Nghệ sĩ là vậy mà, già thì già nhưng vẫn cứ thích làm đẹp.
Từ khi bà không dạy nữa, bà chuyển về ở với con cả. Căn nhà tập thể B1 Quỳnh Lôi của Nhà hát cải lương vẻn vẹn có 18 mét vuông dành cho 8 người ở. Ba thế hệ ở trong một mái nhà không tránh khỏi những điều phức tạp. Chỗ của bà là một chiếc phản con kê sát cửa ra vào. Mùa hè nhà như một cái lò còn mùa đông lại lạnh cứng người vì cửa trống hoác. Rồi cháu bà lấy vợ, nhà lại thêm một thành viên mới. Con trai bà với đồng lương nghệ sĩ còm cõi làm sao lo nổi đại gia đình đó chứ đừng nói sửa nhà. Nhìn thằng cháu đích tôn ra vào không yên lo cho lễ cưới, ánh mắt nó buồn rười rượi khi nhìn căn nhà tập thể xác xơ, bà thấy thương cháu vô cùng. Còn chút tiền bao năm bà dành dụm bà đưa cho nó để sửa sang lại căn nhà.
Bà tự an ủi mình, thôi cuộc đời nghệ sĩ nghèo là vậy, miễn là từ nay bà được sum họp bên con cháu. Bà già rồi, chỉ thích ăn chay niệm Phật, cũng chẳng mong ước gì nhiều. Ấy vậy mà cái mong ước nhỏ nhoi của bà cũng không thành hiện thực. Các con của bà đột ngột bỏ bà ra đi. Anh Văn Phúc tài hoa phong độ như vậy bỗng bị cảm và qua đời. Bà nhìn con dâu, nhìn cháu mà như đứt từng khúc ruột. Thế rồi đến người con dâu hiếu thảo của bà, vợ của anh Hiền cũng đột ngột ra đi sau ca phẫu thuật. Chị qua đời trước ngày giỗ bố chồng là ông Nghè Thảo có một ngày. Ngày giỗ chồng, bà thắp nén hương cho ông Nghè, bà than với ông sao ông không phù hộ cho tôi, sao đời tôi lại khổ thế này ông ơi....
Anh Đoàn Hiền đi diễn thêm kiếm tiền nuôi con. Năm đứa cháu của bà thiếu vắng bàn tay mẹ. Bà lại gánh trên vai trách nhiệm của một người mẹ. Bà thương chúng vô cùng và bà muốn làm một điều cuối cùng có thể làm được vì các cháu: Đó là xin một căn nhà mới.
Bà đã được Nhà Nước phong tặng nghệ sĩ nhân dân, bà nghe tin bộ văn hóa ưu tiên phân nhà cho các NSND nên nhất quyết lần này bà sẽ đi xin bằng được. Bà làm đơn lên nhà hát chèo, lên bộ văn hóa. Họ hứa với bà trong năm nay bà sẽ có nhà. Bà phấn khởi lắm, có lẽ tết này bà cháu sẽ có nhà mới. Một cái tết rồi hai cái tết trôi qua. Con trai bà, anh Hiền không chịu được cảnh đơn côi đã lấy vợ hai. Thêm một nàng dâu mới ở trên gác xép. Bà đứng ngồi không yên. Bà quyết định gặp thẳng anh bộ trưởng để hỏi cho ra nhẽ. Bà nhờ học trò xin số điện thoại của anh Trần Hoàn.
- Alô, làm ơn cho tôi hỏi có phải anh Trần Hoàn đấy không ạ?
- Dạ vâng, tôi đây, xin lỗi ai ở đầu dây đấy ạ.
- Tôi là Minh Lý, là NSND Minh Lý đây (Nói đến mấy chữ NSND mà bà ngượng quá, lần đầu tiên bà phải lôi cái danh hiệu này ra để làm mầu làm mè).
- Ôi quý hóa quá, bà là nghệ sĩ Minh Lý ạ, con là mê chèo lắm bà ạ. Nhưng sao hôm nay có việc gì mà bà lại gọi cho con ạ.
- À chả là nhà tôi chật trội quá, gần chục con người trong một căn hộ nhỏ, tôi muốn xin bộ cấp cho tôi căn nhà mới cho bà cháu tôi đỡ khổ. Tôi còn có chỗ hưởng nốt tuổi già.
- Ôi thế ạ, thật ái ngại quá nhưng thú thực là con không thể giúp bà được.
- Sao lại không giúp được, anh là bộ trưởng mà không giúp được thì ai giúp tôi bây giờ.
- Thôi chết, bà nhầm rồi, con là Trần Hoàn nhưng là đại tá quân đội chứ không phải Trần Hoàn bộ trưởng. Nhưng thôi, con sẽ cố gắng đi hỏi giúp bà.
Cúp máy rồi mà bà cứ buồn cười mãi, rõ khổ cái thân già lẩm cẩm, mà cái đứa nào xin số máy cho bà cũng đoảng quá làm bà ê cả mặt.
Thế rồi bà cũng được phân một căn hộ ba buồng rộng rãi ngay tầng 1 trong khu tập thể của Bộ văn hóa ở Kim Mã. Nhưng niềm vui chưa trọn vẹn thì một lần nữa bà lại phải gánh chịu nỗi đau đứt ruột của người mẹ mất con. Anh Đoàn Hiền đang khỏe mạnh bỗng bị đau tim và đột ngột qua đời. Anh đang đi học lớp cung văn để kiếm thêm tiền đỡ đần cho các con. Chưa kịp hát ngày nào thì anh ra đi. Con cháu không cho bà đi đưa tang vì dạo này bà bị huyết áp cao. Tại sao lại không cho bà đi, con bà chết bà còn sống mà làm gì. Cánh cửa khóa chặt, bà ra cửa áp tai vào để nghe.Tiếng anh Lê Chức đang đọc điếu văn. Nhà hát tổ chức lễ truy điệu ngay tại hội trường của Nhà hát. Lòng bà đau hơn xát muối. Bà thọ mà làm gì để phải chứng kiến cảnh tượng đau lòng này. Bà muốn ngủ một giấc dài, ngủ mãi không dạy nữa để không phải đau nỗi đau mất con.
Lá vàng còn ở trên cây, lá xanh rụng xuống trời ơi là trời.
Câu hát này bà đã hát, không biết ở vở nào nhỉ hay là bà hát cho bà ở bể đời trầm luân này.....
PHẦN CUỐI: ĐÀO LÝ MỘT MÌNH
Bộ văn hóa và Nhà hát chèo đã lên kế hoạch làm thượng thọ cho bà nhân dịp bà tròn 85 tuổi nhưng hai cô con gái lại không muốn tổ chức. Chị Hậu thì bảo: “Nhiều cụ đang khỏe mạnh, con cháu làm thượng thọ xong lại đi luôn đấy. Để con tổ chức bữa tiệc nhỏ trong nhà cho các cháu mừng thọ cụ là được”.
Không phải bà ham tiệc tùng hay thích phô danh mà bà muốn có một ngày để gặp lại các thế hệ học trò của bà mà bà đã từng yêu thương như con mình vậy. Cả nhà đành chiều theo ý bà.
Trụ sở Nhà hát chèo mới khánh thành được mấy hôm. Hôm nay, tổ chức Lễ mừng thọ cho bà là sự kiện đầu tiên được tổ chức ở đây. Học trò dắt bà đi tham quan nhà hát. Đẹp quá, thật là khang trang. Bà mừng cho các học trò, mừng cho Nhà hát đã có một nơi đàng hoàng để công diễn không phải đi lo rạp như trước đây. Buổi lễ bắt đầu, sau lời khai mạc bà lên phát biểu. Bà được học trò dắt lên sân khấu. Sau bao nhiêu năm rời xa, hôm nay, bà lại đứng giữa sân khấu rực rỡ ánh đèn của Nhà hát. Phía dưới khán giả là những gương mặt thân yêu, các con cháu của bà, rồi con nuôi là anh Vinh, anh Trần Bảng, Đức Nghiêu, các anh đối với bà không khác gì con đẻ. Còn có hạnh phúc nào bằng, bà xúc động không nói lên lời. Bà chỉ biết nói rằng, bà cảm ơn tất cả mọi người, giây phút này bà thấy mãn nguyện với cuộc đời nghệ sĩ của bà, mọi nỗi khổ đau giờ như tan biến.
Bà và cậu cháu đích tôn đã chuyển đến căn nhà bà được phân gần một năm. Từ ngày chuyển đến đây, bà cũng thấy vui. Bà được gần các anh các chị ở Nhà hát chèo. Thế nhưng bà thấy mình yếu đi từng ngày. Bà nghĩ có lẽ đã sắp đến ngày xa con xa cháu rồi.
Bà thấy nhớ con gái quá. Cô Mai ở tận Thành phố Hồ Chí Minh. Hàng tháng gửi tiền cho bà tiêu nhưng chẳng mấy khi ra thăm bà được. Hai vợ chồng cô mới mở bệnh viện riêng nên bận lắm. Mấy hôm nay bà thấy mình rất khác, tâm trạng luôn bất ổn. Bà như ngồi trên đống lửa. Bà chỉ lo bà nhắm mắt xuôi tay không được gặp con gái. Rồi bà nghĩ đến các cháu gái của bà. Cô cháu gái duy nhất theo nghiệp của bà là con gái anh Hiền cũng long đong lận đận. Rồi đây cuộc đời của nó có khổ như bà không. Lần đầu tiên nó biết yêu thì đã bị gia đình người yêu ngăn cấm. Bố của người yêu nó là đại tá công an, ông nhất quyết không để cho con trai lấy cái loại xướng ca vô loài. Cháu bà tuyệt vọng đã uống thuốc tự vẫn. Bà hiểu cháu bà, bà không trách mà thương nó vô cùng. Nó là cái bóng của bà. Cũng tài sắc, cũng đa đoan bạc phận.
Bà nhớ mấy thằng cháu trai con của anh Phúc, bà thương chúng quá. Mất cha từ nhỏ, thiếu thốn đủ đường, giờ phải vào nhờ vợ chồng cô Mai giúp đỡ. Không biết rồi chúng có nên người.
Bà nhớ cô cháu gái út ít con cô Hậu, nó là đứa gần gũi nhất với bà. Nó chỉ thích nghe bà kể chuyện về cuộc đời của bà. Có hôm bà kể xong cả hai bà cháu cùng ôm nhau khóc. Hai lần bà bị tai biến nằm một chỗ, nó chăm sóc bà chu đáo hơn cả mẹ của nó. Giờ này bà chỉ muốn được ôm lấy nó chuyện trò thủ thỉ. Nhưng nó mới đi làm nên chẳng có thời gian rảnh đến với bà như trước nữa.
Hôm nay bà thấy mình thở thật khó nhọc, ngực bà như có một tảng đá đè lên. Bà vào giường nằm nghỉ. Vừa nằm xuống bà lại thấy lo lắng không yên. Bà bảo chị giúp việc lấy điện thoại và bấm số của cô Hậu cho bà. Bà run rẩy cầm máy, máy đã có tín hiệu nhưng bà lả đi trong tay chị giúp việc..........
Tiếng chuông điện thoại reo, mẹ tôi chạy vội ra nghe.
- Alô ai đấy ạ.
- Chị Hậu à, bà đòi gọi điện cho chị nhưng bà vừa ngất đi rồi, chị xuống đây ngay đi hình như bà lại bị đau tim rồi.
Mẹ tôi gọi điện cho tôi rồi vội vã xuống chỗ bà. Đến nơi thì anh tôi đã đưa bà lên taxi để đưa bà đi cấp cứu. Mẹ tôi lay gọi bà nhưng bà không trả lời được nữa chỉ có bàn tay nắm chặt lấy tay mẹ tôi. Được nửa đường, bàn tay bà bỗng từ từ lỏng dần rồi tuột khỏi tay con gái.....
Tiếng chuông vàng Minh Lý đã lặng ngân!
Đó là lời đầu tiên trong điếu văn tưởng niệm NSND Nguyễn Thị Minh Lý.
Ngày 8.6.1997, dọc đường Trần Hưng Đạo là một dãy xe dài của 18 đoàn chèo và các đoàn nghệ thuật ở Thủ đô.
Trong sân của trụ sở Hội văn học nghệ thuật chật kín những vòng hoa.
Giữa hội trường, bà tôi nằm đó trong chiếc quan tài bọc nhung bịt vàng. Bà tôi ưa hình thức mà nên áo quan của bà phải thật đẹp. Bà cũng rất thích hoa hồng nên xung quanh bà đều là những bình hồng nhung đỏ thắm.
Giám đốc Nhà hát chèo, trưởng ban tang lễ lên đọc điếu văn. Ông đọc mãi mới xong bài điếu văn vì cứ được một dòng ông lại nghẹn lời không đọc được. Ba cô học trò của bà lên hát bài tiễn biệt bà.
Khi cô Minh Thu vừa cất lên tiếng hát: Đào Lý có một mình........ Cả hội trường đã vỡ òa trong tiếng khóc. Không chỉ con cháu bà mà các chú lãnh đạo của Bộ văn hóa, của Nhà hát chèo cũng òa lên nức nở. Cô Minh Thu không thể hát được nữa, các cô ở Nhà hát chèo phải vào hát thay.
Linh cữu của bà được đưa về cánh đồng ngay sau trường sân khấu điện ảnh để an táng. Nguyện vọng của bà là khi bà chết thì chôn bà ở ngay sau nhà hát chèo để hàng ngày bà được nghe tiếng trống tiếng phách. Bà còn dặn các con nhớ chôn bà luôn nhé, đừng có bốc lên bốc xuống cho mất vệ sinh lại vất vả cho các con. Theo ý nguyện của bà nên Nhà hát chèo đã đi mua đất ở khu Đồng Xa để đưa bà về đấy. Thế nhưng số bà vẫn luôn lận đận. Từ khi xây dựng siêu thị Metro khu đất nghĩa trang bà yên nghỉ bị giải tỏa. Họ bồi thường cho đất ở khu bên cạnh. Thế là con cháu buộc phải bốc mộ cải táng cho bà và chuyển bà sang ngôi nhà mới. Được ba năm họ lại có dự án khu đô thị mới và toàn bộ khu nghĩa trang lại phải di dời. Lần này gia đình quyết định đưa bà về với ông Hải ở nghĩa trang làng Vẽ.
Thế là sau bao năm ông bà cách biệt, giờ đã được ở gần nhau.
Vào những ngày giáp tết, tôi lại mua những bông hồng nhung cắm trên mộ bà. Lau lại tấm ảnh của bà trên bia mộ mà lòng tôi lại rưng rưng câu hát “Đào lý một mình”.
Tôi rất ân hận vì đã không kịp học những làn điệu chèo mà bà dày công biên soạn. Giờ mới thấy hết cái hay, cái đẹp của những làn điệu chèo cổ thì bà đã đi xa.
Bài viết này như một nén tâm nhang tôi tưởng nhớ đến bà, mong rằng nó sẽ được mọi người đón đọc để hình ảnh của bà, một Đào Lý tài sắc một thời sẽ còn sống mãi trong lòng những người yêu nghệ thuật chèo truyền thống.