Vài nét về nghệ thuật ca trù

Ca trù đã được khẳng định là một loại hình nghệ thuật bác học, mang tính hàn lâm. Bởi vậy mà môn nghệ thuật này khá kén người thưởng thức......

Ca trù đã được khẳng định là một loại hình nghệ thuật bác học, mang tính hàn lâm. Bởi vậy mà môn nghệ thuật này khá kén người thưởng thức...! Sau khi lang thang với những kiến thức lõm bõm về Ca trù, mình tóm lược sơ sơ để ai cũng lõm bõm như mình cùng có thêm một sự hiểu biết khái quát nhất về Ca trù... (Bác nào muốn nghiên cứu sâu hơn thì tự thân vận động ạ!) 


1. Nguồn gốc Ca trù
Ca trù Việt Nam trải qua một quá trình phát triển ít nhất từ thế kỷ XVI đến nay, được biểu diễn trong không gian văn hóa đa dạng. Được chuyển giao từ thế hệ này sang thế hệ khác thông qua các tổ chức giáo phường, tạo nên nét đặc trưng cho Ca trù. 
Ca trù có rất nhiều tên gọi. Tuỳ từng địa phương, từng thời điểm mà hát Ca trù có những tên gọi khác nhau: hát ả đào, hát cô đầu hay hát nhà tơ, hát ca công, hát cửa quyền, hát nhà trò…
Tích xưa kể: Vào thời vua Lý Thái Tổ (1010 – 1028) đã từng có một ca nhi hát hay múa giỏi tên là Đào Thị biểu diễn xuất sắc dòng nhạc này và được vua khen ngợi. Người thời đó mộ danh tiếng của Đào Thị nên cứ phàm là con hát thì đều gọi là Ả đào vì vậy nên từ những ngày đầu Ca trù được biết đến với cái tên hát ả đào.
Tuy vậy, Ca trù lại có cội nguồn từ lối hát cửa đình – một lối hát tín ngưỡng thờ thành hoàng làng.
Lối hát cửa đình từ những ngày đầu được các trưởng tộc, trưởng làng dùng vào việc cầu trời đất, thánh thần. Lấy âm nhạc làm tín hiệu truyền lời thỉnh cầu của dân làng đến các đấng thần linh. Về sau, các bậc vua chúa cũng lấy dòng nhạc này để hát cúng trời đất và tổ tiên nơi thái miếu.
Theo dân gian truyền miệng: Vào đời nhà Lê, Đinh Lễ – tự là Nguyên Sinh, người làng Cổ Đạm, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, con nhà gia thế, tính tình phóng khoáng, không thích công danh bó buộc thường ôm cây đàn nguyệt đến bên bờ suối gẩy rồi hát để hòa với tiếng suổi chảy trong khe. Một hôm Nguyên Sinh đem đàn và rượu vào rừng thông để tiêu khiển bỗng nhiên gặp được hai cụ già. Đó chính là Lý Thiết Quài và Lã Động Tân (hai vị trong bát tiên), hai vị tiên ông đưa cho Nguyên Sinh khúc gỗ ngô đồng và tờ giấy vẽ kiểu mẫu đàn rồi dặn đóng đàn theo kiểu mẫu như trong giấy. Tiếng đàn đó sẽ giải trừ được ma quỷ và mọi phiền muộn. .. Nhờ tiếng đàn kỳ diệu, Nguyên Sinh đã chữa được bệnh cho rất nhiều người. Một lần Nguyên Sinh đến Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa, với tiếng đàn của mình Nguyên Sinh đã chữa khỏi bệnh cho cô gái tên Hoa, con gái của vị quan châu – Bạch Đình Sa khỏi bệnh câm. Quan châu đã tác thành cho Nguyên Sinh và Bạch Hoa nên duyên chồng vợ, sống với nhau rất hòa hợp. Nguyên Sinh đặt ra lối múa hát mới rồi lấy hai thanh tre vót thật đẹp để cho vợ gõ lên những mảnh gỗ theo nhịp mà hát. Sau đó hai vợ chồng từ biệt ông bà nhạc dẫn nhau về quê Nguyên Sinh là làng Cổ Đạm để lập nghiệp.
Ít lâu sau, Nguyên Sinh gặp lại hai vị tiên ông, được ghi tên vào tiên phả và cùng nhau hoá đi. Vợ Nguyên Sinh biết chuyện, bèn phát tán hết tài sản rồi đóng cửa dạy cho đám con em trong làng hát múa. Sau khi nàng lâm bệnh mà chết, dân làng Cổ Đạm và đệ tử nhớ ơn lập đền thờ gọi là đền Tổ cô đầu hay là đền Bạch Hoa công chúa. Triều đình phong tặng Đinh Lễ (Nguyên Sinh) là Thanh Xà Đại Vương, Bạch Hoa là Mãn Đào Hoa Công chúa.
Ca trù tuy có nguồn cội từ lối hát dân gian nhưng khi vào đến chốn cung đình đã được sự nghiên cứu chỉnh sửa của các chuyên gia về âm luật trong chốn cung đình nên đã trở thành một bộ môn nghệ thuật sâu sắc, có tính thẩm mỹ cao. Thường được dùng trong các dịp yến tiệc, khánh tiết và tiếp đãi sứ thần.
Trên các tài liệu Hán Nôm chữ “trù” trong “ca trù” đều dùng chữ “trù”. Theo đó Trù là thẻ làm bằng tre, trên thẻ có ghi số tiền (hoặc quy định ngầm với nhau là mỗi thẻ tương ứng với một khoản tiền), dùng để thưởng cho đào và kép ngay trong khi biểu diễn thay cho việc thưởng bằng tiền mặt; cuối chầu hát sẽ căn cứ vào số thẻ mà tính tiền trả cho đào và kép hoặc giáo phường. Người quyết định việc thưởng này chính là vị quan viên (khách nghe hát), sử dụng trống chầu (gọi là cầm chầu). Đó là nguồn gốc của tên gọi ca trù; Tuy nhiên ca trù, với ý nghĩa là một lối hát có dùng thẻ để thưởng như đã nói ở trên thì chỉ có ở hát ca trù ở đình đền, tức là hát thờ.
2. Một số khái niệm cơ bản
   * Ả đào (nữ giới)
Ả đào – là nhân vật gần như quan trọng nhất của tiệc ca trù. Là là nữ giới, người vừa hát vừa gõ phách. Về nửa cuối thế kỷ XIX đầu XX, ả đào còn được gọi là cô đầu.
* Kép (nam giới)
Kép là thành viên quan trọng của tổ chức hát ca trù. Vai trò của kép là gẩy đàn. Kép còn được gọi bằng  tên khác là “quản giáp”. Là người gảy đàn cho ả đào hát
* Cầm chầu
Người đánh trống cho ả đào hát gọi là cầm chầu. Dùi trống (còn gọi là roi chầu) làm bằng gỗ quý. Cầm chầu cũng có khổ, có tiếng trống khoan, trống mau như đàn, phách. Người cầm chầu phải là người am hiểu về ca trù bởi ngoài nhiệm vụ đánh trống cho đào hát còn có nhiệm vụ là chấm thưởng mỗi khi đào nương hát hay, hay đến câu văn hay. Ngoài ra người cầm chầu còn chấm cả đàn hay, phách hay. Chính từ vai trò này mới sinh ra các khái niệm như “thưởng hơi, thưởng ý, thưởng đàn, thưởng phách”. Cầm chầu đánh “cắc” là chấm thưởng. Điểm thưởng thể hện tính cách, khả năng âm nhạc, văn học của người cầm chầu. Cầm chầu giỏi là phải tinh, không thưởng sai, thưởng liều.
*Ca trù
Theo 2 nhà nghiên cứu Đỗ Bằng Đoàn và Đỗ trọng Huề thì ca trù có 46 điệu chính: Thét nhạc, non mai, hồng hạnh, hát nói… Ca trù còn có các cách gọi khác như: hát ả đào, hát nhà trò, hát cô đầu, hát nhà tơ… Nhưng tên gọi ca trù là phổ biến nhất. Giải thích tên gọi ca trù theo nghĩa chữ thì hát ca trù là hát thẻ. Thẻ gọi là “trù”. Thẻ làm bằng tre và dùng để thưởng cho đào hát thay cho trả bằng tiền mặt trực tiếp. Khi ả đào hát, các quan iên thị lễ – một bên đánh trống, bên kia đánh chiêng. Trống đánh chát và chiêng đánh lên khi đào hát hay và đào được thưởng một thẻ trù, xong tiệc hát thì đào – kép ứng theo số thẻ đã được thưởng mà nhận tiền theo quy định. Khái niệm ca trù sớm nhất hiện được biết đến là ở thế kỷ XVI trong bài “Đại nghĩ bát giáp thưởng đào giải răn” của Lê Đức Mao.
* Đủ khổ, dôi khổ, thiếu khổ
Một bài hát ca trù (hát nói) gồm ba khổ: khổ đầu, khổ giữa và khổ xếp. Khổ đầu và khổ giữa có 4 câu ở mỗi khổi, khổ xếp có 3 câu. Một bài hát nói đầy đủ có 11 câu – gọi là bài hát đủ khổ. Bài nào có trên 11 câu gọi là dôi khổ, chưa đủ 11 câu gọi là thiếu khổ. Hai khổ đầu và khổ xếp luôn giữ nguyên dôi hay thiếu khổ chỉ xảy ra ở khổ giữa. Ngoài ra còn có “hát nói gối hạc” – trong bài hát có một vài cầu thơ kéo dài ra, số chữ trong câu thơ có thể lên đến 12, 18 thậm chí 24 chữ.
3. Không gian văn hóa 
Trong nền âm nhạc dân tộc cổ truyền Việt Nam, nếu nhìn theo không gian văn hóa, Ca trù là một trong số ít những loại hình nghệ thuật xuất hiện cả trong cung đình lẫn ngoài dân gian. Trong đó, nghệ thuật Ca trù ở cung đình có tên riêng là Hát cửa quyền. Còn ngoài dân gian thì tùy theo chức năng xã hội hay địa điểm trình diễn của các dạng thức sinh hoạt… mà loại hình nghệ thuật này sẽ có khá nhiều tên gọi khác nhau. Theo Vũ trung tùy bút, Hát cửa quyền tiếng “uyển chuyển, dịu dàng, thanh nhã hơn giọng hát ở ngoài chốn giáo phường. Nhưng âm luật cũng không khác mấy”. Nhạc cụ thì cũng có sự khác nhau:
a. Ca trù cung đình (Hát cửa quyền)
+ Trúc sinh (tục gọi đàn khô) để cầm nhịp.
+ Đàn cầm – căng dây thép dài giống như đàn sắt.
+ Đàn chín dây (tục gọi đàn cửu huyền).
+ Đàn bảy dây (tục gọi đàn thất huyền).
+ Đàn tranh 15 dây hòa với các thứ tiếng nhạc khác gọi là bát âm.
b. Ca trù dân gian
+Trường cùng (cái phách dài) – làm bằng tre già, hình dẹp giống chiếc đòn gánh, dài độ ba bốn thước ta (70 – 90cm); Trường cùng do một ả đào già gõ để giữ nhịp cho cả dàn nhạc.
+ Trúc địch (tục gọi sáo ngang).
+ Yêu cổ (tục gọi trống cơm).
+ Địch quản (tục gọi quyển thủy – tiêu).
+ Đới cầm (tục gọi đàn đáy – 16 phím) – kép buộc dây điều đeo đàn gảy.
+ Phách (tục gọi sinh) – ả đào đánh.
+ Phách quán tiền (tục gọi sinh tiền) ả đào đánh.
+Đan diện cổ (cái trống mảnh một mặt) – thường được ả đào dùng như một âm sắc tín hiệu khai màn cuộc hát và đệm cho múa.
Nguồn Fb: Chinh Tran

Bài Liên Quan

Tin Mới 2771259636279835587

Đăng nhận xét

emo-but-icon

Chuyển ngôn ngữ

Subscriber Youtube

Tin Fanpage

Bài đăng và Bình luận

Nóng

Bài Mới

Bình Luận

Visitors

Flag Counter
item