Chân dung nghệ sĩ ưu tú Thúy Ngần

THÚY NGẦN Sinh năm 1964, Ninh Bình. Nhà hát chèo Việt Nam. Công chúng yêu chèo vẫn hay nhắc tới bộ ba cô đào tài sắc một thời của nhà...

THÚY NGẦN
Sinh năm 1964, Ninh Bình.
Nhà hát chèo Việt Nam.
Công chúng yêu chèo vẫn hay nhắc tới bộ ba cô đào tài sắc một thời của nhà hát chèo Việt Nam. Đó là Thúy Ngần, Thanh Ngoan và Vân Quyền. Cùng được nhà hát lựa chọn trong đợt tuyển sinh trực tiếp tại các miền quê cho khóa học 1979 - 1983, cùng tỏa sáng tại Cuộc thi Tài năng trẻ sân khấu toàn quốc năm 1991 và cùng trở thành những diễn viên chính của nhà hát trong suốt hai mươi năm (khoảng từ 1985 - 2005) nhưng mỗi người mỗi vẻ, họ đã góp phần tô điểm cho bức tranh sân khấu chèo thêm xuân sắc. Nếu Thanh Ngoan độc đáo với những vai Nữ lệch đanh đá, chua ngoa, Vân Quyền sắc sảo với những vai cá tính thì Thúy Ngần để lại dấu ấn bằng những vai Nữ chín nết na, thùy mị.
Sinh năm 1964 tại thôn Yên Thượng, xã Khánh Thịnh, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình, Thúy Ngần là con gái của một nghệ nhân chèo. Đợt tuyển sinh năm ấy, Thúy Ngần, chưa từng hát Chèo nhưng với giọng hát ngọt ngào vẫn lọt qua vòng tuyển chọn với bài hát dự thi "... những đầm sen, những dòng sông lấp lánh trăng soi ... ". Trở thành học viên của nhà hát, Thúy Ngần được dìu dắt bởi các bậc thầy lão luyện như bà Minh lý, Dịu Hương, Bùi Trọng Đang, Diễm Lộc, Thanh Tuyết. Với gương mặt hiền hậu, giọng hát ngọt, Thúy Ngần trở thành đào chính của đoàn 1 nhà hát chèo Việt Nam. Chị được giao nhiều vai chính như Tấm (Tấm Cám), Cô gái trong rừng (Hoàng tử có đôi tai bò) 1983, Lụa (Từ Thức) 1990, Cô Bến (Vua Chổm) 1994, Quỳnh (Nỗi đau tình mẹ) 1991, Vợ thầy Khóa (Trạng Lợn) 1998, Nàng Cóc (Trê Cóc tranh con) 1999, Hoàng hậu (Gươm báu truyền ngôi) - vai diễn cuối cùng trước khi Thúy Ngần chuyển sang làm công tác giảng dạy tại trường SKĐA.
Vai Nữ chín gắn bó với tên tuổi Thúy Ngần nhất là Thị Kính. Năm 1985, đạo diễn Trần Bảng đã dựng lại vở này (lần thứ ba). Việc tái tạo không gian cửa đình và giữ được nhịp độ chậm rãi đã trả lại cho vở diễn vẻ đẹp thuần chất, mộc mạc của chèo cổ. Năm 1999, vở diễn được ghi hình và phát hành VCD với Thúy Ngần đảm nhiệm vai Thị Kính. Một bản diễn QATK có chất lượng nghệ thuật rất cao với những lớp Giáo đầu, Vu quy, Cắt râu có thể xem là mẫu mực. Thúy Ngần đã thể hiện thành công những nét đặc trưng của một vai nữ chín. Từ lối ra vai khoan thai, dịu dàng, những bước chân mềm mại, những động tác múa quạt thanh thoát mang đậm tính nhạc đến cái nhìn thẹn thùng, e ấp, lời lẽ đoan trang ...
Gắn bó với các vai Nữ chín nhưng vai diễn thành công nhất của Thúy Ngần lại là một vai nữ pha - Xúy Vân. Như đã nói, Xúy Vân là vai rất khó. Riêng lớp Giả dại kéo dài gần 20 phút với múa, hát cùng với việc phải diễn tả sự thay đổi đột ngột giữa những trạng thái tâm lí phức tạp, nhiều khi đối lập nhau với đủ mọi cung bậc cảm xúc : từ nhớ nhung mòn mỏi, hy vọng chờ mong, hân hoan hạnh phúc đến e dè, hồ nghi sang cay đắng bẽ bàng, đau khổ, tuyệt vọng rồi giận dữ, phẫn nộ ... chừng ấy những trạng thái cảm xúc cùng những đận múa, hát liên tục khiến cho lớp diễn "giả dại" có thể vắt kiệt sức diễn viên. Nhưng cái khó nhất là cảm xúc để người nghệ sỹ thổi hồn được vào từng khuôn diễn để cho lớp diễn không chỉ là màn phô bày kỹ thuật. Thế nên nếu người nghệ sỹ không thực sự "rút ruột nhả tơ" thì không thể tròn vai. Thúy Ngần không chỉ tròn vai mà còn thăng hoa.
Diễm Lộc đã kế tục Dịu Hương để trở thành một Xúy Vân xuất sắc trên sân khấu suốt từ năm 1962 đến giữa thập kỉ 1980 khi bà nghỉ hưu. Vai trò của Diễm Lộc không ai thay thế được trong suốt hai thế hệ diễn viên kế tiếp. Sự mãnh liệt trong hình tượng Xúy Vân của Diễm Lộc là một đỉnh cao đầy thách thức và đã làm sắc nét thêm hình tượng "tia chớp vụt sáng trong đêm" mà đạo diễn Trần Bảng xây dựng để nhấn mạnh tính đấu tranh đòi quyền bình đẳng giới của người phụ nữ dưới chế độ phong kiến. Xúy Vân của Thúy Ngần mềm mại hơn, trở về gần hơn với hình ảnh người vợ đảm đang bị chồng ruồng rẫy. Xúy Vân của Diễm Lộc đầy tinh thần đấu tranh và rất quyết liệt, còn Xúy Vân của Thúy Ngần là nạn nhân bị dập vùi. Xúy Vân của Diễm Lộc nổi loạn, phá bỏ mọi rào cản cũ để đi tìm một chân trời hạnh phúc mới, còn Xúy Vân của Thúy Ngần lại vô vọng gạn chắt lấy hạnh phúc trong những vụn vỡ thế thái nhân tình. Trong diễn xuất của vai Xúy Vân thì ánh mắt rất quan trọng. Nếu người nghệ sĩ có khả năng biểu cảm bằng ánh mắt tốt thì vai diễn này sẽ càng thêm thuyết phục. Diễm Lộc gây ấn tượng mạnh với ánh mắt dữ dội, hoang dại, còn Xúy Vân của Thúy Ngần lại ám ảnh với ánh mắt tuyệt vọng, thẫn thờ. Trong những giây phút lắng lại giữa những cơn điên loạn, thậm chí ngay cả trong những phút giây điên loạn vì đau khổ tột cùng, thì sâu thẳm trong ánh mắt đã dại đi của Xúy Vân - Thúy Ngần vẫn đau đáu khát vọng yêu thương, vẫn phảng phất hình bóng một người phụ nữ đằm thắm, chịu thương chịu khó. Chính vì Xúy Vân của Thúy Ngần yếu đuối hơn một chút nên cũng đáng thương hơn một chút, dễ làm động lòng khán giả và khiến cho họ dễ lượng thứ cho quyết định sang ngang của nàng.
Vũ đạo là một trong những điểm nổi trội ở Xúy Vân của Thúy Ngần. Vai Xúy Vân đã được cụ Dịu Hương chuốt nên những động tác múa rất đẹp. Trên nền tảng ấy, Thúy Ngần đã có phần thể hiện vũ đạo thật xuất sắc. Đặc biệt đẹp là những khuôn múa hoa tay. Những ngón tay thon, dài và vô cùng mềm mại với những động tác guộn ngón, duỗi đuổi ngón điêu luyện đã tạo nên những khuôn hình tuyệt đẹp. Đúng là một Xúy Vân "hát hay, múa lạ", một người con gái đảm đang, duyên dáng với khát khao bình dị "để anh đi gặt, để nàng mang cơm". Trong cảnh cuối, sau khi được anh hề đọc hộ bức thư bộc lộ bộ mặt tráo trở của Trần Phương, Xúy Vân - Thúy Ngần xòe hai bàn tay với những ngón tay thon đã từng rất ư mềm mại trong những khuôn múa chăn tằm, rắc dâu thì con gái, giờ đây co cứng lại trong cơn đớn đau của người đàn bà bị phụ tình. Hai bàn tay giơ lên trước khuôn mặt thất thần như hoàn toàn mất phương hướng, trước khi rơi vào cơn điên thật. Khoảnh khắc ấy, những ngón tay của Thúy Ngần có sức biểu cảm hơn cả lời nói. Nét diễn đầy tính biểu hiện này đã xuất hiện từ thời Diễm Lộc và là một chi tiết rất đắt của Xúy Vân. Một nét đẹp rất riêng nữa của Xúy Vân - Thúy Ngần là mái tóc. Suối tóc dài chấm gối, mượt mà và đẹp tới mức có nhiều khán giả đã gọi điện hỏi Thúy Ngần xem đó là tóc thật hay tóc giả. Mái tóc ấy đã hỗ trợ Thúy Ngần rất đắc lực trong việc thể hiện những cơn điên loạn qua những động tác giũ tóc, vò tóc, hất ngược tóc ra đằng sau ...
Năm 1984, tròn hai mươi tuổi, Xúy Vân của Thúy Ngần đã vinh dự được sánh vai cùng các diễn viên đàn anh đàn chị, những gương mặt xuất sắc của sân khấu Tuồng, Chèo, Cải lương trong Nam ngoài Bắc sang trình diễn tại năm nước Tây Âu trong chuyến "ngoại giao văn hóa" căng thẳng đã đi vào lịch sử. Năm 1991, Xúy Vân đã đem về cho Thúy Ngần chiếc HCV tại Cuộc thi Tài năng trẻ nghành sân khấu cả nước. May mắn là năm 2001, Hồ Gươm Audio Video đã cùng nhà hát chèo Việt Nam phát hành bộ VCD vở diễn này với Thúy Ngần trong vai Xúy Vân. Đó có thể xem là bản diễn thành công nhất của Thúy Ngần. Không nhiều diễn viên dám diễn Xúy Vân, càng hiếm nghệ sĩ sống được với Xúy Vân trên sàn diễn và trong lòng khán giả. Thúy Ngần xứng đáng là người kế tục Diễm Lộc với hình tượng nhân vật đặc sắc này của sân khấu chèo.
Ngoài Xúy Vân, Thị Kính, Thúy Ngần còn đoạt HCV cho vai Lụa trong vở Từ Thức tại Hội diễn sân khấu toàn quốc năm 1990, giải A tại Cuộc thi giọng hát Tuồng - Chèo hay toàn quốc năm 1992 ... Sau 20 năm đứng trên sàn diễn, Thúy Ngần rời nhà hát để trở thành giảng viên trường Sân khấu Điện ảnh. Trò chuyện với Thúy Ngần có thể cảm nhận sự an nhiên hạnh phúc của chị trên cương vị người thầy truyền thụ kinh nghiệm biểu diễn quý báu của mình cho các thế hệ diễn viên trẻ với hy vọng sân khấu chèo sẽ lại tìm ra một hình tượng Xúy Vân mới, mãnh liệt và đắm say.
Ngày 28.04.2016
QUANG THẮNG

Bài Liên Quan

Tin Mới 1587959566554343672

Đăng nhận xét

emo-but-icon

Chuyển ngôn ngữ

Subscriber Youtube

Tin Fanpage

Bài đăng và Bình luận

Nóng

Bài Mới

Bình Luận

Visitors

Flag Counter
item