Kỷ lục xứ Thanh: Sở NN&PTNT từng có 11 Phó giám đốc
05/08/2016 22:12 GMT+7 Từ 2008-2013, sau khi được thành lập trên cơ sở sáp nhập 4 sở và 2 cơ quan ngang sở, Sở NN&PTNT có tới 11 Phó...
https://www.maivanlang.com/2016/08/ky-luc-xu-thanh-so-nn-tung-co-11-pho.html
05/08/2016 22:12 GMT+7
Từ 2008-2013, sau khi được thành lập trên cơ sở sáp nhập 4 sở và 2 cơ quan ngang sở, Sở NN&PTNT có tới 11 Phó giám đốc.
Hôm nay, UBND tỉnh Thanh Hóa báo cáo Thủ tướng về việc Sở NN&PTNT có 8 Phó giám đốc.
Theo báo cáo, năm 1996, Sở NN&PTNT Thanh Hóa được thành lập trên cơ sở hợp nhất và tổ chức lại các sở: Nông nghiệp, Thủy lợi, Lâm nghiệp. Khi đó, Sở có 9 Phó giám đốc.
Năm 2008, theo quy định của Trung ương, tỉnh đã hợp nhất Sở Thủy sản với Sở NN&PTNT; chuyển Chi cục Kiểm lâm từ trực thuộc UBND tỉnh về trực thuộc Sở Nông nghiệp; tiếp nhận Chi cục Di dân và Phát triển kinh tế mới thuộc UBND tỉnh để thành lập Chi cục phát triển nông thôn thuộc Sở Nông nghiệp.
Như vậy, từ năm 1996 đến 2008, Sở NN&PTNT được thành lập trên cơ sở sáp nhập 4 sở và 2 cơ quan ngang sở. Từ 2008 đến 2013, Sở có 11 Phó giám đốc.
Sở NN&PTNT Thanh Hóa
Từ năm 2013 đến nay, căn cứ các quy định của Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tiến hành sắp xếp, bố trí cán bộ và hiện nay chỉ còn 8 Phó giám đốc.
Riêng ông Phạm Đức Luận, do Bộ NN&PTNT gửi về thời hạn 2 năm, đến ngày 1/6/2017 ông Luận sẽ trở về công tác tại Bộ NN&PTNT.
Ông Lê Thế Long, Phó giám đốc Sở kiêm Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm, trên thực tế không điều hành công việc với chức trách Phó giám đốc Sở.
Như vậy, thực tế đến nay Sở có 6 phó giám đốc giúp Giám đốc điều hành các lĩnh vực công tác thuộc chức năng, nhiệm vụ gồm: lĩnh vực lâm nghiệp, bảo vệ rừng; trồng trọt, bảo vệ thực vật; chăn nuôi, thú y; phát triển nông thôn, xây dựng nông thôn mới; thủy lợi, xây dựng cơ bản, nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn; nuôi trồng, khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Theo ông Nguyễn Đình Xứng, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, ngành nông nghiệp & phát triển nông thôn Thanh Hóa có 6 lĩnh vực (trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản, thủy lợi, phát triển nông thôn), đây đều là lĩnh vực có quy mô lớn so với các tỉnh trong cả nước.
Thanh Hóa có sản lượng lương thực lớn nhất trong các tỉnh miền Bắc; đàn gia súc, gia cầm có số lượng lớn nhất cả nước; diện tích rừng lên đến 600.000ha; thủy sản có nghề nuôi trồng phát triên, với hơn 7.000 tàu cá; thủy lợi hơn 1.000km đê, là tỉnh có số km đê lớn nhất cả nước; hơn 1.000 hồ đập với các hệ thống sông lớn như sông Mã, sông Chu, sông Bưởi.
Do đó, theo ông Xứng, nếu số lượng Phó giám đốc Sở NN&PTNT không quá 3 người như quy định tại thông tư liên tịch số 14/2015/TTLT-NNNPTNT-BNV ngày 25/3/2015 của liên Bộ Nông nghiệp và Nội vụ sẽ rất khó khăn trong quản lý, điều hành.
Lê Anh ( Vietnamnet )