NSND CHU VĂN THỨC - Nhà hát chèo Việt Nam

Sinh, lão, bệnh, tử là chuyện phải đến của mỗi đời người, lão NSND Chu Văn Thức ra đi ở tuổi 86, cũng là tuổi xưa nay hiếm . . .nhưng mà n...

Sinh, lão, bệnh, tử là chuyện phải đến của mỗi đời người, lão NSND Chu Văn Thức ra đi ở tuổi 86, cũng là tuổi xưa nay hiếm . . .nhưng mà nghe ông đi tôi vẫn bị sốc. Sốc bởi dù tuổi cao ông vẫn tỏ ra tráng kiện trong tình yêu chèo, các liên hoan, hội diễn chèo ông đều có mặt, chăm chú xem, chỉ bảo cho đạo diễn, diễn viên, góp ý từng mảng trò. Sốc bởi ông như cây đại thụ hiếm hoi của làng chèo, dù 86 tuổi vẫn được nhiều, rất nhiều người tìm đến hỏi nhiều vấn đề về chèo. Sốc bởi mới hôm nào, bác cháu gặp nhau tại cuộc thi sân khấu chèo toàn quốc tại Ninh Bình, ông bắt tay tôi và bảo “ Cháu cố lên nhé. Trông đợi ở cháu nhiều"
Bác Thức ơi! Bác cứ thanh thản ra đi, cháu cùng những người làm chèo ở lại nguyện theo gương bác để giữ chèo!
Chia buồn sâu sắc tới gia đình ông và làng chèo 


NSND CHU VĂN THỨC - Nhà hát chèo Việt Nam 

Sinh năm 1932, Hà Tây

Nếu không kể tới lớp nghệ nhân giữ vai trò Thầy, Bà truyền nghề thì Chu Văn Thức, Bùi Trọng Đang, Kiều Bạnh Tuyết ... có thể xem là lớp đào kép đầu tiên của đoàn chèo Trung ương. Chu Văn Thức đến với chèo khá tình cờ. Vốn là diễn viên thuộc tổ kịch nói của đoàn văn công Trung ương, năm 1955, ông được chuyển sang đoàn chèo do thiếu quân số khi thành lập đoàn. Khi đó, chàng trai trẻ mới lần đầu được tiếp xúc với sân khấu chèo, lần đầu làm quen với việc học hát, học múa và lối diễn xuất đầy tính ước lệ của nghệ thuật chèo. Rồi với lòng đam mê, lại may mắn được các nghệ nhân bậc thầy chỉ giáo, nghệ thuật chèo đã sớm mang lại thành công cho ông. Với ngoại hình thư sinh, sáng sủa, Chu Văn Thức nhanh chóng trở thành kép chính của đoàn. Anh Điền (Chị Tấm - Anh Điền, 1955, vở diễn viết lại dựa trên truyện cổ tích Tấm Cám) là vai chính đầu tiên và là kỉ niệm đẹp cho sự nghiệp diễn xuất của ông. 
Cùng với Thúy Lan vai Tấm, Kiều Bạch Tuyết vai Cám, cụ Cả Tam vai Già Đa, cụ Năm Ngũ vai Người lãnh trò trong hội làng, đạo diễn Trần Bảng vai Hoàng tử, vở được công diễn tới hàng trăm buổi, chiếm được cảm tình của đông đảo khán giả. Tiếp nối thành công của Điền, vai diễn nữa tạo dựng tên tuổi Chu Văn Thức là Anh Ba trong vở Lọ nước thần dựng (1957). Vở diễn vẫn được khen ngợi là "đẹp như bức tranh Đông Hồ" này được dựng đi dựng lại tới ba, bốn lần. Chu Văn Thức diễn đôi cùng Thúy Lan, sau đó là Diễm Lộc trong vai Chị Ba. Chuyện tình đẹp như thơ, đậm màu cổ tích này với lời rao "dọc bằng đòn gánh, củ bằng bình vôi, ai mua hành tôi thì thương tôi với" đã ghim hình ảnh anh Ba chị Ba vào kí ức của khán giả. Vở diễn còn được đem đi công diễn ở Mông Cổ, Trung Quốc. Với các vở truyền thống, Chu Văn Thức cũng thành công với những vai kép như Thiện Sĩ - một thư sinh nhu nhược và giáo điều (Quan Âm Thị Kính, 1956), Dương Lễ - vị quan nhân hết lòng vì bạn (Lưu Bình - Dương Lễ, 1958), Kim Nham - một kẻ tham vàng phụ ngãi (Súy Vân - 1962). Vai Kim Nham đã mang lại cho Chu Văn Thức chiếc HCV tại Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp năm 1962 và ghi nhận sự trưởng thành của thế hệ diễn viên đầu tiên của nhà hát chèo.
Không chỉ thành công với các vai diễn, Chu Văn Thức còn tạo dấu ấn trên cương vị đạo diễn. Ông từng giữ chức Giám đốc nhà hát chèo Việt Nam giai đoạn 1987 - 1989. Ông được phong tặng danh hiệu NSUT năm 1984 và NSND năm 1993. 
Luôn đau đáu với sự phát triển của nghệ thuật chèo, sau khi về hưu, cụ ông Chu Văn Thức vẫn tích cực tham gia các hoạt động trong lĩnh vực này. Cụ lập ra một "gánh chèo" đặc biệt gồm toàn các nghệ sĩ gạo cội đã bước vào tuổi lên lão như Mạnh Tuấn, Diễm Lộc, Hoàng Vũ ... Năm 2001, một sự trùng hợp thú vị : nhà hát chèo Việt Nam ghi hình bộ đĩa DVD Súy Vân với dàn diễn viên xuất sắc đương thời như Khắc Tư, Mạnh Phóng, Phúc Lợi, Thúy Ngần ... thì "gánh chèo" của các cụ cũng ghi hình vở này - vở diễn đã đánh dấu bước trưởng thành của Chu Văn Thức, Diễm Lộc ... 40 năm về trước. Những lão nghệ sĩ đã ở tuổi ngoài 60, 70 vẫn đầy lửa trên sàn diễn, thậm chí cụ nghệ nhân Đoàn Thị Chưa 86 tuổi vẫn vào vai Mụ Kim. Dẫu thanh, sắc không thể cưỡng lại quy luật khắc nhiệt của thời gian nhưng họ vẫn khiến cho khán giả kính phục khi vẫn đầy nhiệt huyết trong từng khuôn diễn - quả là những nghệ sĩ đích thực. Ông lão Chu Văn Thức 70 tuổi gây ngạc nhiên khi vẫn rất phong độ trong vai kép ngang Trần Phương - một gã công tử phong tình "lấy giăng hoa làm lãi". Cũng vì nặng lòng với chèo mà Chu Văn Thức cùng các nghệ sĩ kì cựu khác lập nên nhóm ngũ lão (cùng Trần Việt Ngữ, Lê Huệ, Dân Quốc, Ngọc Chung) - một Ban giám khảo không chính thức nhưng rất đặc biệt tại Liên hoan sân khấu chèo năm 2011. Những ý kiến đóng góp xác đáng và đầy tâm huyết của họ đã gióng lên hồi chuông cảnh báo khi chèo lại có nguy cơ xa rời những giá trị đích thực của nó, khi "liên hoan chèo mà mất chèo". Hội thi sân khấu chèo năm 2013, ở tuổi 82, cụ là thành viên chính thức của Ban giám khảo, dõi theo từng khuôn diễn của bao nghệ sĩ trẻ. Với sự say nghề và lòng nhiệt huyết ấy, Chu Văn Thức xứng đáng là tấm gương cho những lớp thế hệ nghệ sĩ chèo noi theo.


Ngày 01.10.2015 
Bùi Quang Thắng

Bài Liên Quan

Tin Mới 687927073792090288

Đăng nhận xét

emo-but-icon

Chuyển ngôn ngữ

Subscriber Youtube

Tin Fanpage

Bài đăng và Bình luận

Nóng

Bài Mới

Bình Luận

Visitors

Flag Counter
item