Vụ pha trà đá bằng nước rửa chân: Facebook không phải nơi để cợt nhả

Thứ 6, 12:06, 14/07/2017 VOV.VN -Những trò cợt nhả hay vì mục đích gì đó lại ảnh hưởng đến bát cơm, manh áo, cuộc sống của người lương ...

Thứ 6, 12:06, 14/07/2017

VOV.VN -Những trò cợt nhả hay vì mục đích gì đó lại ảnh hưởng đến bát cơm, manh áo, cuộc sống của người lương thiện thì cần phải xử lý nghiêm và sớm loại bỏ.

Hai vụ việc xảy ra gần đây xuất phát từ thông tin được chia sẻ trên mạng xã hội Facebook đã thực sự rúng động: Vụ hai cô gái bị một trang web bịa đặt đưa tin hiếp dâm một nam thanh niên đến chết và vụ dùng nước rửa chân pha trà đá cho khách. Cả hai vụ việc này đều gây rúng động, bởi sự lan truyền đến chóng mặt của các thông tin trên mạng xã hội. Hậu quả là, nó đã gây không ít phiền toái cho các khổ chủ.

Hai cô gái đang tuổi ăn tuổi học thì gần như bị khủng hoảng tinh thần, xấu hổ với mọi người xung quanh không dám đi đâu. Còn chị bán trà đá cũng bị một phen suýt mất cần câu cơm.



Người lấy nước rửa chân pha trà cho khách không phải là chủ quán, mà là nhân viên cửa hàng gội đầu. (ảnh FB)

Mạng xã hội lại một lần nữa “vỡ òa” sau khi những người có trách nhiệm vào cuộc xác minh đó chỉ là những trò đùa, trò câu like của một số đối tượng.

Thời gian qua, đã có quá nhiều câu chuyện đau lòng xảy ra vì những “anh hùng bán phím” của mạng xã hội. Đã có những bạn trẻ sau khi bị đưa hình ảnh về các lỗi lầm của mình lên mạng, không chịu nổi áp lực của dư luận đã tìm đến cái chết.

Mạng xã hội đã xuất hiện vài năm ở Việt Nam và sức mạnh ghê gớm của nó không ai có thể phủ nhận. Ngoài tác dụng trong việc thông tin, giải trí, bán hàng kiếm sống, chia sẻ thông tin hữu ích nhiều người đã lợi dụng mạng xã hội để tuyên truyền chống phá nhà nước, để xúc phạm, hạ nhục cá nhân và nhiều mục đích xấu khác. Và việc đưa những hình ảnh như hai vụ việc vừa nêu dù với mục đích gì cũng là đáng lên án và cần phải loại bỏ trên cộng đồng mạng.

Rõ ràng, việc ứng xử thế nào với mạng xã hội cũng còn là một vấn đề đáng bàn hiện nay. Không phải ai cũng biết cách hành xử chuẩn mực, đúng đắn, phát huy đúng sức mạnh của công nghệ thông tin, tính lan tỏa của mạng xã hội… Nhiều người cũng không có trách nhiệm với những lời bình luận của mình trên mạng xã hội. Nhiều khi họ coi mạng xã hội là nơi trút bỏ sự bức bối, căn vặn, suy xét người khác mà không đặt mình vào vị trí của người đối diện.

Hiện tại, các qui định về quản lý thông tin trên mạng xã hội còn chưa được đầy đủ, chặt chẽ nên có nhiều thứ phát sinh ngoài tầm kiểm soát của cơ quan quản lý. Cùng với đó, ý thức, trách nhiệm của người sử dụng facebook còn quá nhiều điều đáng bàn. Không phải do dân trí, mà do nhận thức của nhiều người còn chưa thấu đáo. Bởi thực tế, có những người là cử nhân, tiến sĩ, nhà giáo, bác sĩ… nhưng lại có cách hành xử chẳng giống ai trên mạng xã hội.

Một qui luật tâm lý phổ biến là người ta tin vào những điều xấu xa nhanh hơn là những thông tin tốt đẹp. Chính vì thế, khi người dùng mạng xã hội thiếu trách nhiệm, không có lương tâm luôn tìm những thông tin xấu để đăng tải, chia sẻ thì nạn nhân của facebook, mạng xã hội sẽ còn gia tăng. Cách nào để giảm thiểu? Ngoài luật pháp phải nghiêm, thì người dùng mạng xã hội cũng cần phải có trách nhiệm với từng hình ảnh, lời bình mỗi khi chia sẻ./.

Bài Liên Quan

Tin Mới 3220524794205025513

Đăng nhận xét

emo-but-icon

Chuyển ngôn ngữ

Subscriber Youtube

Tin Fanpage

Bài đăng và Bình luận

Nóng

Bài Mới

Bình Luận

Visitors

Flag Counter
item