Chân dung soạn giả Mai Văn Lạng- Có một người tình dân ca

Soạn giả, nhà báo Mai Văn Lạng  Không sinh ra trên mảnh đất quan họ Bắc Ninh cũng không phải người con của làn điệu ví dặm Nghệ - Tĩnh,...

Soạn giả, nhà báo Mai Văn Lạng 
Không sinh ra trên mảnh đất quan họ Bắc Ninh cũng không phải người con của làn điệu ví dặm Nghệ - Tĩnh, ấy vậy mà có một người cũng nặng lòng, gắn bó với dân ca như thể máu thịt của mình.

Cũng giống như những bậc tiền bối đi trước: Nguyễn Đình Nghị, Trần Bảng, Trần Đình Ngôn, Dân Huyền, Bùi Văn Nhân hay Phạm Trọng Lực, Thạc sĩ nghệ thuật, Nhà báo, Soạn giả Mai Văn Lạng chính là sự tiếp nối có phẩm chất và năng lực trong việc khôi phục, sáng tạo và phát triển những làn điệu ca cổ xứ Bắc kì. Một trong số đó có thể kể đến chèo, hát văn, ca trù, tuồng, quan họ…

Cây đa bến nước cũng là dân ca

Sinh ra trong một gia đình mang cái mác “nhà quê chân đất” xã Dân Hòa, huyện Thanh Oai, Hà Nội, ngay từ nhỏ, cậu bé Lạng đã sống với bà ngoại, được nghe bà kể truyện Kiều, hát những làn điệu dân ca truyền thống. Lớn một chút, khi đã biết nghe đài, tâm hồn trẻ thơ bắt đầu được nhen lên sau mỗi trưa, mỗi tối ngồi bên bà nghe những làn điều chèo, tuồng trên sóng phát thanh của đài tiếng nói Việt Nam.Thêm dăm ba tuổi, Lạng bắt đầu “mò” đi xem văn công và dần say mê với những buổi như thế.

Ai cũng có những tuổi thơ thật yên bình mà cũng thật dữ dội. Tu

ổi thơ của Mai Văn Lạng cũng như thế ấy trôi đi cùng những câu ca, lời ru và giọng kể của người bà. Nhờ đó, hành trang anh mang đến giảng đường sau này chính là những âm giai đầy quê và thấm đẫm “niềm quê” để rồi ước mơ được làm một nhà biên kịch đã trở thành hiện thực.

Ngay từ những ngày còn đi học, Lạng đã tỏ ra là một cậu học trò làm văn giỏi. Bên cạnh đó, anh còn sáng tác thơ. Dường như với cá nhân Mai Văn Lạng, thơ chính là người bạn tâm giao, là tri kỉ và cũng là cảm hứng để những làn điệu mới, khúc ca mới được chắp lời ngân nga.Bao la “cánh đồng, con đò, bến nước rồi cả tuổi thơ, ba mẹ và gia đình, hết thảy những bài hát chèo hay dân ca đều có bóng dáng của làng quê, người quê”.Có thể coi đây như đề tài xuyên suốt trong những bài thơ, lời ca được anh chắp bút viết lên.

“Vẫn là quê đấy quê ơi

mà sao tha thiết bồi hồi xốn xang”

Hai câu thơ được trích trong bài “Đi giữa rừng ngô”, tác phẩm đầu tiên anh viết lời cho làn điệu chèo khi mới 19 tuổi được Nghệ sĩ Nhân dân Hồng Ngát thể hiện.

“Ai về quê với tôi không

Thả trâu, chăn vịt, lội đồng ngắm thu

Sông dài nên nỗi tương tư

Nếp thơm, cốm dẻo, trăng vừa mời ba”
trích “Ai về quê với tôi không”

hay:

“Cái cày vấp phải cái bừa

Ba gian nhà trống gió lùa quanh năm

Giần, sàng… chẳng đủ bữa ăn

Ngô khoai, rau cháo âm thầm mẹ lo”

Trích “Thăm thẳm nỗi quê”


“Gió đừng rung nữa gió ơi/ bâng khuâng hương khói về giời xót đau”

 
Bên cạnh đó, rất nhiều các bài thơ như “Nhớ mẹ”, “Tình mẹ ấm lời ru”, “Bóng cha lội giữa ruộng cày”… tái hiện những chiêm nghiệm về quê cũ, người cũ đã được chính tác giả chuyển thể từ lục bát sang các làn điệu chèo mê mẩn bao người thưởng thức.

Nặng lòng cái chữ nằm nghiêng

Hơn 20 năm bươn trải với nghề, hiện là Trưởng phòng dân ca hệ Âm nhạc – Thông tin – Giải trí VOV3 đài TNVN, chừng đó đủ để cái tên Mai Văn Lạng được đông đảo người mến mộ dân ca và quý khán giả biết đến. Cống hiến thế ấy song anh vẫn trăn trở về chặng đường phía trước đối với dân ca đặc biệt là chèo. Anh chia sẻ rằng: “Lời cổ của dân ca vô cùng quý nhưng hạn chế về số lượng bài. Để làm phong phú đa dạng, góp phần vào việc bảo tồn dân ca thì phải làm lời mới để nhiều người hát được.Tuy nhiên, khó khăn nhất cho người làm lời mới là làm sao để lời mới dễ hát và đi vào lòng người. Lời mới phải thật hay, không kém gì lời cổ chứ nếu mà lời mới cứ viết theo làn điệu thì ai cũng làm được. Tôi cố gắng tìm tòi, học hỏi để làm sao lời mới của mình phù hợp với cuộc sống mới, con người mới nhưng vẫn phải giữ được nếp cổ, lề lối cổ”. Vậy mới biết tấm lòng của anh với chính cái nghề bản thân lớn nhường nào.

“Có người gọi anh là người thắp lửa, giữ lửa cho nghệ thuật cổ truyền, còn tôi, tôi thấy anh là chiếc cầu, chắp nối những niềm vui, gieo niềm đắm say của những tâm hồn đắm say với môn nghệ thuật cổ truyền ấy”.Đó cũng chính là cảm nhận của NSƯT Khúc Hà Linh khi nói về Soạn giả Mai Văn Lạng.

Chỉ khi nào gán cho con chữ những nốt nhạc thì cái hồn lục bát mới hóa dân ca

Theo quan điểm cá nhân, tôi cho rằng đã là người nghệ sĩ, mọi công danh, thành tích hay vinh quang của chính họ nếu không phải là tài năng thì cũng cần một cái “tâm” đầy nhiệt huyết.

mà:

“Cái nghề là cái từ tâm

Trách chi số kiếp nhà nông cơ cầu”

Trong một lần trò chuyện, hát cho anh nghe một khúc chầu văn, ngỏ ý sẽ chọn con đường giống như cách anh chọn, anh làm, Soạn giả Mai Văn Lạng chia sẻ rằng: “người nghệ sĩ ngoài việc phải biết hát, bắt buộc phải say mê, đắm đuối, trầy trật vì nó. Phải là người sành văn chương chữ nghĩa, nắm được làn điệu gốc của dân ca. Đặc biệt, không cái gì cũng dễ dàng như làm thơ lục bát. Căn cốt của người nghệ sĩ trên sân khấu không phải hát để kiếm tiền” và theo tôi, đó có thể là sự cống hiến và làm giàu cho tiếng Việt, cho văn hóa Việt.

Có thể coi những gì anh nói như bài học xương máu mà anh dành cho nghề cũng như định hướng cách tiếp cận, cách hành động trong đông đảo giới văn nghệ sĩ, quý thính giả đặc biệt là những người trẻ hôm nay.


Soạn giả Mai Văn Lạng tâm sự: Tôi là một người quê trưởng thành từ quê hương gian khó cùng những nỗi niềm sâu kín của bản thân, gia đình, tuổi thơ và hiện tại. Dù đã 45 tuổi nhưng vẫn đau đáu những nỗi quê, niềm quê, trăn trở với quá khứ của mình, muốn giữ gìn và phát huy vốn văn hóa dân tộc” _ Mai Văn Lạng

Nam Thiên Phú ( Khoa viết văn- trường đại học văn hóa Hà Nội )

Bài Liên Quan

Tin Mới 7725435152578412672

Đăng nhận xét

emo-but-icon

Chuyển ngôn ngữ

Subscriber Youtube

Tin Fanpage

Bài đăng và Bình luận

Nóng

Bài Mới

Bình Luận

Visitors

Flag Counter
item