Nghệ sĩ hãng phim truyện Việt Nam được gợi ý đi bán bún, cháo lòng
20/09/2017 08:01 GMT+7 Các phòng ban bị dồn lại để nhường chỗ cho kinh doanh, những nghệ sỹ gạo cội được công ty tiếp quản gợi ý bán bún...
https://www.maivanlang.com/2017/09/nghe-si-hang-phim-truyen-viet-nam-uoc.html
20/09/2017 08:01 GMT+7
Các phòng ban bị dồn lại để nhường chỗ cho kinh doanh, những nghệ sỹ gạo cội được công ty tiếp quản gợi ý bán bún, cháo lòng trên chính mảnh đất của hãng phim.
Sau 2 tháng cổ phần hóa hãng phim, các nghệ sĩ nhận thấy cổ đông chiến lược là Tổng công ty Vận tải thủy Vivaso không hề có ý định làm điện ảnh, mà chỉ quan tâm tới giá trị đất đai của hãng.
Cơ sở vật chất bị xáo trộn: sáp nhập phòng biên kịch, đạo diễn, quay phim, thiết kế mỹ thuật vào một phòng gọi tên là “Phòng nghệ thuật”. 24 người bị dồn vào một phòng chưa đầy 20 m2.
Dãy nhà trước mặt phố Thụy Khuê đã tiến hành cho thuê để kinh doanh không phục vụ mục đích làm phim.
Ngoài quán phở đã được cho thuê từ lâu thì một số cửa hàng còn lại đã được làm cửa sắt, sơn sửa để chuẩn bị bàn giao.
Kho đạo cụ, phục trang vốn là tài sản gắn liền với hoạt động của Hãng cũng bị chuyển đến các kho của Công ty Vận tải thủy cách 40 km với mục đích lấy các phòng cho thuê kinh doanh.
Hiện các phòng xuống cấp như bị bỏ hoang từ lâu.
Toàn bộ kịch bản quý giá của các biên kịch gạo cội từ khi Hãng được thành lập với bộ phim đầu tiên Chung một dòng sông - bộ phim đánh dấu viên gạch đầu tiên của dòng phim cách mạng kinh điển đến các bộ phim nhựa khác gây tiếng vang đều bị đem đi gửi ở Viện phim Việt Nam khiến chiếc tủ đựng kịch bản của phòng biên kịch trống trơn.
Cánh cổng sắt - vốn là cổng chính 60 năm nay của hãng phim, nằm sát đường Thụy Khuê cũng đã được khoá chốt cẩn thận. Giờ đây, muốn đi làm, các nghệ sỹ buộc phải đi cổng sau.
Đường ống dẫn nước được làm mới phục vụ kinh doanh.
Các nghệ sĩ cho biết họ không chống chủ trương cổ phần hóa, thậm chí hết sức ủng hộ vì đó là xu thế tất yếu. Tuy nhiên, quy trình cổ phần hóa phải được thực hiện phù hợp.
Trước đó, chi hội Hãng phim truyện Việt Nam đã có đơn kêu cứu gửi đến Hội Điện ảnh Việt Nam. Lá đơn ghi: "Sau hai tháng cổ phần, Vivaso đã không giữ đúng cam kết về trả lương cho cán bộ công nhân viên. Mức lương không theo một căn cứ nào, gây bất bình cho cán bộ, công nhân viên.”
NSƯT Vũ Quốc Tuấn cho biết: “Trong tháng lương đầu tiên của công ty cổ phần, đội ngũ quay phim có 7 người thì chỉ 2 người đủ lương (3-4 triệu), 5 người không có lương. Khi chúng tôi có thắc mắc thì bên Vivaso cho rằng họ mới tiếp quản nên không biết, trả theo chế độ ngày xưa”.
Lương của tháng tiếp theo theo quy định sẽ được trả vào ngày 20/8 nhưng các nghệ sỹ chưa được nhận. Đến ngày 5/9 vẫn không có, khi các nghệ sỹ kiến nghị thì nhận được câu trả lời rằng: “Những người đi làm có việc (tức là ra sản phẩm) thì được ăn lương, không làm thì không có lương”.
“Đặc thù của nghề làm phim không thể ngày một ngày hai ra ngay sản phẩm được. Khi chúng tôi bày tỏ sự bức xúc trên mạng xã hội thì Vivaso đã tạm ứng lương cho 50/85 người, chủ yếu là một triệu đồng”, diễn viên Quốc Tuấn cho biết.
Thậm chí có bên công ty cổ phần còn gợi ý cho các nghệ sỹ thuê kiot để bán bún phở, cháo lòng. “Điều đó đã thực sự xúc phạm chúng tôi”, diễn viên Quốc Tuấn bức xúc.
“Quả thực với số lương hiện giờ, chúng tôi cũng không thể sống được, nhưng vẫn gắn bó với hãng phim đến ngày hôm nay là vì quá yêu hãng, đã gắn bó mấy chục năm ở đây”, một vị đạo diễn chia sẻ.
“Thời gian này, chúng tôi cũng biết hãng đang gặp nhiều khó khăn, có thể không trả đầy đủ lương cho nhân viên nhưng chúng tôi mong muốn bên công ty cổ phần phải cho một lộ trình về công việc, về hướng phát triển”, diễn viên Quốc Tuấn nói.
Theo Zing