Thực lực, thực tài thì cần gì bằng cấp “không đúng qui định”
Thứ 3, 06:55, 19/09/2017 VOV.VN -Khi nào cán bộ được đánh giá và cất nhắc chỉ trên năng lực thực sự, khi đó bệnh sính bằng cấp và những...
https://www.maivanlang.com/2017/09/thuc-luc-thuc-tai-thi-can-gi-bang-cap.html
Thứ 3, 06:55, 19/09/2017
VOV.VN -Khi nào cán bộ được đánh giá và cất nhắc chỉ trên năng lực thực sự, khi đó bệnh sính bằng cấp và những tấm bằng không thật sẽ hết đất sống.
Chắc hẳn mọi người còn nhớ, đã có thời gian ở Hà Nội râm ran câu chuyện một thạc sĩ ở nước ngoài về nước thi viên chức ngành giáo dục nhưng lại trượt. Khi ấy, nhiều câu chuyện không hay về các du học sinh Việt Nam bắt đầu được tiết lộ. Và nhiều người cũng mới biết, đào tạo bậc đại học, thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài cũng có vô số loại. Trong số những trường đào tạo có uy tín, những người làm khoa học thực sự và nghiêm túc thì cũng có không ít người coi du học ở nước ngoài như một sự trốn chạy những thói hư tật xấu mà gia đình không thể "quản" được.
Và thực tế, đã có không ít du học sinh du học mãi không tốt nghiệp được. Số tốt nghiệp được nhờ việc đóng tiền thì khi trở về nước lại “ngô ngọng” không làm được việc gì nên hồn. Dạng con ông cháu cha thì tìm cách nhồi nhét vào một cơ quan Nhà nước nào đó, sáng cắp ô đi, tối cắp ô về… hưởng lương công chức hoặc chỉ cốt có chỗ đi làm hàng ngày cho... sang.
Giá trị tiến sĩ hiện nay đang "rớt" thê thảm!
Còn trong nước, thời gian qua, dư luận nói quá nhiều về những Tiến sĩ giấy, về những lò ấp tiến sĩ… để gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng lạm dụng, chạy đua bằng cấp, học giả - bằng thật… Việc một người từ cử nhân, thạc sĩ được cấp bằng tiến sĩ mà quá trình đào tạo không đạt chuẩn đã khiến cho qui trình đào tạo sau đại học đơn giản chỉ là sự gắn mác. Việc này, ngoài gây lãng phí xã hội còn tạo ra sự cạnh tranh không bình đẳng, không có tác dụng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Một thực tế, khi bổ nhiệm cán bộ, bằng cấp vẫn là một trong các tiêu chí xét duyệt, còn năng lực chuyên môn thực tế nhiều khi khó định lượng rõ ràng. Điều này vô tình cổ xúy cho việc đua nhau đi học tiến sĩ ở khối nhà nước. Thế nên, Việt Nam có hơn 24.000 tiến sĩ nhưng có gần 50% trong số này lại không làm công tác nghiên cứu.
Đã có nhiều vụ sử dụng bằng giả, bằng cấp không đúng qui định bị phát hiện. Điều đáng nói, nhiều người trong số đó đều đã có một "chức quan" nhất định trong các cơ quan, đơn vị mới bị phát giác. Đây là sơ hở cần phải "bịt" lại.
Mặc dù bộ máy cồng kềnh, kém hiệu quả, ai cũng thấy cần phải tinh giảm biên chế như một lãnh đạo Hà Nội cũng từng than thở đại ý, bây giờ Hà Nội cán bộ nhiều người có bằng thạc sĩ cho nên rất khó... giảm.
Chỉ khi nào các cơ quan nhà nước xây dựng được hệ thống minh bạch để thu hút, đãi ngộ, cất nhắc được những người thực sự có tài, có năng lực, mà không đặt nặng tiêu chí bằng cấp, học vị, học hàm... thì lúc đó "bệnh" sính bằng cấp và những tấm bằng giả hoặc bằng thật mà học giả sẽ không đất sống./.
An Nhi/VOV.VN