Tê tay khi ngủ - Vì sao?
Viết bởi: BS. Lê Hoàng Bách NGÀY 12 THÁNG 05, 2019 | 07:20 Suckhoedoisong.vn - Một số người than phiền rằng ban đêm tỉnh dậy giữa gi...
https://www.maivanlang.com/2019/05/te-tay-khi-ngu-vi-sao.html
Viết bởi: BS. Lê Hoàng Bách NGÀY 12 THÁNG 05, 2019 | 07:20
Suckhoedoisong.vn - Một số người than phiền rằng ban đêm tỉnh dậy giữa giấc ngủ, họ thấy tay tê dại, có khi là cảm giác cả cánh tay và bàn tay như bị kim châm. Đây có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý phức tạp cần được phát hiện và điều trị sớm.
Trên thực tế, ngoài cảm giác tê bì, có người còn thấy tay nhất thời như tê liệt hoặc cảm giác dị cảm, đau châm chích trên cả cánh tay và bàn tay rất khó chịu. Cảm giác này có thể đến vào cả giấc ngủ ban ngày. Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng này. Có nguyên nhân chỉ là nhất thời, chẳng hạn như một người nằm ngủ theo một tư thế nào đó vô tình đè lên tay gây áp lực lên dây thần kinh chi sẽ khiến tay có cảm giác tê dại. Chỉ cần chú ý thay đổi tư thế nằm ngủ, tình trạng này sẽ không xuất hiện nữa. Nhưng nếu tình trạng tê tay xuất hiện thường xuyên trong khi ngủ, không nên chủ quan vì đó có thể là triệu chứng của một số căn bệnh phức tạp dưới đây:
Hội chứng ống cổ tay
Hội chứng ống cổ tay là căn bệnh rất phổ biến. Đây là một rối loạn thần kinh ngoại vi thường gặp ở những người có các hoạt động liên quan đến chuyển động ngón tay lặp đi lặp lại (như gõ máy tính hoặc chơi piano) gây quá nhiều áp lực lên dây thần kinh giữa. Hội chứng này cũng thường xuất hiện vào giữa hay cuối thai kỳ của nhiều phụ nữ mang thai. Nhiều tác nhân tại chỗ và toàn thân có liên quan đến sự phát triển hội chứng ống cổ tay, trong đó phổ biến nhất là viêm bao hoạt dịch thứ phát từ các bệnh hệ thống như thấp khớp. Bệnh nhân thường đau, dị cảm, tê cứng ở 3 ngón giữa do thần kinh giữa chi phối, nhưng cũng có lúc tê cả bàn tay. Chứng tê này thường xuất hiện về đêm khiến bệnh nhân tỉnh giấc. Đau và tê tay có thể lan lên cẳng tay, khuỷu hoặc vai. Trong ngày, khi phải vận động cổ tay, ngón tay nhiều như lái xe máy, xách đồ, làm việc bàn giấy... thì tê xuất hiện lại. Có những bệnh nhân bị tê suốt cả ngày. Sau một thời gian tê, người bệnh có thể đột nhiên bớt tê nhưng bắt đầu thấy việc cầm nắm yếu dần hoặc bị run tay, viết khó, dễ làm rớt đồ vật. Những triệu chứng kể trên là điển hình cho tình trạng dây thần kinh giữa bị chèn ép trong ống cổ tay. Thường thì triệu chứng điển hình gặp ở một tay nhưng cũng có thể gặp ở cả 2 tay.
Hội chứng ống cổ tay.
Bệnh tiểu đường
Bệnh tiểu đường có thể làm tăng nguy cơ tổn thương thần kinh. Hiện tượng tê bì chân tay là biểu hiện khi thần kinh ngoại biên bị tổn thương. Nguyên nhân chính gây biến chứng thần kinh ngoại biên ở bệnh nhân tiểu đường là do chỉ số đường huyết tăng cao. Khi lượng đường trong máu cao một thời gian dài sẽ làm giảm vận tốc dẫn truyền thần kinh, tổn thương bao myelin của các sợi dây thần kinh. Bao myelin của các sợi dây thần kinh bị tổn thương kéo theo làm rối loạn các cảm giác. Hơn nữa, đường huyết tăng cao, độ nhớt trong máu tăng làm lắng đọng cholesterol ở thành mạch gây xơ vữa và có thể gây bít tắc mạch máu nhỏ, oxygen và các chất dinh dưỡng nuôi mô cơ và dây thần kinh ở ngoại biên bị suy giảm. Từ đó, tín hiệu thần kinh được truyền dẫn đến chân, tay dẫn đến rối loạn, tê liệt. Thần kinh ngoại biên bị tổn thương, bệnh nhân sẽ thấy xuất hiện triệu chứng: tê chân tay như kiến bò, kim châm, lạnh buốt hoặc bỏng rát. Những cảm giác này xuất hiện đầu tiên trên ngón chân, gan bàn chân rồi lan dần sang bàn tay, ngón tay. Biến chứng thần kinh ngoại biên do mắc bệnh tiểu đường rất nguy hiểm, nguy cơ dẫn đến teo cơ, liệt chi và là nguyên nhân hàng đầu khiến người bệnh bị hoại tử, phải cắt cụt chi.
Các nguyên nhân khác của bệnh thần kinh ngoại biên
Bệnh lý thần kinh ngoại biên có thể dẫn tới cảm giác tê tay chân mà bệnh thần kinh tiểu đường chỉ là một. Ngoài ra, các nguyên nhân khác của bệnh lý thần kinh ngoại biên bao gồm: chấn thương; nghiện rượu; rối loạn tự miễn; tác dụng phụ khi dùng một số loại thuốc, chẳng hạn như thuốc hóa trị; rối loạn tủy xương; bệnh Lyme và HIV; u chèn ép vào các dây thần kinh; bệnh đa xơ cứng.
Tư thế ngủ có thể gây tê tay.
Đột quỵ
Đột quỵ và các cơn thiếu máu não thoáng qua có thể gây tê và cảm giác châm chích ở cánh tay. Đột quỵ và các cơn thiếu máu não thoáng qua có thể ảnh hưởng đến hoạt động của các dây thần kinh và có thể gây ra những thay đổi về cảm giác, bao gồm dị cảm ở cánh tay hoặc chân cũng như cảm giác tê hoặc đau tăng. Triệu chứng của cơn thiếu máu não thoáng qua tương tự như triệu chứng của đột quỵ. Nhưng triệu chứng của cơn thiếu máu não thoáng qua không kéo dài. Hầu như các triệu chứng sẽ biến mất trong vòng từ 10 - 20 phút. Triệu chứng điển hình là cảm giác nặng ở cánh tay, chân, không cầm nắm được đồ vật, mất đồng bộ phối hợp trong vận động, thay đổi về cảm giác, tê rần, kiến bò, rối loạn giọng nói, nói khó, không nói được, mất thăng bằng, chóng mặt. Triệu chứng không điển hình là cơn choáng, ngất xỉu, nhức đầu nhẹ, quên thoáng qua, nôn, buồn nôn, co giật, liệt mặt, đau ở mắt, méo miệng.
Ngoài các nguyên nhân bệnh lý nói trên, tê bì chi có thể còn có nguyên nhân do thiếu hụt vitamin B. Những người có nguy cơ bị thiếu vitamin B thường là người ăn chay, người trên 50 tuổi, những người mắc các rối loạn tiêu hóa.
Phòng ngừa
Để phòng ngừa chứng tê tay khi ngủ có thể rất đơn giản như chú ý các tư thế ngủ (như không nằm đè lên tay, không ngủ gục với tay khoanh trên bàn). Nếu một người có các yếu tố nguy cơ mắc hội chứng ống cổ tay có thể phòng ngừa bằng cách tập các bài tập cho tay cũng như mát-xa tay chân thường xuyên cũng có hiệu quả. Xây dựng một chế độ ăn giàu vitamin B hoặc bổ sung vitamin B có thể phòng ngừa thiếu vitamin B gây tê bì tay chân. Cách tốt nhất để phòng ngừa bệnh lý thần kinh ngoại biên là đề phòng các yếu tố nguy cơ, có một lối sống lành mạnh, không thuốc lá, không lạm dụng rượu bia, kiểm soát tốt đường huyết...
Lời khuyên của bác sĩ
Nếu tê tay chỉ do các nguyên nhân như thiếu vitamin B hay do tư thế ngủ thì không có gì đáng ngại, hầu như ai cũng có thể từng trải qua cảm giác này. Tuy nhiên, nếu hiện tượng tê tay khi ngủ diễn ra thường xuyên, đặc biệt có đi kèm các triệu chứng như: Rối loạn thị giác, tê hoặc có cảm giác kiến bò, kim châm ở mặt hoặc có khó khăn trong việc phối hợp vận động... thì nên đến khám bác sĩ bởi những bệnh lý tiềm ẩn không được phát hiện sớm và điều trị hợp lý có thể dẫn tới các biến chứng nguy hiểm.
BS. Lê Hoàng Bách
( Báo sức khỏe và đời sống )