Hồn quê trong thơ Trần Quang Đẩu- Bài viết của Soạn giả Mai Văn Lạng
17:22 - 16/07/2019 Trong vài năm trở lại đây, trên thi đàn thơ Việt Nam xuất hiện cái tên Trần Quang Đẩu với những vần thơ gần gũi th...
https://www.maivanlang.com/2019/07/hon-que-trong-tho-tran-quang-au-bai.html
17:22 - 16/07/2019
Trong vài năm trở lại đây, trên thi đàn thơ Việt Nam xuất hiện cái tên Trần Quang Đẩu với những vần thơ gần gũi thân thuộc, bình dị, thôn dã.
Sinh trưởng trong một gia đình nông dân nghèo tại xã Mê Linh, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình, ngay từ nhỏ Trần Quang Đẩu đã sớm yêu các bộ môn văn học nghệ thuật, đặc biệt là thơ, ca hò vè.
Lớn lên, anh thuộc hầu hết các bài thơ được học ở trường cấp 1,2 3, đặc biệt là vốn dân ca, ca dao, tục ngữ của bà, của mẹ, của quê hương. Yêu văn nghệ nhưng Trần Quang Đẩu lại chọn cho mình con đường binh nghiệp. Anh trở thành người lính Hải quân, phục vụ ở nhiều tuyến biển đảo của Tổ quốc trên mọi cương vị khác nhau.
Trong suốt những năm là người lính biển, rồi chuyển ngành về công tác tại Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường. Trần Quang Đẩu dù bận trăm công ngàn việc anh vẫn dành một góc tâm hồn cho thơ. Anh quan niệm về thơ rất giản dị: thơ để giải thoát những nhớ thương trong lòng. Tình yêu của anh trải rộng, trào ra đầu ngọn bút. Những câu chữ theo anh từ thủa ấu thơ cứ lặng lẽ chảy tràn trên mặt giấy và thế là bài thơ ra đời.
Đề tài trong thơ Trần Quang Đẩu cũng như cuộc sống đời thường của anh: giản dị, gần gũi. Giản dị đến mức ít người thơ có được. Anh viết về những người đồng đội một thời sẻ chia gian khó khi công tác cùng nhau ở huyện đảo Trường Sa:
“Nhà chòi không cánh cửa đâu,
Nhà chòi không khép lòng nhau bao giờ.
Cho nhau hiểu hết tâm tư,
Nghĩa tình đồng đội sáng như sao trời”.
( bài “ Nhà chòi” )
Trước khi chuyển về công tác tại Tổng cục Biển và Hải đảo, Trần Quang Đẩu từng là người lính Hải quân. Bên cạnh những bài thơ mộc mạc, dung dị về quê hương, anh cũng có những sáng tác về biển đảo và những đồng đội.
Trong những lúc gian nan vất vả ấy, trong thơ anh luôn có chất men diệu kỳ để động viên đồng đội quên đi cái mệt nhọc để cùng chắc tay súng, vững tay chèo bảo vệ vững chắc từng tấc đảo, sải biển thiêng liêng của Tổ quốc.
“Trường Sa máu thịt quê nhà,
Trường Sa là của Ông cha chúng mình”.
“Một lòng thề nguyện sắc son,
Chúng con xin hứa nước non thanh bình.
Trường Sa là nghĩa là tình,
Trường Sa máu thịt quê mình yêu thương”.
( bài “ Ra khơi” )
Sau 30 năm được quay trở lại huyện đảo Trường Sa, cảm xúc lại dâng trào trong anh với những câu thơ thật giản dị:
“Hôm nay thăm lại Trường Sa,
Giống như được trở về nhà thăm nhau.
Cầu cảng trước đơn vị sau,
Ngôi chùa bên trái bạc màu thời gian.
Bên phải đơn vị cơ quan,
Chủ quyền ở giữa ngút ngàn cây xanh.
Đường băng cũng đã hình thành,
Đón tàu bay chuyến quân hành ra khơi.
Đảo xa giữa biển giữa trời,
Có Đài tưởng niệm Bác Hồ vẻ vang”.
( bài “ Thăm đảo Trường Sa” )
Đối với quê hương, anh luôn trân trọng và dành trọn tình yêu cho từng ký ức của một thời anh vừa học, vừa làm, lao động sản xuất để cùng gia đình vươn lên thoát cảnh đói nghèo. Anh viết về “bòn rau” , một việc làm thường xuyên của những em bé trong các gia đình nghèo khó ở những thập niên 60-70 của thế kỷ trước:
“Thài lài rau rệu bên đường,
Rau dền cơm mọc ở bờ mương hái về.
Một thời bòn mót rau quê,
Rau tàu bay ở chân đê rất nhiều . . . “
( Bài “ bòn rau “ )
Anh viết về việc bới củ dong cứ chân chất như thế này:
“Cứ vào dịp cuối mùa đông,
Mẹ tôi lại bới vườn dong sau nhà.”
( bài “ Bới dong” )
Trần Quang Đẩu có biệt tài nhớ rất kỹ từng món ăn, từng công việc nhỏ, đến các nghề, các ngõ ngách của quê mình. Đây là cách anh miêu tả về “ món quê” ai đã từng được ăn chắc sẽ “ chảy nước chân răng” thèm muốn.
“Chuối xanh nấu với ốc nhồi,
Phải có riềng mẻ giã rồi nấu chung.
Cá giếc kho xả với sung,
Tép gạo cất vó rang cùng lá chanh.
Cháo hoa bỏ muối với hành,
Cơm rang tóp mỡ lỡ đành quên sao. “
( bài “ món quê” )
Cái nghèo khó của làng quê thuở trước vào thơ Trần Quang Đẩu không héo hắt, tàn tạ mà rất nhí nhảnh, hóm hỉnh. Câu thơ không bẻ bai mà nhuần nhuyễn kể chuyện một cách mộc mạc. Đây là cách anh kể chuyện đi cắt cỏ đổi điểm cho hợp tác xã thuở trước:
“Trời mưa gió rét thế này,
Chia phiên cắt cỏ hôm nay đến rồi.
Củ khoai ngứa bẻ làm đôi,
Tất tưởi quang gánh mình tôi ra đồng.
Cắt cỏ bờ máng bờ sông,”
( bài “ cắt cỏ “ )
Cứ tưởng cái tuổi thơ đói khổ, nghèo túng thế phải đẫm nước mắt. Nhưng đọc thơ Trần Quang Đẩu người đọc không cảm nhận thấy điều đó. Phải chăng cái lạc quan, tin tưởng, chất lãng mạn và chút “ u mê” của người quê Mê Linh, Đông Hưng, Thái Bình đã ăn sâu, bám rễ, nảy mầm trong tư tưởng của những người con quê hương như Trần Quang Đẩu.
Một chủ đề xuyên suốt, một chủ đề không thể thiếu trong thơ Trần Quang Đẩu là thơ về mẹ, về cha, về ông bà. Thơ viết về chủ đề gia đình thường gây được cảm tình, tạo xúc cảm nhanh cho người đọc. Trần Quang Đẩu cũng không ngoại lệ. Anh nhớ những kỷ niệm không thể nào quên, những kỷ niện ấy của anh hầu như ai cũng có nhưng không mấy người viết ra được: Tắt đèn đi xin lửa, tháng ba ngày tám đi vay gạo, cắt cỏ xin điểm, trồng rau cần, mò ốc dưới ao . . . rồi cái cối xay của gia đình, rồi bữa ăn bố dạy con phải cầm bát so đũa thế nào, mẹ dậy con phải mời ra sao, ăn nhìn nhau mà gắp . . . những cảnh, những tình, những câu chuyện ấy cứ xoáy vào lòng người đọc.
“Thế rồi sắp xếp bát ra,
Bưng mâm, so đũa cả nhà cùng ăn.
Đũa tre để gọn kẻo lăn,
Đợi đông đủ trước khi ăn phải mời.
Lời mời đơn giản thế thôi,
Mà theo tôi suốt cuộc đời đến nay”.
( bài “ Rải chiếu sắp cơm” )
Nhiều người đọc không khỏi rưng rưng. Đây là những “ kỷ niệm tuổi thơ” của Trần Quang Đẩu:
“Cái ngày xin Mẹ mấy hào,
Mua que kem mút cạnh ao trước nhà.
Cái ngày mong Mẹ mua quà,
Nhưng nhà nghèo cũng chỉ là ước thôi.
Cái ngày ngoáy bột vét nồi,
Củ khoai lang nướng cháy rồi vẫn ngon.”
( bài “ ký ức tuổi thơ “ )
Cùng đoàn công tác của Tổng cục Biển và Hải đảo tham gia trồng rừng ngập mặn chống sạt lở ven biển tại khu vực trường bắn, phường Nhà Mát, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu, tháng 5/2019.
Và không ai trong chúng ta, khi nhớ về tuổi thơ mà không nhớ về lời ru tha thiết của bà, của mẹ. Lời ru ấy theo ta suốt cuộc đời, khi nắng Hạ lúc mưa Đông, nhất là khi bà và mẹ đã khuất bóng, ký ức ấy càng trào dâng da diết:
“Lời ru theo dọc cuộc đời,
Cháu con ghi nhớ những lời quê hương.
Đã đi qua khắp nẻo đường,
Lời Bà với Mẹ bốn phương vọng về.
Một đời lam lũ đồng quê,
Lời ru cũng thấy não nề lắm thôi.”
( Bài “ Ký ức lời ru “ )
Về nghệ thuật, có thể khẳng định rằng thơ Trần Quang Đẩu nhuần nhụy lục bát. Tôi cũng không hiểu vì sao anh đọc, học bao giờ mà vốn từ của anh phong phú đa dạng, cách lập ý, lập tứ nhanh, gieo vần chính xác đến thế. Có cảm giác rằng Trần Quang Đẩu chỉ nhắm mắt hình dung là xong một bài thơ, dù bài thơ của anh thường rất dài.
Có nhiều người làm thơ vì mục đích tiến thân, vì danh, vì lợi, nhưng tôi biết chắc chắn Trần Quang Đẩu làm thơ để giải tỏa ký ức, nhẹ lòng trong cuộc sống bộn bề lo toan. Chính vì thơ với Trần Quang Đẩu chỉ để giải tỏa, để nhẹ lòng nên anh không cầu kỳ về cấu trúc, không chau chuốt tinh xảo ngôn ngữ. Thơ của anh như nói, như hát, cứ rào rào tuôn chảy theo mạch nguồn cảm xúc. Nếu thoáng đọc thì cảm giác anh hơi dễ dãi trong câu từ, nhưng chơi với anh, hiểu tính cách và mục đích làm thơ của Trần Quang Đẩu thì thấy cảm thông chia sẻ với anh nhiều hơn.
Có một điều kỳ diệu không thể không nói về thơ Trần Quang Đẩu là thơ anh đăng báo không nhiều nhưng hễ cứ đăng bài nào lên trang Facebook cá nhân là nhận được hàng trăm lượt like, comment, chia sẻ. Nhiều người đã khóc khi đọc thơ anh. Quê hương qua thơ Trần Quang Đẩu, gần gũi thân thương với mỗi người đọc. Anh đã làm sống lại nhưng ký ức một thời tưởng đã bị chôn vùi qua thời gian khắc nghiệt.
Thời gian không ngừng trôi. Trần Quang Đẩu không ngừng viết, không ngừng sáng tạo. Ngoài thời gian cho công việc, cho gia đình, anh luôn vui, buồn, ấm lạnh cùng thơ. Tuổi 50 đang sung sức, thơ anh còn rất trẻ, hy vọng rằng anh sẽ tiếp tục viết hay, viết đều tay, viết khỏe. Và cũng mong rằng thơ anh ngày càng chau chuốt, tinh tế, chắt lọc và gọt rũa hơn để câu thơ mang thêm nhiều sức nặng.