Mấy suy nghĩ về thơ qua tác phẩm " Bài thơ của một người yêu nước mình "

“TÔI YÊU ĐẤT NƯỚC NÀY CHÂN THẬT” (Đọc Bài thơ của một người yêu nước mình của Trần Vàng Sao ) Nguyễn Văn Nhượng        Chúng ta ai ...

“TÔI YÊU ĐẤT NƯỚC NÀY CHÂN THẬT”
(Đọc Bài thơ của một người yêu nước mình của Trần Vàng Sao)
Nguyễn Văn Nhượng
       Chúng ta ai cũng biết "Thơ lấy tình làm gốc, lời làm chồi, tiếng làm hoa, nghĩa làm quả" (Bạch Cư Dị), và cũng bởi thơ lấy nhiệt tình sống động mà truyền đạt chân thành chân lí của lòng người nên thơ thiêng liêng cao quý... là vì thế. Tôi vẫn văng vẳng bên tai lời của nhà văn Nam Cao: "Nghệ thuật phải là tiếng đau khổ kia thoát ra từ những kiếp lầm than”, nghệ thuật dang tay đón lấy tất cả những ba động, va đập của cuộc đời để tạo ra chính nó. Tôi thì rất sợ thứ thơ ca (nói như nhà văn Nguyễn Minh Châu) “tráng lên một lớp men “trữ tình” hơi dày, cho nên ngắm nó thấy mỏng mảnh, bé bỏng và óng chuốt quá khiến người ta phải ngờ vực”. Thật khó để nuốt trôi được thứ thơ thớ lợ, cố tô vẽ tu từ, lên giọng bằng thứ "hịch, cáo" gượng gạo, ca tụng nhạt phèo, đánh lừa người thưởng thức và đám đông tầm thấp...Người cầm bút chân chính, hẳn phải hiểu trách nhiệm thiêng liêng: “Khi chúng ta ngồi viết những câu văn thì bố mẹ và anh chị em ta đang đổ mồ hôi và vắt óc nghĩ cách đánh giặc (…). Lẽ nào có thể viết những câu văn trái với nhiều người xung quanh hiện đang phải lo nghĩ để chiến thắng giặc” (Nguyễn Minh Châu). Tôi cũng đã từng tập tọe viết thơ nhưng đó là những năm tháng còn dạy ở một nơi hẻo lánh, hun hút những miền xa, "không điện, không đường, không trường, không trạm". Chính nhờ cái "tứ không" trong veo, ngần ngận đó mà tôi còn/có viết được.... Và giờ đây thì không viết nổi một câu thơ nào nữa..., và nếu có viết, hẳn tôi sẽ chỉ có thể viết được bằng một thứ "thơ khác" xưa, khác 17 năm về trước... Chạng vạng trời đêm sâu và tĩnh, tôi trở mình, dậy đọc Bài thơ của một người yêu nước mình, viết vài dòng nghĩ, nó gợi lòng tôi về nhiều thứ, suy tư vừa ở chiều dài vừa ở bề rộng của số phận mỗi con người và số phận đất nước mình...
      Câu thơ “Tôi yêu đất nước này chân thật” hẳn có gì thơ lắm đâu, dầu sao cũng chỉ là lời tâm tình như một lời nói ta bắt gặp ở đâu đó trong những bề bộn hằng thường, ai không hiểu có khi còn cho rằng người nói câu này có phần cao ngạo, phờ phỉnh; chỉ mình “chân thật” thôi sao, còn người khác thì giả dối?. Thiết tưởng chẳng ai nghĩ theo chiều hướng nghịch đối đó để hoạch họe, nên chăng hiểu rằng, tác giả phải là người đã đi dọc hết những hành trình của nông nỗi tâm hồn, đi dọc hết những rộng dài của tình yêu đất nước, đủ suy tư chiêm nghiệm chín chắn thì vỡ òa một cách đầy chân thành và bản lĩnh để thốt lên hai tiếng “chân thật” như một sự xác tín cho tình cảm của chính mình và nói hộ tâm tình của tất cả con người Việt Nam, hôm qua, hôm nay và mai sau…
Không phải đợi đến đêm nay mà đã bao lần tôi trầm ngâm, đọc đi đọc lại Bài thơ của một người yêu nước mình (một nhan đề khá dài nhưng lại gợi được chất trữ tình của niềm kiêu hãnh, tự hào và những minh định đầy xác tín) của Trần Vàng Sao, cũng sau ngần ấy lần, tôi ngậm ngùi, lòng không sao ghìm được niềm rưng rưng, xót buốt bởi tình cảm chân thực, xúc động mãnh liệt, trong suốt đến tận cùng những nông nỗi, nhục nhằn, đắng cay cùng những tình yêu cao khiết của tác giả Trần Vàng Sao đã giãi bày, đã trần tình. Bài thơ tự do, dài 155 câu được khai triển bởi hai dòng mạch xuyên thấm nhau, dòng mạch về gia đình, mẹ và em, dòng mạch về những đau thương mất mát của đất nước. Tất cả những dòng mạch đó nương tựa, đan bện vào nhau, quấn quyện, neo đậu vào dòng tự sự dài hơi, triền miên, ngập tràn hồi ức và kỉ niệm, ngập tràn chiêm nghiệm và suy tư. Hình tượng Tổ quốc, hình tượng mẹ cứ thế tỏ dần trong niềm chập chờn và ám ảnh…
Khổ 1,2,3 là cảm xúc ngọt êm lắng đọng trong không gian làng quê, đẹp và thơm, thanh mát và say sưa, ngất ngây. Đó là một “buổi sáng tôi mặc áo đi giầy ra đứng ngoài đường” để cảm nhận và hứng trọn luồng gió quê “thổi những bông mía trắng bên sông”; đó là hương lúa quyện vào mùi tóc, là “bầy chim sẻ đậu trước sân nhà” trong ánh nhìn ngấp nghé, thơ ngây của những đứa trẻ. Tất cả, đã vẽ lên một bức họa đồng quê tuyệt diệu, một bức họa có tĩnh có động, có hình ảnh đường nét, có cảm xúc trong trẻo, nơi ấy tuổi thơ con người được hả hê, hồn nhiên ngụp lặn trong niềm “sống, ăn”“thở” như mọi lẽ bình thường. Không gian ấy đủ để thanh tẩy, làm phong phú, thanh thỏa và dịu êm cho tâm hồn con người. Và “Tôi yêu đất nước này như thế”, yêu những điều giản dị và bình an, yêu những điều thiêng liêng và cao quý. Nếu Tế Hanh vắt trong ngần ngận, rượi mát trong những vần thơ: “Tâm hồn tôi là những buổi trưa hè. Tỏa nắng xuống lòng sông lấp loáng” (Nhớ con sông quê hương); nếu Giang Nam bắt đầu tình yêu bằng “Thuở còn thơ ngày hai buổi đến trường. Yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ” (Quê hương) thì Trần Vàng Sao lại được sống thao thức trong mỗi buổi mai đầy chim sẻ, đầy gió mát và trong, đầy “cỏ may và muộng chuộng”. Thiên nhiên đất nước bình dị hiền hậu là nơi chốn nâng đỡ, chắp cánh cho những yêu thương mộng mơ của tuổi nhỏ, chắp cánh cho ước mơ khát vọng vươn xa….
Đến khổ 4 hình tượng mẹ hiện ra trong bao nỗi nhọc nhằn cùng đất nước. Hoàn cảnh riêng hòa vào hoàn cảnh chung của dân tộc trong những năm đánh Mĩ ác liệt. Ngoài năm mươi, mẹ đã sống mười mấy năm trong cảnh “chồng chết”, lúc con mới “i tờ”. Những trang tự ức chợt chầm chậm hiện về như những thước phim ghi lại cuộc đời “tảo tần, thức khuya dậy sớm, nước sông gạo chợ” của mẹ, những hình ảnh cuộc đời được tác giả tận dụng tối đa để phác họa, tô đậm tính chân thực, khiến người đọc nao nao lòng trắc ẩn. Ai đã từng trải qua cảnh mẹ góa, con côi hỏi không đau, không xót cảnh “nhất tội nhì nợ” của hai mẹ con: “Nhà hai buổi nhà không khi nào vắng người đòi nợ”. Chỉ là câu kể thôi, mà sao lê thê nỗi buồn tủi, xoáy vào tâm can người đọc. Căn nhà, nơi ấp ủ tình thương, thời gian là thứ giúp làm dịu đi những vết thương lòng, sao cả thời gian và không gian ấy lại ám ảnh, bủa vây bằng tiếng “người đòi nợ”. Tuổi thơ của mỗi người là khúc đoạn mà ở đó thường găm trong đó những ấn tượng khó quên, nhất là ở vào những hoàn cảnh éo le, đáng thương. Tuổi thơ của Bằng Việt là những năm tháng “đói mòn đói mỏi, bố đi đánh xe khô rạc ngựa gầy”, “năm giặc đốt làng cháy tàn cháy rụi” (Bếp lửa); của bé Thu trong Chiếc lược ngà của Nguyễn Quang Sáng là tình yêu thương ba trong niềm đau thương, mất mát, éo le của chiến tranh. Kì lạ thay, mỗi đau thương của số phận con người lại được chiu chắt, gom nhặt để dệt thêu nên hình tượng đất nước, chính bởi thế mà nhà thơ Thanh Hải đã khái quát hóa rất sâu sắc: “Đất nước bốn ngàn năm. Vất vả và gian lao”. Nhà thơ Trần Vàng Sao đau đớn, thấm thía cái “nghiến răng, ít khi cười, một mình ngồi hay khóc, thở dài thương con không nói ra” của mẹ mình. Đó là cái “Hẩm hiu côi cút” của con so với chúng bạn, còn nỗi đau đớn nào lớn hơn khi nó lại được diễn tả bằng một kết hợp từ đảo ngữ “hẩm hiu” với “côi cút”, gợi cảm giác mong manh, tô đậm ấn tượng cảm thương cho số phận thua thiệt, kém may mắn của con người…
Đầu bài thơ, tác giả viết “Tôi yêu đất nước này như thế”, bởi nó tươi đẹp trong sáng vô ngần, và rồi phút giây ấy qua nhanh, tác giả phải sống trong cảnh đơn côi, tình yêu ấy bỗng nhiên kết tụ, chuyển sang thành nỗi “xót xa”, niềm “cay đắng”: “Tôi yêu đất nước này xót xa”;
 “Tôi yêu đất nước này cay đắng”;
 “Tôi yêu đất nước này khôn nguôi”;
 “Tôi yêu đất nước này những buổi mai”;
 “Tôi yêu đất nước này áo rách”;
 “Tôi yêu đất nước này như thế”;
 “Tôi yêu đất nước này và tôi yêu em”;
 “Tôi yêu đất nước này rau cháo”;
 “Tôi yêu đất nước này lầm than”;
 “Tôi yêu đất nước này chân thật”.
 Tình thực, tôi chưa thấy có nhà thơ nào lại da diết, thiết tha nhắc đi nhắc lại mười một lần tình yêu thiêng liêng vĩnh hằng của mình dành cho đất nước bằng một cảm xúc tuôn trào như thác đổ và vô vàn những cung bậc như thế. Cứ mỗi câu thơ đầu của mỗi khổ lại mở ra một khúc đoạn, một không gian nghệ thuật của những khoảnh khắc gian khổ, nỗi niềm đau đáu về đất nước, về mẹ; khi tỉ mỉ đi vào từng chi tiết, hình ảnh rất cụ thể, giản dị mộc mạc, khi có sức khái quát hóa cao độ mang đậm tính sử thi, đầy hào sảng về đất nước, dân tộc theo chiều dài lịch sử dựng nước và cứu nước.
Hình ảnh người mẹ cứ hiện dần, hiện dần trong dòng kể đầy xót xa. Thương con, mẹ mười mấy năm ở vậy nuôi con trong khó khăn, tủi nhục:
“Những đứa nhà giàu hàng ngày chửi bới
 Chúng cho mẹ con tôi áo quần tiền bạc như cho một đứa hủi
 Ngày kị cha, họ hàng không ai tới”.
 Đó là sự thật, sự thật ấy hiện lên như một bản cáo trạng đanh thép cho sự bạc bẽo của tình đời, tình người trước cảnh mẹ góa con côi. Mẹ chịu đựng trong niềm tủi nhục, uất nghẹn để nuôi con, cầu mong con “nên người, cất mặt với đời”. Người con sau này, trong “Những đêm dài thắp đuốc đi đêm” vẫn thấy “Dĩ vãng đè trên lưng thấm nặng”.
Tình yêu đất nước và tình yêu mẹ luôn gắn bó chặt chẽ, luôn được đặt trong mối tương quan đầy lao khổ, mẹ quên cả bản thân mình bởi những khó khăn chất chồng:
“Tôi yêu đất nước này khôn nguôi
 Tôi yêu mẹ tôi áo rách
 Chẳng khi nào nhớ tuổi mình bao nhiêu”.
Những câu hỏi cứ vang lên thảng thốt, cầu khẩn, van vỉ chứa chan:
“Đá đất cỏ cây ơi
 Mười ba năm có héo mòn
 Đá đất cỏ cây ơi
 Lòng vẫn thương mẹ, nhớ cha
 Ăn quán nằm cầu
 Hai hàng nước mắt chảy ra…”
Tình yêu đất nước hiện hình trong nó là bao gian khó, đói nghèo mà vẫn đặn đầy tình thương cây nhớ cội; vẫn lạc quan hi vọng, trông ngóng, đợi chờ về một ngày mai tươi sáng hơn:
“Tôi yêu đất nước này áo rách
Căn nhà dột phên không ngăn nổi gió
Vẫn yêu nhau trong từng hơi thở
Lòng vẫn thương cây nhớ cội hoài
Thắp đèn đêm ngồi đợi mặt trời mai”.
Xuyên suốt cả bài thơ là giọng giãi bày, tâm tình chia sẻ, nó tựa như một nhắc nhở thấm thía, một sự tổng kết từ quá khứ với những đau thương phận người, với những ẩn ức khôn nguôi nhức nhối, với những tấm tình ám ảnh, những tình yêu đằm sâu thăm thẳm chảy cuộn về hiện tại với những chiêm nghiệm ước ao, những khát vọng về một đất nước ngày mai, dẫu còn chua xót, vẫn trông ngày được thấy hòa bình, thống nhất, Bắc Nam sum họp, anh em một nhà, cho không còn những cách ngăn…
Yêu nhau là hòa hợp, không còn để những cách ngăn…Yêu nước với nhà thơ phải là thương nước, đau cho nỗi đau chung của đất nước. Bởi vậy, tình yêu đất nước luôn chan hòa, xoắn xuýt, hòa quyện, bện chặt vào nhau trong niềm vui rộng mở của tình yêu mẹ, yêu em, yêu nụ hôn ngọt (thứ tưởng chẳng dễ gì có được trong những năm tháng chiến tranh đâu), và hơn hết là yêu mình “biết làm người”, biết lẽ sống cao đẹp, đó cũng là giá trị thánh thiện, phổ quát nhất của con người:
“Đất nước này còn chua xót
Nên trông ngày thống nhất
Cho bên kia không gọi bên này là người miền Nam
Cho bên này không gọi bên kia là người miền Bắc
Lòng vui hôm nay không thấy chật
Tôi yêu đất nước này chân thật
Như yêu căn nhà nhỏ có mẹ của tôi
Như yêu em nụ hôn ngọt trên môi
Và yêu tôi đã biết làm người
Cứ trông đất nước mình thống nhất”.
 Đọc xong bài thơ, cấu trúc, tứ thơ, ảnh thơ cứ mãi vang ngân, trằn trọc, day dứt, lẩn khuất, chìm vào trong những dòng tâm tư suy cảm và hoài niệm. Những hình ảnh mẹ, quê hương, ngôi nhà, dòng sông, trẻ thơ…sẽ mãi là ngọn nguồn chân cảm tỏa sáng cho một tình yêu thiêng liêng, bất biệt: TÌNH YÊU ĐẤT NƯỚC VÔ BỜ! Thật chí lý khi nhà thơ Hồ Thế Hà kết luận, mỗi tác phẩm của Trần Vàng Sao để lại dấu ấn thi pháp độc đáo, đặc biệt ở việc xây dựng tứ thơ và kiến trúc bài thơ, ở hình ảnh và sức liên tưởng bất ngờ. Thơ viết từ nỗi đau chân thật, thành kính bao giờ cũng lay động và có sức sống riêng của nó, có lẽ thế mà chúng tôi tin rằng, bài thơ sẽ mãi là niềm an ủi, nâng đỡ ta trên mỗi bước đường đi của đất nước, nhất ở những thời đoạn cam go, thử thách…/.
Nhân Tiến, mùa dịch Covid-19, đêm 16/3/2020.


Nhà giáo Nguyễn Văn Nhượng

Nhân Tiến, giữa mùa dịch Covid, 3h đêm, 16/3/2020.

Nhà giáo Nguyễn Văn Nhượng 

Bài Liên Quan

Tin Mới 6260005088110636481

Đăng nhận xét

emo-but-icon

Chuyển ngôn ngữ

Subscriber Youtube

Tin Fanpage

Bài đăng và Bình luận

Nóng

Bài Mới

Bình Luận

Visitors

Flag Counter
item