Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: 'Phải tới hội sách như tới tham dự một lễ hội'

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nói ông chưa thấy người Việt Nam tới hội sách mà hân hoan như tới lễ hội, chuẩn bị như đi xem hội. Trong khu...

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nói ông chưa thấy người Việt Nam tới hội sách mà hân hoan như tới lễ hội, chuẩn bị như đi xem hội.

Trong khuôn khổ Hội sách trực tuyến quốc gia 2020 diễn ra tại book365.vn, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã có buổi gia lưu với độc giả với chủ đề: “Hội chợ sách La Habana và câu chuyện văn hoá đọc Cuba anh hùng”. 

- Có điều kiện đi hơn 50 nước trên thế giới dự các cuộc giao lưu, hội sách, tại sao ông lại chọn câu chuyện văn hoá đọc Cuba để nói trong buổi giao lưu này?

Từng có thời gian học tập tại Cuba cách đây hơn 30 năm và bằng đó quãng thời gian tôi mới có cơ hội trở lại Cuba trong hội sách mà Việt Nam là khách mời danh dự. Tôi chọn nói về Cuba bởi hòn đảo đó họ dù bị cấm vận nửa thế kỷ nay, đời sống vô cùng khó khăn và thời điểm này là thời điểm khó khăn nhất của Cuba thế nhưng họ vẫn tiếp tục và tiến hành những ngày hội sách.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều. 


Đến hội sách đó bạn sẽ thấy được sự khổng lồ, sự sâu sắc và nó là một lễ hội văn hóa thực sự. Có hàng vạn người Cuba đến đó để tham dự với những khuôn mặt từ người trẻ tới người già ở các quầy sách đều rất hân hoan để chọn sách cho mình. Tôi thấy được rằng trong bất cứ hoàn cảnh nào, bất cứ điều kiện nào càng khó khăn thì sách lại càng cần thiết với đời sống con người. Làng Chùa quê tôi – làng thơ nổi tiếng của Việt Nam có một câu thơ câu rằng: “Không có ăn thì không biết đi. Không có chữ thì không nhìn thấy đường”. Nói vậy để thấy được tầm quan trọng của việc nhận thức ra sách có vai trò như thế nào trong đời sống. Và tôi chọn Cuba vì lẽ đó.

- Có sự khác biệt nào trong văn hoá đọc cũng như việc tổ chức các hội sách của Cuba và Việt Nam, thưa ông?

Theo tôi, cách tổ chức các hội sách trên toàn thế giới đều khá giống nhau. Ở đó là các nhà xuất bản, các công ty sách, các quốc gia họ đến gặp nhau giới thiệu cuốn sách của họ, giao lưu ký bản quyền và nhiều điều khác nữa.

Điều khác biệt duy nhất, lớn nhất mà tôi thấy được là, tôi chưa thấy người Việt Nam chuẩn bị tới ngày hội sách như chuẩn bị tới một lễ hội hay một nghi lễ nào đó. Ở Cuba tôi đã gặp một gia đình, họ ngồi uống cà phê ở căng tin hội sách. Họ chia sẻ rằng họ đã phải đi một ngày để tới hội sách. Họ tới đó để mua sách cho cả gia đình dùng trong một năm. Họ nói rằng, họ thường xuyên thiếu thốn thực phẩm lương thực nhưng sách thì không thể thiếu. Ý thức về sách, coi sách như là di sản lớn nhất của nhân loại hình như Cuba lúc này đánh giá sách, nhìn sách, thấu hiểu sách đang tốt hơn Việt Nam.



Ở góc nhìn của tôi, tôi nghĩ rằng chúng ta đang sống ở trong một đời sống vượt bậc quá nhiều, gấp hàng trăm hàng ngàn lần so với thời bao cấp, thời chiến tranh, chúng ta ngồi bất cứ đâu bật điện thoại là có thể tiếp cận được thế giới. Chính điều đó đã làm chúng ta lãng quên đi rất nhiều thứ, trong đó có sách. Nhưng những người phát triển công nghệ cho chúng ta sử dụng như Mỹ, Nhật họ vẫn coi trọng sách. Lúc đầu khi công nghệ phát triển, nhiều nhà văn nói với tôi rằng họ lo ngại sách sẽ bị lãng quên nhưng tôi bảo không, chắc chắc nó sẽ tồn tại mãi mãi. Cho nên, chừng nào coi trọng sách, coi nó như là một ngày hội thì chúng ta sẽ tổ chức nó như một ngày hội thực sự.

- Điều gì ở Cuba để lại ấn tượng mạnh mẽ trong ông?


Tôi có thể nói Cuba như một quê hương thứ 2. Những năm tháng tuổi trẻ của tôi ở đó. Tôi đi được 7 tháng thì con trai đầu lòng của tôi ra đời, khi về con tôi gọi bằng chú vì sự xa cách. 10 ngày quay trở lại Cuba với các hoạt động chung, tôi có đi lang thang gặp lại những người bạn cũ... tôi nhận ra một điều, tôi muốn nói một điều mà người Việt Nam không nên tự ái, rằng chúng ta đã đi qua những năm tháng chiến tranh và thời gian đó việc đọc sách vô cùng thiêng liêng.

Những chiến sĩ ra trận ngoài ba lô, súng đạn, lương thực thường có một cuốn sách bên mình, thậm chí là sách phát hành từ chính kẻ thù đã được dịch. Phải nói rằng lúc đó văn hoá đọc và khát vọng sách của chúng ta có thể ngang bằng tất dân tộc khác. Vậy mà khi chiến tranh kết thúc, kinh tế mở cửa chúng ta đã đi qua vẻ đẹp văn hoá để bước vào cuộc sống mà đôi khi chúng ta không xác định được chúng ta là ai. 

Tôi có thể nói rằng, nếu Cuba bỏ cấm vận, 10 năm sau kinh tế Cuba bằng Việt Nam và 15 năm sau họ có thể vượt Việt Nam bởi họ có một nền tảng tuyệt vời. Chúng ta phải học Cuba về thái độ văn hoá, đời sống văn hoá và ý thức trong đời sống văn hoá.

Chúng ta phải phát triển kinh tế nhưng không thể quên văn hoá. Trong một cuốn sách tôi đã viết, những bà mẹ Việt Nam làm ra một thực đơn chuẩn xác để phát triển thể chất con của mình chuẩn như một nhà dinh dưỡng học nhưng họ lại ít để ý hoặc không biết làm ra một thực đơn cho tâm hồn đứa trẻ. Chúng lớn lên có thể cao 1m80 thân hình 6 múi nhưng vô cảm với ông bà cha mẹ, ích kỷ và bất hiếu thì cũng không có ý nghĩa gì nhiều.
Tập thơ mới của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều.


- Làm thế nào để có thể đẩy mạnh văn hoá đọc cho bạn trẻ ở Việt Nam thưa ông?

Tôi đã từng đến Nhật, Mỹ, Pháp... nơi mà chúng ta hay gọi là chủ nghĩa thực dụng thì trong tay, trong túi xách của họ đều có một cuốn sách. Muốn đẩy mạnh văn hoá đọc, không phải ông nhà văn viết ra sách là có thể truyền tải được hết, phải cùng chung tay của cả một hệ thống từ chính phủ cho tới nhà trường, gia đình, cơ quan....

Nếu bạn sống trong môi trường toàn tiếng Việt Nam, bạn sẽ nói tiếng Việt. Nếu bạn sống trong môi trường nói toàn tiếng Pháp, tất nhiên bạn cũng nói tiếng đó. Nói thế để thấy rằng, một đứa trẻ lớn lên trong một cộng đồng chia sẻ, có ý tưởng khát vọng sống, nó sẽ thế. Tất nhiên có trường hợp hi hữu. Câu hỏi này là một thách thức mà tất cả cộng đồng cùng phải chịu trách nhiệm.

Tình Lê- Vietnamnet (lược ghi)

Bài Liên Quan

Tin Mới 6359946819256012517

Đăng nhận xét

emo-but-icon

Chuyển ngôn ngữ

Subscriber Youtube

Tin Fanpage

Bài đăng và Bình luận

Nóng

Bài Mới

Bình Luận

Visitors

Flag Counter
item