Nhà báo – soạn giả Mai Văn Lạng: Nặng lòng con chữ, đắm chìm dân ca

Trần Hòa - 19/06/2020, 13:02 GMT+7 | Văn hóa GD&TĐ - Nhà báo - soạn giả Mai Văn Lạng, Trưởng phòng Dân ca và Nhạc cổ truyền - Ban Âm nhạ...

Trần Hòa - 19/06/2020, 13:02 GMT+7 | Văn hóa
GD&TĐ - Nhà báo - soạn giả Mai Văn Lạng, Trưởng phòng Dân ca và Nhạc cổ truyền - Ban Âm nhạc - Đài Tiếng nói Việt Nam (TNVN) nổi tiếng trong giới văn nghệ sĩ và báo chí bởi tình yêu mà anh dành cho dân ca Việt.


Với vai trò là một soạn giả âm nhạc, nhà báo Mai Văn Lạng đã giúp cho nhiều nghệ sĩ thành công trong sự nghiệp nghệ thuật.


Nghề báo hay nghề soạn giả đều yêu cầu anh phải đi nhiều và gặp gỡ với nhiều nghệ sĩ ở khắp các vùng dân ca. Những trải nghiệm trong suốt gần 30 năm làm nghề đã hình thành một con người mà từng lời ca, con chữ luôn thấm đẫm tình yêu quê hương đất nước.

Lớn lên trong những làn điệu cổ


Sinh ra ở mảnh đất Thanh Oai (Hà Nội) nhưng từ nhỏ cậu bé Mai Văn Lạng sống với bà ngoại ở Vĩnh Bảo (Hải Phòng). Thường xuyên được bà hát cho nghe những làn điệu như trống quân, cò lả, chèo, cải lương, xẩm… đã khiến cậu bé mê mẩn những làn điệu dân ca cổ truyền.

Từ mê mẩn đã khiến cậu bé Lạng luôn mơ mộng sẽ làm nghệ sĩ, diễn viên. Tuy nhiên tự biết mình không có năng khiếu ca hát, nên cậu bé đã học cách viết rồi sáng tác chèo, dân ca, tiểu phẩm cho nhà trường và làm đạo diễn chỉ huy các bạn biểu diễn.

"Sau này tôi thi đỗ vào Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh, ngành Biên kịch kịch nói. Nhưng vì yêu và say mê dân ca nên tôi đã học thêm chèo, cải lương từ các diễn viên và thầy cô trong trường. Năm 1992, tôi gửi tác phẩm của mình về Phòng Dân ca Đài TNVN, được nhận thu thanh phát sóng. Năm 1996, tôi ra trường và về công tác tại đây, gắn bó với chương trình dân ca và nhạc cổ truyền cho đến bây giờ", nhà báo Mai Văn Lạng chia sẻ.

Công tác tại Đài TNVN trong vai trò vừa là nhà báo, vừa là soạn giả nên khối lượng công việc của anh như gấp đôi. Tuy vậy, bạn bè đồng nghiệp nói rằng, chưa bao giờ thấy anh than phiền vất vả. Với anh, công việc là trên hết và sự dấn thân với nghề không chỉ là bổn phận, trách nhiệm mà còn là tình yêu.

Chính tình yêu với nghề báo đã giúp anh làm tốt hơn vai trò của một soạn giả. Và với vai trò của một soạn giả đã giúp sự nghiệp làm báo của anh thuận lợi, chuyên biệt hơn. Khán thính giả luôn được đắm chìm trong những làn điệu dân ca cổ truyền mượt mà, rung động. Gần 30 năm bươn chải với nghề, hiện là Trưởng phòng Dân ca hệ Âm nhạc – Thông tin – Giải trí VOV3 Đài TNVN, chừng đó đủ để cái tên Mai Văn Lạng được đông đảo khán thính giả yêu quý, mến mộ.

Đồng nghiệp làm báo và bạn bè văn nghệ sĩ nói rằng, Mai Văn Lạng không chỉ là một soạn giả, mà còn là một học giả của lĩnh vực dân ca. Vốn hiểu biết sâu rộng của anh đã giúp cho nhiều nghệ sĩ thành công hơn trong sự nghiệp nghệ thuật. Anh chân thành góp ý, chỉnh sửa, thẩm định các tiết mục trước khi đưa lên làn sóng của đài.

"Những làn điệu dân ca cổ vốn xuất phát từ trong dân gian, được lưu truyền qua đời này đời khác đã trở nên lung linh, ngời sáng như những viên ngọc. Lời mới cho dân ca ngoài việc phải có ý mới, tứ lạ thì vần và lời ca cũng phải trau chuốt mới dễ đi vào lòng người nghe hôm nay. Câu chuyện soạn lời mới cho dân ca cũng gần như tình trạng thơ lục bát, dễ viết. Ai thuộc làn điệu cũng có thể "phịa" lời thay được, nhưng "phịa" cho đắt, cho hay thì không dễ", soạn giả Mai Văn Lạng chia sẻ.

Đi đầu chống dịch bằng dân ca

Dường như với soạn giả Mai Văn Lạng, thơ chính là người bạn tri kỉ và cũng là cảm hứng để những làn điệu mới, khúc hát mới được chắp lời ngọt ngào, tha thiết hơn. Có lẽ được lớn lên từ những câu hát của bà, nên những cây đa – bến nước – sân đình đến con đò – cánh diều trong những làn điệu dân ca cũng rất thật và rất quê.

"Vẫn là quê đấy quê ơi/mà sao tha thiết bồi hồi xốn xang" - Hai câu thơ được trích trong bài "Đi giữa rừng ngô", tác phẩm đầu tiên anh viết lời cho làn điệu chèo khi mới 19 tuổi được Nghệ sĩ Nhân dân Hồng Ngát thể hiện. Chỉ hai câu thơ chuyển tải một cách nhẹ nhàng tình yêu quê, nhưng đã thể hiện ăm ắp tài năng chữ nghĩa của chàng trai trẻ tuổi.

Là một nhà báo, chuyển tải thông điệp bằng âm nhạc nên trong thời điểm cả nước chung tay chống dịch Covid-19, nhà báo Mai Văn Lạng đã có cách tác nghiệp độc đáo. "Từ câu nói của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc "Chống dịch như chống giặc", tôi đã viết bài hát chèo "Bài ca chống giặc - dịch en covy". Chỉ 2 ngày sau, hầu hết các bạn yêu chèo trong cả nước đã tập hát, khớp nhạc, làm karaoke và hát", nhà báo Mai Văn Lạng cho biết.

Từ bài hát ấy, bé Lê Vinh, 11 tuổi, con nghệ sĩ Lê Anh Khoa - Nhà hát Chèo Thái Bình đã hát livestream. Sau 3 ngày đưa lên mạng xã hội, clip đã có 17.000 lượt chia sẻ và gần 1 triệu view. Sau đó, anh Mai Văn Lạng liên tục viết các tiết mục thuộc nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống khác. Theo phong trào ấy, nhiều tác giả, nghệ sĩ trong cả nước cũng bắt đầu viết, thu thanh, và hát dân ca chèo chống dịch Covid-19.

Đa phần các nghệ sĩ đều nhờ anh Lạng sửa lời ca, nghe thẩm định và đăng tải tiết mục của họ trên các trang mạng xã hội. Hiện nay đã có hàng chục bài ca bao gồm nhiều thể loại như chèo, cải lương, xẩm, chầu văn, ca Huế, hát Then... được công bố và nhận được phản hồi rất tích cực từ phía khán giả.

Là một nhà báo kiêm soạn giả nên bút lực Mai Văn Lạng cũng khiến không chỉ bạn đọc mà cả đồng nghiệp rất bất ngờ. Những chuyến đi xa, những bài viết ngồn ngộn chữ nghĩa của anh luôn được bạn đọc nhiệt tình đón nhận. Anh là một trong 10 cây bút VOV (2016); Gương mặt duy nhất của Đài TNVN dự Hội nghị điển hình tiên tiến toàn quốc do Ban thi đua khen thưởng Nhà nước vinh danh (2017).


“Nghề báo hay nghề soạn giả thì cũng phải đi. Đi thật nhiều. Nhà báo phản ánh đời sống bằng con mắt trực quan. Soạn giả viết về cuộc sống bằng cách nghệ thuật hóa. Hai nghề tuy khác mà rất giống nhau. Và thật “không may” là tôi yêu cả hai nghề ấy”. - Nhà báo – soạn giả Mai Văn Lạng tâm sự

Nguồn: 

Bài Liên Quan

Tin Mới 8707180913139993026

Đăng nhận xét

emo-but-icon

Chuyển ngôn ngữ

Subscriber Youtube

Tin Fanpage

Bài đăng và Bình luận

Nóng

Bài Mới

Bình Luận

Visitors

Flag Counter
item