Nghệ sĩ Nhân dân Hồng Ngát: Nghệ thuật với tôi là khổ luyện
(HNMCT) - “Giọng ca vàng của làng chèo” hay “người sinh ra để dành cho chèo” là cách mà công chúng yêu chèo gọi Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Hồ...
https://www.maivanlang.com/2020/09/nghe-si-nhan-dan-hong-ngat-nghe-thuat.html
(HNMCT) - “Giọng ca vàng của làng chèo” hay “người sinh ra để dành cho chèo” là cách mà công chúng yêu chèo gọi Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Hồng Ngát.
Tên tuổi của chị đã theo những làn điệu dân ca trên cánh sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam đến với người nghe ở mọi miền Tổ quốc. Mới đây, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn NSND Hồng Ngát về quan điểm làm nghề, trách nhiệm bảo tồn giá trị nghệ thuật truyền thống.
- Thưa NSND Hồng Ngát, người yêu chèo rất hâm mộ giọng ca của chị trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam. Nhưng nhiều người cảm thấy thật bất ngờ khi biết chị đến từ vùng quê Bắc Giang, trong một gia đình không có truyền thống nghệ thuật, bởi họ luôn nghĩ rằng chị sinh ra để dành cho chèo và chắc hẳn phải được nuôi dưỡng trong chiếc nôi của chèo thì mới có được giọng ca đẹp tự nhiên như thế!
- Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông nhưng ngay từ ngày đi học phổ thông đã rất thích hát các làn điệu dân ca. Tôi rất thích nghe chương trình hát chèo vào buổi trưa của Đài Tiếng nói Việt Nam và tập hát theo. Lúc đó tôi đã mơ có thể hát được như thế. Là mơ mộng viển vông kiểu trẻ con vậy thôi, không ngờ thành sự thật. Tốt nghiệp cấp 3, cũng là lúc tôi gặp các cô chú Đoàn chèo Hà Bắc đi tuyển diễn viên cho Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh. Tôi trở thành sinh viên khóa đầu tiên của Đại học Sân khấu - Điện ảnh, lớp Diễn viên chèo, khoa Kịch hát dân tộc. Sau 6 năm học trong trường, tôi đầu quân cho Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam. Nghệ thuật chèo đã đi với tôi gần 40 năm và đó là quá trình mà tôi phải học hỏi rất nhiều, tự học, học thầy cô, học người đi trước, học đồng nghiệp và khổ luyện.
- Có lẽ cũng là may mắn khi chị bắt đầu hoạt động nghệ thuật trong giai đoạn mà chèo nói riêng và nghệ thuật truyền thống nói chung rất được yêu mến. Bạn học cùng lứa với chị cũng là những nghệ sĩ rất nổi danh của nghệ thuật chèo...
- Cùng lứa với tôi có nhiều nghệ sĩ thành danh như Xuân Hinh, Xuân Quyết, Quốc Trượng, Duy Từ... Nhớ hồi sinh viên, tôi cùng với nghệ sĩ Xuân Hinh, Xuân Quyết... đã đi biểu diễn ở nhiều nơi, giao lưu khắp các tỉnh phía Bắc. Chúng tôi thường hát các bài dân ca, đặc biệt là quan họ, bởi chỉ cần một cây đàn organ thôi là có thể đi giao lưu nhiều nơi, trong khi hát chèo thì phải có cả dàn nhạc, tổ chức biểu diễn rất lích kích. Chính nghệ sĩ Xuân Hinh, Duy Từ đã dạy tôi hát quan họ. Nhưng chúng tôi vẫn yêu và dành tâm huyết nhiều nhất cho nghệ thuật chèo. Chúng tôi may mắn được học những người thầy rất giỏi như cụ Dịu Hương, Xuân Mai, Lệ Hiền, Bùi Trọng Đang, Thanh Tuyết..., và cũng được khán giả yêu mến.
- Là một nghệ sĩ có cả thanh và sắc, vì sao chị lại chọn đứng sau cánh sóng phát thanh, hát trước máy thu mà không phải là trên sân khấu?
- Người nghệ sĩ nào cũng mong được biểu diễn trên sân khấu, được nhìn trực tiếp khán giả, điều đó như một chất xúc tác giúp mình thăng hoa. Còn trong phòng thu chỉ có mình đối diện với cái micro. Tôi phải tự tạo hưng phấn, tưởng tượng ra hàng triệu khán thính giả đang nghe mình. Lúc đầu mới về Đài, đứng trong phòng thu tôi run lắm vì chịu áp lực; thu xong, nghe tiếng hát vẫn thấy có chút run run trong đó. Sau này, mỗi khi hát, tôi đều tưởng tượng như đang biểu diễn cho nhiều khán thính giả xem. Nhờ thế mà cảm xúc nhuần nhị hơn, hát hay hơn.
Tuy không được lên sân khấu nhưng tiếng hát của mình qua cánh sóng lại đến được với đông đảo công chúng trong cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài... Ngoài thu thanh, tôi cũng tham gia rất nhiều buổi biểu diễn phục vụ nhiệm vụ chính trị ở các tỉnh biên giới, khu vực Tây Nguyên, hải đảo... Bên cạnh đó, tôi vẫn có cơ hội để công chúng biết tới mình khi tham gia các chương trình dân ca của Đài Truyền hình Việt Nam cũng như đài phát thanh - truyền hình các tỉnh, thành phố. Tôi cũng nhận được nhiều ý kiến phản hồi, sự động viên khích lệ từ thính giả và đó là động lực giúp mình ngày càng gắn bó, yêu công việc mà mình đã lựa chọn. Thực sự là Hồng Ngát thấy sự lựa chọn của mình chưa bao giờ sai.
- Ngoài yếu tố tinh thần thì điều khó nhất khi biểu diễn cho khán giả phát thanh là gì, thưa chị?
- Mặc dù được đào tạo diễn viên nhưng khi về Đài Tiếng nói Việt Nam, cơ hội để lên sân khấu với vai diễn, vở diễn của tôi không có nhiều nữa, vì ở Đài chủ yếu là thu thanh, phát sóng các làn điệu dân ca, cùng lắm là ca cảnh dài 15 - 17 phút. Tất cả những gì chúng tôi có thể tác động đến người nghe là qua giọng ca. Có bột mới gột nên hồ, muốn công chúng nhớ đến thì nghệ sĩ phải có giọng hát riêng để tạo thương hiệu. Bên cạnh đó, nghệ sĩ ở Đài thường xuyên phải tiếp xúc với những làn điệu dân ca lời mới, điều đó đòi hỏi chúng tôi phải biết lồng điệu cho phù hợp nội dung lời thơ mà vẫn bám chắc làn điệu truyền thống. Tôi rất may mắn được cố nhà giáo NSND Hoàng Kiều truyền dạy rất tỉ mỉ về kỹ thuật lồng điệu.
- Chị có thể chia sẻ đôi chút về công việc hiện tại?
- Ngoài làm diễn viên thì hơn 10 năm qua tôi được giao nhiệm vụ Phó Giám đốc Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam. Nhiệm vụ chính của chúng tôi là thu thanh các làn điệu dân ca của mọi miền Tổ quốc, thu các bài lời mới, bảo tồn nhạc cổ, lời cổ và các làn điệu không lời sáng tác cho dàn nhạc dân tộc... Ở vị trí này, mình không chỉ làm những gì mình thích, mà phải chịu trách nhiệm về chất lượng của tất cả các tiết mục được lên sóng, nên tôi vẫn phải học hỏi rất nhiều, đặc biệt là học hỏi từ đồng nghiệp. Chúng tôi luôn phấn đấu, nỗ lực để Nhà hát trở thành một đơn vị đi đầu, đóng góp nhiều hơn vào việc bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống của dân tộc, mang đến sự động viên, chia sẻ bằng nghệ thuật cho tất cả bạn nghe đài.
- Chân thành cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!
Lý Lan ( báo Hà Nội mới )