13 liệt sỹ ở Rào Trăng 3: Mệnh lệnh của trái tim

VOV.VN - Những người lính khi đồng bào cần, họ sẵn sàng lên đường, chấp nhận hiểm nguy ở phía trước, đó là Mệnh lệnh của trái tim. Vậy là 13...

VOV.VN - Những người lính khi đồng bào cần, họ sẵn sàng lên đường, chấp nhận hiểm nguy ở phía trước, đó là Mệnh lệnh của trái tim.


Vậy là 13 cán bộ, chiến sỹ trên đường đi làm nhiệm vụ cứu nạn công nhân gặp sự cố sạt lở tại công trình thủy điện Rào Trăng 3, xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế vào ngày 12/10 mãi mãi không về.



Tối 15/10, hàng triệu trái tim người Việt Nam quặn thắt khi thi thể các anh lần lượt được tìm thấy đưa về. Các anh ra đi để lại sự đau thương, mất mát cho bao gia đình, người thân. Những người lính khi đồng bào cần, họ sẵn sàng lên đường, chấp nhận hiểm nguy ở phía trước, đó là Mệnh lệnh của trái tim.
​Ông Nguyễn Văn Bình (không đội mũ), Chủ tịch UBND huyện Phong Điền cùng lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế đi kiểm tra phòng chống lụt bão dọc sông Bồ

Con đường về nhà ông Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế ở thị trấn Tứ Hạ, thị xã Hương Trà vẫn còn nhão nhoét bùn đất sau trận lũ lớn. Ngôi nhà nhỏ cấp 4 của gia đình ông hướng mặt ra dòng sông Bồ.

Ông Bình là một trong 13 người của Đoàn công tác đi cứu nạn vừa hy sinh tại Trạm Quản lý bảo vệ rừng Tiểu khu 67 thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Bồ. Nước lũ vẫn cuồn cuộn đỏ ngầu chưa rút hẳn. Dấu tích của cơn lũ lịch sử còn in vết trên mảng tường nhà ông. Từ đêm 15/10 đến nay, chính quyền địa phương, bà con hàng xóm, bạn bè thân hữu đến chia buồn ngày càng nhiều.

Bà Trương Thị Hằng, hàng xóm ở sát nhà của ông Bình kể, mọi người ngóng theo cuộc tìm kiếm mấy ngày qua luôn cầu mong cho ông Bình tai qua nạn khỏi. Nhưng rồi điều kỳ diệu không đến, ông đã vĩnh viễn ra đi.

Mới mấy ngày mưa lũ trước đó, ông Bình còn giúp người dân phòng chống lụt bão, tặng mì ăn liền, nước uống cho bà con vùng ngập lụt. Lúc ông Bình đi lên Rào Trăng 3 cứu nạn, căn nhà ông vẫn còn ngập trong nước lũ. Bà Hằng tiếc một vị cán bộ trẻ, xông xáo và gần gũi ấy nay đã bỏ dân mà đi xa lắm rồi.

“Không dám khóc vì sợ tội mấy đứa nhỏ. Giờ còn 2 đứa con dại, đứa lớp 8, đứa lớp 9, làm sao vợ anh Bình chống chèo gia đình sau này”, bà Hằng nói.
Trước lúc lên Rào Trăng, ông Nguyễn Văn Bình đã cùng ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đi chỉ đạo công tác ứng phó mưa lũ

Mấy hôm nay, bà Ni, vợ ông Nguyễn Văn Bình lên tận xã Phong Xuân ngóng chờ tin chồng. Chiều tối 15/10, khi thi thể chồng mình được tìm thấy, đưa về Bệnh viện Quân y 268, bà chạy theo chiếc xe cứu thương khóc ngất.

Tối 15/10, ông Nguyễn Tài Tuệ, Bí thư Thị ủy Hương Trà dẫn đầu Đoàn cán bộ lãnh đạo thị xã đến thăm gia đình bà. Ông Tuệ cũng là người bạn, người hàng xóm thân tình của chồng bà. Ông Bình mới được bầu làm Chủ tịch UBND huyện Phong Điền chưa lâu. Vị Chủ tịch huyện 42 tuổi này luôn năng động, nhiệt huyết được nhân dân yêu thương, lãnh đạo tỉnh tín nhiệm cao.

Ông Bình mất đi, để lại vợ và 2 đứa con đang tuổi ăn học. Bố ông Bình là cán bộ hưu trí, vừa mất cách đây vài năm, mẹ ông Bình cũng đau ốm thường xuyên. Khi ông Bình đi vào Rào Trăng 3 làm nhiệm vụ cứu nạn, mẹ ông đang nằm điều trị tại bệnh viện, mọi người giấu không cho bà biết con trai vừa mất.

“Cá nhân tôi, không chỉ đơn thuần là một người bạn, một người đồng chí mà anh Bình là một cán bộ trẻ năng động và được rất nhiều người dân rất là yêu quý. Cho nên mất mát này rất lớn. Cho đến bây giờ cứ ám ảnh và day dứt”, ông Nguyễn Tài Tuệ, Bí thư Thị ủy Hương Trà nhớ lại.

Rời nhà ông Nguyễn Văn Bình, cơn mưa bắt đầu nặng hạt, lòng chúng tôi nặng trĩu nỗi buồn. Chúng tôi tìm đến căn nhà 520 Chung cư Xuân Phú, thành phố Huế, nơi có tổ ấm của gia đình nhà báo Phạm Văn Hướng. Anh Hướng là Trưởng phòng Thông tin Tuyên truyền - Cổng Thông tin Điện tử tỉnh Thừa Thiên Huế có nhiệm vụ đi đưa tin về Đoàn công tác đi cứu nạn. Bản tin chưa kịp đưa lên cổng thông tin điện tử, anh Hướng đã mãi mãi ra đi.

Ngày tìm thấy thi thể anh Hướng lại trùng với ngày sinh của anh (15/10/1968). Trang facebook báo nhắc sinh nhật anh Hướng, bạn bè, người thân càng thêm xót xa. Một người em của anh Hướng đã viết status trên trang Facebook của mình như thế này: “72 giờ vàng đã qua, phép màu không hiện hữu. Sinh nhật lần này, anh trai mãi mãi ra đi để lại bao xót xa. Đau quá anh ơi, ra đi thanh thản anh nhé”.
Đoàn công tác đi cứu nạn trước khi tiếp cận hiện trường

Đọc những dòng chia sẻ này, không ai cầm được nước mắt. Con gái đầu của anh Phạm Văn Hướng đang là sinh viên năm thứ 4, là thành viên tích cực của Câu lạc bộ Ngọn lửa tuổi 20 luôn có mặt trong nhiều hoạt động ý nghĩa. Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã thành lập Quỹ để giúp cho 2 em học xong đại học, với tài khoàn ban đầu hơn 100 triệu đồng. Nhà báo Ngô Thùy Trang, đồng nghiệp của anh Hướng ở thành phố Huế rất buồn khi anh Hướng ra đi để lại 2 con gái bơ vơ.

“Tôi mong rằng, không những các đồng nghiệp của anh, các thành viên khác trong xã hội cũng chung tay hỗ trợ để hai con anh tiếp tục học và sau này khi trưởng thành sẽ có cuộc sống ổn định hơn”, nhà báo Ngô Thùy Trang chia sẻ.

13 cán bộ, sĩ quan, chiến sỹ đã hy sinh khi đi làm nhiệm vụ cứu nạn tại Thủy điện Rào Trăng 3 vào ngày 12/10. Trong số đó có 11 người là cán bộ, chiến sỹ Quân đội do Thiếu tướng Nguyễn Văn Man, Phó Tư lệnh Quân khu 4 dẫn đầu. Trước lúc lên đường tiếp cận Rào Trăng 3, các anh đã có những ngày dài dầm mình trong mưa lũ ở miền Trung cứu người. Hình ảnh ấy vẫn còn in đậm trong ký ức của người dân miền Trung.

Ông Đào Quang Chờ, ở vùng lũ ở tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, trong bão lũ, những người lính luôn trên mặt trận tuyến đầu để giúp dân vượt qua khó khăn. Khi nghe tin, 17 công nhân ở thủy điện Rào Trăng 3 gặp nguy hiểm, các anh lập tức lên đường với quyết tâm sớm tiếp cận hiện trường, kịp thời cứu người gặp nạn.

Bộ Quốc phòng, Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế vừa có văn bản đề nghị công nhận liệt sĩ cho 13 cán bộ, sĩ quan, chiến sĩ đã hy sinh khi thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn tại thủy điện Rào Trăng 3. Ông Đào Quang Chờ rưng rưng nhớ về những người lính vừa hy sinh khi thực hiện mệnh lệnh từ trái tim “vì nhân dân quên mình”.

“Đây là sứ mệnh và sự hy sinh này cũng như ra trận, họ biết có thể trở về và họ có thể không trở về. Một người lính là phải có kiên định như thế. Tất nhiên, đó là hy sinh vì nhân dân rồi, hy sinh vì đồng bào vì ruột thịt rồi, vừa nghĩa vụ vừa trách nhiệm. Đó là một nghĩa cử rất đáng trân trọng và rất đáng ghi nhớ”, ông Chờ xúc động nói./.

Đình Thiệu-Lê Hiếu/VOV-Miền Trung

Bài Liên Quan

Tin Mới 1572308986518495981

Đăng nhận xét

emo-but-icon

Chuyển ngôn ngữ

Subscriber Youtube

Tin Fanpage

Bài đăng và Bình luận

Nóng

Bài Mới

Bình Luận

Visitors

Flag Counter
item