Cập nhật mới nhất ở Nam Trà My: Hơn 30 người sống sót, còn 13 người mất tích
TTO CẬP NHẬT - Đến lúc này đã có hơn 30 người sống sót được tìm thấy. Vụ sạt lở đã san phẳng ngôi làng, nhiều người chết, bị thương và còn n...
https://www.maivanlang.com/2020/10/cap-nhat-moi-nhat-o-nam-tra-my-hon-30.html
TTO CẬP NHẬT - Đến lúc này đã có hơn 30 người sống sót được tìm thấy. Vụ sạt lở đã san phẳng ngôi làng, nhiều người chết, bị thương và còn nhiều người mất tích.
Mọi người đang tiếp tục tìm kiếm tại vị trí ngôi làng bị sạt lở - Ảnh: SƠN LÂM
Có rất đông người thân của các nạn nhân bị vui lấp, mất tích đến hiện trường. Việc tìm kiếm nạn nhân bị vùi lấp hết sức khẩn trương nhưng do điều kiện khó khăn nên chỉ thực hiện bằng những dụng cụ thô sơ như cuốc, xẻng…
18h, phóng viên Sơn Lâm của Tuổi Trẻ cho biết từ trưa đến chiều 29-10, anh gặp được nhiều người dân may mắn thoát được vụ sạt lở, trong đó có một gia đình có 5 người thoát. Người dân xung quanh cho biết từ hôm qua họ đã cứu được rất nhiều người, nên anh hi vọng số người thoát được sẽ nhiều hơn con số 33.
Ngoài ra còn có những gia đình, khi xảy ra sạt lở, mọi người tự chạy tán loạn, mãi đến chiều nay mới từ trên núi về...
Em Lê Hải Hoàng, học sinh lớp 5 Trường tiểu học Trà Leng, hôm qua tự chạy lên núi, 2h chiều nay 29-10 mới tìm đường về. Hai anh và một chị của em cũng tự về vào sáng cùng ngày - Ảnh: SƠN LÂM
Đi bộ mấy chục cây số cứu người29/10/2020 17:38 GMT+7
Hiện ở hiện trường, ngoài quân đội, có rất nhiều người Ka Dong, Xơ Đăng, Việt ở các làng lân cận từ những xã gần đó đều đổ về giúp tìm và cứu người dân bị nạn. Họ đi bộ 10-20 cây số đến cứu giúp người bị nạn từ hôm qua đến nay.
Thôn 1 xã Trà Leng nằm trên sườn đồi thuộc hữu ngạn sông Leng, có 13 nóc nhà gồm người Mơ Nông và người Việt sinh sống từ lâu đời. Để đến được làng, vốn dĩ phải qua con suối nhỏ mà người Mơ Nông gọi là P'bran.
Vào khoảng 14h ngày 28, sườn đồi hai bên con suối nhỏ P'bran sụp xuống, lũ ống kéo về khiến toàn bộ con suối nhỏ này biến thành một lòng vực rộng gần 2km, đổ ào ra sông Leng.
Nằm trên phần sườn đồi bị sụp và lũ kéo qua này, toàn bộ thôn 1 xã Trà Leng tan nát.
Từ Quốc lộ 40B, rẽ qua cầu Leng dài hơn cây số qua sông Leng sẽ đến cổng xã Trà Leng. Từ cổng này, đi thêm khoảng 6km nữa là đến khu vực xảy ra sự cố.
Mọi lực lượng đang tích cực tìm người mất tích dưới đống đất đá và những mảnh vụn của ngôi làng - Ảnh: SƠN LÂM
SƠN LÂM
Sẽ tiếp tục tìm kiếm dù trời tối29/10/2020 15:45 GMT+7
Thiếu tướng Nguyễn Đình Tiến - phó tư lệnh quân khu 5, dẫn đầu quân đoàn tiếp cận hiện trường vào lúc 15h30. Tiếp sau đó có Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ.
Trao đổi nhanh với phóng viên Tuổi Trẻ, cả hai vị đều cho biết sẽ cố gắng tìm kiếm các nạn nhân bất kể trời tối, bằng nhiều biện pháp thắp sáng như soi đèn, đốt lửa.
Thiếu tướng Nguyễn Đình Tiến - phó tư lệnh quân khu 5, và Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ cho biết sẽ cố gắng tìm kiếm cán nạn nhân bất kể trời tối, bằng nhiều biện pháp thắp sáng như soi đèn, đốt lửa - Ảnh: SƠN LÂM
"Cả ngôi làng bị san phẳng, chúng tôi không thấy gì hết"29/10/2020 14:46 GMT+7
Hồi 14h30 phút, qua điện thoại vệ tinh, phóng viên Ngọc Hiển của báo Tuổi Trẻ cho biết đang tiến rất gần điểm xảy ra sạt lở tại xã Trà Leng (Nam Trà My, Quảng Nam) khiến hơn 50 người bị vùi lấp.
Phóng viên Ngọc Hiển cho biết đã tiếp cận cách Trà Leng 14km. Thông tin mới nhất tại hiện trường, thượng tá Trần Cao Thái - chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự huyện Nam Trà My - cho biết có hơn 50 người bị nạn, sống sót 33 người, trong đó có 16 người đa chấn thương.
Có khoảng 20 người mất tích, hiện đã tìm được 6 thi thể. Còn hơn 10 người hiện vẫn đang được tìm kiếm. Hiện có 4 nạn nhân đầu tiên đã được đưa ra cách Trà Leng 16km.
Phóng viên Tuổi Trẻ đã chứng kiến nhiều phụ nữ và trẻ em trong số những người được đưa ra khỏi hiện trường tìm nơi cứu chữa thương tích. Hiện thời tiết đang ráo tạnh, thuận lợi cho việc tìm kiếm cứu nạn.
Khu vực này sóng điện thoại liên lạc đã bị cắt hoàn toàn, phóng viên Tuổi Trẻ đang truyền tin về từ sóng điện thoại vệ tinh.
Trong số những người sống sót, chị Hồ Thị Hồng (19 tuổi) còn chưa hết bàng hoàng. Chị Hồng cho biết cha mình đã chết, núi sạt lở lúc 14h chiều. Chị quá hoảng sợ không còn nhớ thêm được gì nữa.
Còn chị Hồ Thị Hà (28 tuổi) cũng có cha mất trong vụ sạt lở. Hai con của chị bị thương nặng. Đây là 2 đứa trẻ đầu tiên được mang ra khỏi hiện trường đưa ra ngoài cứu chữa.
"Cả ngôi làng bị san phẳng, không còn gì, không tìm thấy gì hết" - chị Hà khóc nghẹn.
Lực lượng chức năng tìm kiếm người mất tích tại ngôi làng - Ảnh: MINH HÒA
Con suối hiền hòa nằm ven ngôi làng bỗng hóa lũ dữ cuốn phăng ngôi làng - Ảnh: MINH HÒA
Người dân cứu nạn tại Trà Leng - Ảnh: MINH HÒA
Ngôi làng bị nước cuốn trôi nhìn từ xa - Ảnh: MINH HÒA
NGỌC HIỂN đọc - ĐOÀN NHẠN ghi
Khoảng 2-3 tiếng nữa máy múc mới tới được nơi 22 người mất tích29/10/2020 14:14 GMT+7
Ông Phan Quốc Cường - chủ tịch UBND xã Trà Leng - đang trực tiếp tìm kiếm người gặp nạn. Ông Cường cho biết đã tìm cách liên hệ mượn xe múc ở các xã trong khu vực đang bị cô lập.
Tuy nhiên do mưa lớn gây sạt lở, khối lượng cây cối và đất đá rất lớn nên phương tiện cơ giới chưa tiếp cận được vị trí có 22 người đang mất tích tại nóc ông Lộc.
2 điểm sạt lở cách nhau chỉ 4km nhưng đường từ trung tâm xã đến nơi 22 hộ dân gặp nạn đang có rất nhiều điểm sạt lở có đá lớn mà xe cơ giới không đi được.
"Anh em dự tính nếu cào múc cố gắng lắm thì tới 15-16h chiều nay xe mới tiếp cận được nóc ông Lộc để cùng tham gia đào bới tìm người"- ông Cường nói.
Hiện nay tại điểm sạt lở nóc ông Lộc có 22 người mất tích trong đó có bí thư Đảng ủy xã Trà Leng Lê Hoàng Việt.
Máy múc đang ở hiện trường đường vào Trà Leng - Video sáng sớm 29-10
TRƯỜNG TRUNG
Đưa hơn 10 thi thể cùng 5 người bị thương nặng ra ngoài29/10/2020 13:02 GMT+7
12h45 phút, phóng viên Sơn Lâm và Minh Hoà của báo Tuổi Trẻ từ hiện trường thôn 1, Trà Leng cho biết đã có hơn 10 thi thể nạn nhân được đưa ra, cùng 5 người khác bị thương rất nặng: gãy tay, gãy chân... đang được cáng ra ngoài thôn tìm cách đưa vào bệnh viện cấp cứu.
Hai phóng viên cho biết, tất cả những người thiệt mạng được đem ra đang được chuẩn bị an táng nhưng chưa có hòm để quàn.
Ngoài những người dân địa phương dự định sẽ được an táng theo phong tục thì có một nạn nhân người Kinh đang được quàn tàm bằng võng.
Tình hình của những người bị thương cũng rất cấp bách. Đa số họ đang được nẹp chân tay tạm bằng tre, gỗ, chưa được sơ cứu cần thiết.
Hiện người dân đang tìm cách chuyển những người bị thuơng xuống thuyền để hi vọng men theo sông về được Bệnh viện Nam Trà My cấp cứu.
Tuy nhiên, nhiều đoạn sông hiện tại nước chảy xiết và cây rừng ngã trôi chắn dòng, di chuyển rất nguy hiểm.
Cũng thời điểm này, thân nhân một số người mất tích từ dưới xuôi và nhóm phóng viên thứ 2 của báo Tuổi Trẻ cũng đang dần tiếp cận được Trà Leng.
Từ vị trí các nạn nhân vừa được đưa ra đến điểm sạt lở còn khoảng 7-8 km và đường rất khó đi. Phương tiện cơ giới và thông tin liên lạc gần như bị cắt đứt.
Xe đặc chủng vệ tinh của quân đội cũng được điều đến hiện trường điểm sạt lở trên quốc lộ 40B - Ảnh: MINH HÒA
Đang tìm ghe đò đưa người bị thương theo đường lòng hồ thủy điện về Bắc Trà My29/10/2020 12:49 GMT+7
Trên địa bàn xã Trà Leng, trong số 42 trường hợp gặp nạn được cứu thoát có rất nhiều người bị thương nặng.
Nguồn tin của Tuổi Trẻ Online cập nhật lúc 12h45 cho biết xã Trà Leng đã tổ chức sơ cứu và đưa người về trung tâm xã để tìm phương tiện theo đường thủy và lòng hồ thủy điện Sông Tranh xuống huyện Bắc Trà My do hiện nay đường nối với trung tâm huyện Nam Trà My bị sạt lở nặng.
"Anh em vẫn đang tìm cách liên hệ ghe đò để đưa người bị nạn về theo đường thủy. Nhưng mới chuẩn bị chứ chưa nhờ đưa được trường hợp nào.
Nhờ anh nhắn giùm các lực lượng nếu tiếp cận đường thủy xin cho ca-nô đi đường thủy về tận cầu Hồng Dung ở đầu xã ngay để chở người bị thương đi cấp cứu" - người này nhờ nhắn.
Lượng lớn đá đã đổ vùi xuống đường QL40B sau bão, đường vào Trà Leng vẫn rất khó khăn. Sau điểm này, sẽ đi khoảng 30km nữa sẽ đến điểm giao cắt giữa QL40B và đường xã Trà Leng. Và phải mất gần 20km nữa sẽ vào đến trung tâm xã Trà Leng. - Ảnh: LÊ TRUNG
TRƯỜNG TRUNG ( Tuoitre )