Ngẫm từ câu chuyện chơi đào- Nhà giáo Nguyễn Văn Nhượng
Đâu phải ngẫu nhiên cổ nhân quan niệm “vạn vật hữu linh”. Thường người xưa sống chậm, nhẩn nha cảm nhận thế giới, nên từ những trắc ẩn xôn ...
https://www.maivanlang.com/2021/02/ngam-tu-cau-chuyen-choi-ao-nha-giao.html
Đâu phải ngẫu nhiên cổ nhân quan niệm “vạn vật hữu linh”. Thường người xưa sống chậm, nhẩn nha cảm nhận thế giới, nên từ những trắc ẩn xôn xao mà nắm bắt được cái tận cùng thẳm sâu thâm trầm của tâm hồn vạn vật. Con người ngày nay ỉ thế văn minh ngổ ngáo đua chen, đua đòi thi thố, nghênh ngang cả với càn khôn mà sinh lòng vơ vét sản vật, hòng phục vụ tối đa cho nhu cầu bản năng, tận thu tận diệt thiên nhiên. Cứ huyễn hoặc, tự nâng chấm cho mình, tưởng thế là tiến bộ. Nhưng đó là sự khốn nạn, khốn khổ, khốn cùng, hay cùng khốn....Có lẽ đều chung nhau chữ “khốn” cả???
Ti tỉ, ở chẳng hết vẫn cố xây nhà to lại tưởng là tổ ấm; làm cật lực để giàu có cứ tưởng là giàu sang, phú quý; có gia sản cứ tưởng là di sản; giết chóc tàn hại, cỗ bàn ê hề, tô vẽ xây cất mồ mả lại cứ tưởng là hiếu đễ; trọc đầu cứ tưởng là sư; đến Chùa cứ tưởng từ bi; chức quyền cứ tưởng đức cao vọng trọng; bằng cấp cứ tưởng văn hóa; bằng mặt cứ tưởng bằng lòng; bổn phận cứ tưởng kính trọng nể vì; nhốt chim vào lồng để nghe tiếng hót, nó nức nở oán thán cứ tưởng nó hoan ca ríu rít....đại để, cái sự ngộ nhận, lệch lạc, trẹo trọ, à uôm, tầm phào, huyễn hoặc kiểu thế, trần ai ngẫm đâu có hiếm. Nhìn cáo tưởng công, mình cũng trong số thế nhân ấy!
Lòng tự dặn nhắc “Tiết dụng tri ái nhân”. Sự eo hẹp tiền bạc cũng cho người ta thực hành dễ hơn cái “tiết dụng”. Còn “ái nhân” đâu thì không biết nhưng “ái kỉ” thì chắc rồi. Có đâu mà phung mà phí. Mới hiểu sao sự dư giả, rủng rỉnh thật chỉ dễ đầu độc lòng người. Từ lập gia thất, mình chưa chơi đào, chỉ chơi quất, mà cũng chưa bao giờ chạm đến ngưỡng 300 ngàn. Quất có, cũng chỉ để gọi hương Tết vào nhà. Lòng vui thì ngắm “hoa xuyến chi” lẫn bên cỏ dại vẫn cứ vui. Năm nay 2 ông con rủ rỉ bố mẹ chơi đào. Bố mẹ ra tận vườn đào bát ngát, đủ mọi kiểu thế. Một phút nhất thời đắm mê, vợ thương chồng, chiều con, vui vẻ gật đầu cây 700k. Hồ hởi đưa về nhà, nhâm nhi sung sướng! Dẫu rằng, đã đành rằng, con người cũng như vạn vật, có cái gì là vĩnh cửu, muôn năm đâu. Thế rồi Tết qua, hoa tàn hoa rụng lả tả lơi tơi, mình lại dằn lòng lặng lẽ âm thầm cầm kéo bấm cành cho đứt lìa, cụt nhủn như tên đồ tể hung đồ hằm hè, hùng hổ, không còn biết mình đang gây cảnh tang thương máu chảy đầu rơi....Đem ra vườn trồng xong, rồi thì ngày ngày trùm trùm bọc bọc, ấp ấp ủ ủ, lo cây kiệt sức, lo mình nhẫn tâm, tưởng mình đang bù đắp, chở che... Con người tham lam quá!. Ấy người yêu ta nhất sao lại làm khổ ta nhất. Bởi yêu cái đẹp mà đến sơn cùng thủy tận cũng truy quét cho bằng được, làm khổ thân đào. Bứng ra bứng vào huyễn hoặc nâng niu, tản thưởng mãn nhãn. Và rồi, từng cành đào lớn nhỏ như những cánh tay bị cắt phửn, khắp thân cây đau đớn quằn quại, ứa ra một chất lỏng, đặc quánh lại, từng giọt đùn đội nhau lên mỗi ngày, giọt trong vắt trắng tinh, giọt sánh vàng như mật. Có người gọi là nhựa cây. Mình thì cứ nghĩ cây đang thổ huyết, những giọt màu trắng kia là của cô phụ đang nước mắt lưng tròng đưa tiễn quân phu...để rồi từ những đớn đau quặn thắt, sức sống lại bật ra; những trồi non bứt trổ, bung ra cho một mùa sống xanh mới.
Khốn khổ thân đào! Thôi thì từ nay mình quyết không chơi đào kiểu bứng cây, cắt cành nữa.
Xin đào hãy vì người mà đau một lần này, mà xanh tươi với trời với đất quê hương.
Dẫu Nietzsche có cho rằng: “Mọi buông thả theo bản năng, theo vô thức sẽ dẫn đến sự suy đồi [....] lòng trắc ẩn là sự phung phí cảm xúc, là kí sinh trùng gây hại luân lí lành mạnh”, thì mình vẫn cứ trắc ẩn với lòng đào, phận đào, kiếp đào nênh nổi, hiến dâng; trắc ẩn với quán tính ham vui cõi ái kỉ trần gian. “Xưa kia con người đã là khỉ, và cả đến bây giờ nữa con người còn khỉ hơn bất luận con khỉ nào” (Nietzsche), mình giận mình đã và đang khỉ quá. Nhân danh cái đẹp, lại xin đào thứ tha cho những lầm lỡ, si mê, khi khỉ này!