Để tiền vào viện dưỡng lão thay vì cho con thừa kế
'Người già vào viện dưỡng lão cũng chỉ như trẻ con được đem gửi nhà trẻ', nghĩ được vậy cuộc sống sẽ nhẹ nhàng hơn rất nhiều. "...
https://www.maivanlang.com/2021/03/e-tien-vao-vien-duong-lao-thay-vi-cho.html
'Người già vào viện dưỡng lão cũng chỉ như trẻ con được đem gửi nhà trẻ', nghĩ được vậy cuộc sống sẽ nhẹ nhàng hơn rất nhiều.
"Người già có nên vào viện dưỡng lão?", câu hỏi này trước giờ vẫn luôn gây ra một cuộc tranh cãi không hồi kết. Người đồng tình coi đó là văn minh, người phản đối lại nghĩ vậy là vô tình. Quan niệm của xã hội ta trước giờ vẫn cho rằng "trẻ cậy cha, già cây con", coi chăm sóc cha mẹ già là nghĩa vụ của con cái, không làm được vậy là bất hiểu. Thế nhưng, liệu điều đó có còn phù hợp với thời buổi này?
Tôi năm nay đã ngoài 50 tuổi, đã nghỉ hưu, hiện sống cùng gia đình con trai. Nói là sống cùng nhưng thực tế quãng thời gian trong ngày tôi chủ yếu ở nhà một mình. Vợ chồng con đi làm từ sớm đến tối muộn, các cháu cũng đi học ở trường rồi học thêm ngoại ngữ buổi tối, thành ra cứ quanh quẩn đi ra rồi đi vào cho hết ngày. Khu tôi ở cũng ít người già, chủ yếu là các cặp vợ chồng trẻ nên ban ngày vắng vẻ, chẳng có ai để hàn huyên.
Bản thân tôi đã lường trước được viễn cảnh này từ khoảng chục năm trước. Thế nên tôi đã bắt đầu quá trình chuẩn bị cả về tài chính lẫn tâm lý để vào viện dưỡng lão khi về già. Các con tôi ban đầu cũng can ngăn vì chúng thương mẹ, muốn ở cạnh để tiện chăm sóc. Nhưng thực tế, chúng còn công ăn việc làm, còn cuộc sống riêng, đâu thể lúc nào cũng kè kè bên mẹ. Chưa kể lối sống, suy nghĩ của hai thể hệ có nhiều khác biệt nên không thể tránh khỏi va chạm, mâu thuẫn.
Tôi thấy, ở Việt Nam, người ta hay quan niệm con cái phải có nghĩa vụ phụng dưỡng cha mẹ khi về già, như thế mới là có hiếu. Nhưng tôi không nghĩ vậy. Xã hội giờ đã phát triển hơn rất nhiều, chúng ta đã tiếp cận với những văn minh từ nước ngoài, thế nên bản thân con người cũng cần thay đổi. Đừng cố giữ những quan niệm không còn phù hợp với thời thế.
>> Trẻ cậy cha, già cậy viện dưỡng lão
Cứ hình dung con cái bận bịu cả ngày bên ngoài, tôi về chúng cũng cần nghỉ ngơi để tái tạo sức lao động, đâu thể dành hết tâm sức để lo cho cha mẹ già nữa. Tôi cũng sợ bản thân mình sau vài năm nữa sẽ bắt đầu lẫn, tính tình trái khoáy, sẽ làm phiền đến các con cháu, khiến chúng bị khó xử và thêm phần áp lực. Việc gì mình làm được thì tốt nhất hãy tự giải quyết, không cần phải đẩy trách nhiệm cho người khác.
Tâm niệm như vậy nên tôi sớm tích trữ được một khoản tiền kha khá để dưỡng già. Tôi nói với các con rằng "mẹ sẽ không để tài sản thừa kế cho các con" mà dùng toàn bộ số tiền ấy để lo cho những năm tháng cuối đời của mình, không phiền đến các con. Con tôi đều có công ăn việc làm, thu nhập ổn định, nên cũng chẳng bận tâm tới tiền cha mẹ để lại. Thế nên, khi tôi tự lo được cho bản thân mình, chắc chắn các con cũng sẽ sống khỏe hơn nhiều.
Chưa kể, ở vào tuổi này, ăn uống chẳng đáng là bao, tiêu xài cũng chẳng tốn mấy, thứ duy nhất chúng tôi cần là có người để bầu bạn, tâm sự, cũng như được chăm sóc y tế chuyên nghiệp. Vào viện dưỡng lão có lẽ sẽ đáp ứng được tất cả những nguyện vọng đó. Thực ra, ở nhà một mình cả ngày có chắc gì vui hơn sống trong tập thể những người giống mình? Nghĩ vậy, bạn sẽ chẳng còn thấy muộn phiền hay đắn đó có nên vào viện dưỡng lão hay không?
Nói một cách thực tế, khi con còn nhỏ, cha mẹ cũng đem chúng gửi nhà trẻ rồi đi làm cả ngày chứ cũng đâu có kè kè bên cạnh chăm sóc 24/24. Thế nên khi về già cũng đừng bắt các con phải có trách nhiệm chăm lại mình. Người già vào viện dưỡng lão cũng như trẻ con đi nhà trẻ vậy. Thứ gì hợp tình, hợp lý thì cũng nên được ủng hộ, tôi nghĩ vậy.
Khi ngoài 60, tôi sẽ chính thức dọn vào ở trong viện dưỡng lão. Mọi chi phí tôi sẽ tự lo liệu. Con cái có hiểu ắt sẽ năng vào thăm cha, thăm mẹ. Còn nếu không, dù bạn có nằm bệt ở nhà, chúng cũng chẳng màng tới. Khi nào nhớ nhà quá, tôi cũng có thể về chơi mấy hôm. Cuộc sống như vậy nhẹ nhàng hơn nhiều cho cả người già và người trẻ. Xu thế này, cả thế giới đã đi theo từ lâu, chúng ta muốn hội nhập, có lẽ cũng nên bắt đầu thay đổi từ bây giờ.
Cao Bảo Hà ( Vnexpress )