Bảo tồn và phát huy nghệ thuật chèo trong xã hội đương đại: Đừng để “gieo vừng ra ngô”
Thứ Hai 04/04/2022 | 10:22 GMT+7 VHO- Tuần qua, những nhà quản lý các đơn vị nghệ thuật, giới nghiên cứu và nhiều nghệ sĩ nổi tiếng của ngà...
https://www.maivanlang.com/2022/04/bao-ton-va-phat-huy-nghe-thuat-cheo.html
Thứ Hai 04/04/2022 | 10:22 GMT+7
VHO- Tuần qua, những nhà quản lý các đơn vị nghệ thuật, giới nghiên cứu và nhiều nghệ sĩ nổi tiếng của ngành chèo cả nước đã tập hợp về dự Hội thảo khoa học Bảo tồn và phát huy nghệ thuật chèo trong xã hội đương đại do Nhà hát Chèo Việt Nam chủ trì.
Những làn điệu chèo cổ vẫn làm say đắm lòng người
Hội thảo được tổ chức trong bối cảnh sân khấu chèo đang trong tình trạng “tụt hậu chạm đáy”. Đã có những tham luận và ý kiến trao đổi thẳng thắn, thậm chí là đối thoại nảy lửa về quan điểm làm chèo, cho thấy những lo toan, trăn trở đầy tâm huyết của giới nghề hiện nay…
Tranh cãi nảy lửa
Tại Hội thảo, Giám đốc Nhà hát Chèo Quân đội, NSND Quốc Trượng cho rằng, việc sân khấu chèo thiếu những vở đề tài hiện đại thành công là bởi những người làm chèo còn bị ràng buộc và luẩn quẩn trong nguyên tắc truyền thống. Ông cho rằng, ngành chèo cần biết chắt lọc tinh hoa chứ không nên quá cứng nhắc, cần thoát ra khỏi vỏ bọc an toàn để đi vào thể hiện đề tài đương đại. “Cả một khối kim cương đồ sộ nhưng chúng ta chỉ sử dụng một lượng làm thành mũi khoan sắc bén, mở ra con đường “tấn công” vào đề tài hiện đại tươi mới, chứ đừng cứ mãi cố thủ. Nguyên tắc tự sự trong chèo rõ ràng không đủ sức theo kịp và đủ độ để phản ánh những vấn đề thời sự nóng bỏng, gay gắt của xã hội”, NSND Quốc Trượng nhận định và cho biết, đơn vị của ông sáng tạo được nhiều vở diễn hay, xuất sắc, đoạt HCV tại các kỳ liên hoan, hội diễn là nhờ vào khuynh hướng phát triển này.
Tuy nhiên, ý kiến của NSND Quốc Trượng không nhận được sự đồng tình của nhiều “cây đa cây đề” trong làng chèo như TS Trần Đình Ngôn; Đạo diễn, NSƯT Đoàn Vinh... TS Trần Đình Ngôn, tác giả có số lượng kịch bản chèo được dàn dựng nhiều nhất của ngành chèo, tỏ ra bức xúc: “Tôi đã kìm nén rất lâu không muốn nói, nhưng nếu không nói thì cái cảnh “gieo vừng ra ngô” sẽ tiếp tục tái diễn trên sân khấu chèo. Khi xem một số vở gần đây của Nhà hát Chèo Quân đội, kể cả những vở đoạt giải cao, tôi đánh giá đó chỉ là những vở diễn xây dựng theo khuynh hướng kịch hát mới, kịch pha ca. Nhà hát Chèo Quân đội có đối tượng khán giả riêng và họ không cần phải bán vé, họ có quyền dàn dựng theo tiêu chí của họ, nhưng đừng nên lấy danh nghĩa người làm chèo để khẳng định những vở diễn này là “chèo hiện đại”. Là người gắn bó cả đời với chèo, tôi khẳng định, nhiều vở diễn đang đi ngược lại những đặc trưng của nghệ thuật chèo truyền thống. Khán giả có thể vẫn xem, nhưng họ khen vở diễn tới đâu và những người làm chèo đích thực có tâm phục hay không lại là chuyện khác”.
Đạo diễn, NSƯT Đoàn Vinh chia sẻ, ông xót xa khi tới một nhà hát chèo ở địa phương kia, nhưng họ lại diễn một vở cải lương. Chủ trương sáp nhập các đơn vị nghệ thuật vào một trung tâm văn hóa nghệ thuật theo hướng tinh gọn, nhưng cách làm và quan điểm của mỗi địa phương mỗi khác, đã dẫn tới tình trạng nghệ thuật truyền thống, đặc biệt là chèo đã bị mất đi thế mạnh và bản sắc của mình. Nhìn vào việc áp dụng công nghệ lên sân khấu chèo, đạo diễn Đoàn Vinh cho rằng, nhiều vở diễn của sân khấu chèo gần đây, việc xử lý khói cũng rất tuỳ tiện, đơn vị nào có kinh tế thì dùng hiệu ứng khói lạnh, đơn vị nào không có thì phun khói mù mịt khắp sân khấu, lấn át hết cả diễn xuất của diễn viên. Sự lạm dụng những yếu tố kỹ thuật hiện đại đã làm mất đi những nét đẹp, tinh khôi, mộc mạc của nghệ thuật chèo.
NSND Thúy Ngần cũng vô cùng tâm trạng khi về tập cho diễn viên ở một trung tâm văn hóa nghệ thuật tỉnh, bà chứng kiến cảnh trò của mình đau khổ khi bị thầy mắng vì quên đi những động tác múa chèo; và cũng chính diễn viên này khi sang làm chương trình ca múa nhạc thì lại bị mắng là động tác múa “quá chèo”…
NSND Thanh Ngoan thì chia sẻ: “Tôi hát chèo mà có khán giả nói: Chị Ngoan ơi, chị hát hay nhỉ. Em nghe chị hát chèo như chầu văn, như hát xẩm. Khán giả khen tôi hát hay mà không biết họ đang nghe loại hình nghệ thuật nào… Rõ ràng, việc nhầm lẫn này cho thấy cần phải có phương án để phổ cập về nghệ thuật chèo cũng như các loại hình nghệ thuật dân tộc cho khán giả hôm nay”.
Toàn cảnh hội thảo
Cần người chèo chống
“Tôi không hiểu tại sao một số đạo diễn, đơn vị nghệ thuật lại cho rằng những nguyên tắc như tự sự trong chèo lại xa rời với đời sống hiện đại. Chúng ta đã có những mảng miếng rất hay khi khai thác thành công các nguyên tắc này ở đề tài hiện đại. Sự lúng túng trong việc bảo tồn và phát triển nghệ thuật chèo có lẽ bắt nguồn chính từ quan niệm làm nghề của những người làm quản lý và chỉ đạo nghệ thuật ở từng đơn vị. Tôi không đồng tình với việc có những đơn vị nghệ thuật chèo mời đạo diễn chuyên về cải lương sang dàn dựng. Sự hiểu biết về các làn điệu chèo của một đạo diễn cải lương chắc chắn là có hạn, không thể tường tận đầy đủ hàng trăm làn điệu đặc sắc trong chèo, không thể đưa ra những xử lý hay nhất cho một vở chèo khi họ là người ngoại đạo”, đạo diễn, NSƯT Đoàn Vinh chia sẻ.
Có thể thấy, chủ trương sáp nhập các đơn vị nghệ thuật thành Trung tâm văn hóa nghệ thuật ở địa phương đã nảy sinh nhiều bất cập, theo kiểu “lãnh đạo nào phong trào ấy” dẫn tới nhiều loại hình nghệ thuật đang phải đối diện với bài toán tồn tại hay không tồn tại, hoặc đánh mất đi tính chuyên nghiệp. Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, NSND Trịnh Thúy Mùi cho rằng, Nhà nước cần có chủ trương, chính sách cụ thể để hướng dẫn cho các địa phương thực hiện việc bảo tồn, phát huy các loại hình nghệ thuật truyền thống đặc sắc. Đồng ý với quan điểm đó, NSND Thúy Ngần, PGS.TS Hà Hoa và đặc biệt là TS Trần Đình Ngôn cũng thống nhất muốn nối mạch chèo với cuộc sống đương đại thì phải phổ cập về nghệ thuật chèo đối với khán giả và nâng cao kiến thức nghệ thuật chèo thường xuyên cho lớp nghệ sĩ trẻ hôm nay.
Với góc độ cơ quan quản lý nhà nước về nghệ thuật biểu diễn, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Lê Minh Tuấn cho biết, hiện Bộ VHTTDL đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030, trong đó có Đề án “Nâng cao năng lực cảm thụ nghệ thuật trong các trường phổ thông” hướng tới mục tiêu chính là đào tạo khán giả. Cục Nghệ thuật biểu diễn cũng đang xây dựng Đề án sắp xếp lại, nâng cao các đơn vị nghệ thuật trung ương, trong đó có nội dung phát triển lực lượng sáng tạo bao gồm nghệ sĩ, đạo diễn, biên kịch… Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn bày tỏ, cơ quan quản lý nhà nước đã lắng nghe và tiếp thu các ý kiến tại Hội thảo để tiếp tục hoàn thiện, bổ sung để làm sao các đề án, giải pháp cho nghệ thuật biểu diễn nói chung, nghệ thuật chèo nói riêng có thể sát với thực tế và đạt hiệu quả cao nhất.
Có thể coi Hội thảo bảo tồn và phát huy nghệ thuật chèo trong xã hội đương đại là một “Hội nghị Diên Hồng” nhằm giải cứu, tháo gỡ những khó khăn, những báo động đỏ về sự khủng hoảng của sân khấu chèo. Hội nhập quốc tế tạo nên nhiều cơ hội nhưng cũng chứa đựng nhiều thách thức, trong đó có việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa cổ truyền của dân tộc. Muốn nghệ thuật truyền thống tiếp tục được thăng hoa, hoặc chí ít là tồn tại và phát triển một cách bền vững, đòi hỏi các nhà làm chính sách phải thực sự tận tâm, tận lực để tham mưu những cơ chế khả thi, hữu ích nhất cho Nhà nước, quan trọng không kém là nỗ lực, nhiệt huyết của giới nghề và sự chung tay của toàn xã hội.
HIỀN LƯƠNG ( Báo Văn Hóa )
Toàn cảnh cuộc hội thảo