Soạn giả Mai Văn Lạng: Làm gì để dân ca phát triển? ( Bài đăng trên báo Giáo dục và thời đại )

GD&TĐ - Là người 'cầm trịch' đơn vị phát sóng dân ca lớn nhất cả nước, soạn giả Mai Văn Lạng luôn trăn trở làm sao để những ngườ...



GD&TĐ - Là người 'cầm trịch' đơn vị phát sóng dân ca lớn nhất cả nước, soạn giả Mai Văn Lạng luôn trăn trở làm sao để những người trẻ hiểu và yêu dân ca.

Soạn giả Mai Văn Lạng giao lưu cùng một câu lạc bộ dân ca.


Gần 30 năm gắn bó với dân ca, với công việc ở Phòng Dân ca và Nhạc cổ truyền, Đài Tiếng nói Việt Nam, soạn giả Mai Văn Lạng luôn đau đáu tìm đáp án cho câu hỏi: Làm gì để dân ca phát triển?
“Người quen” trên Đài

Nhiều người vẫn cứ nghĩ Mai Văn Lạng phải sinh ra ở một làng chèo hay một làng quan họ chính gốc nào đó, nhưng thật bất ngờ khi anh chia sẻ mình sinh ra ở một làng quê ở ngoại thành Hà Nội - nơi không có truyền thống văn nghệ. Người đã truyền cảm hứng, tình yêu với âm nhạc truyền thống cho Mai Văn Lạng chính là bà ngoại của anh.

Bà quê gốc ở huyện Vĩnh Bảo (TP Hải Phòng), vốn là người biết chữ nho, thuộc làu Kiều, Nhị độ mai, Tần cung oán, Bần nữ thán, Cung oán ngâm khúc, Chinh phụ ngâm... cũng như nhiều vở chèo, cải lương, ca dao tục ngữ, đặc biệt là dân ca. Lúc lên 5 - 6 tuổi, nghe bà hát xẩm Trương Chi, cậu bé Lạng đã cảm nhận được cái hay, cái đẹp của dòng nhạc này. Cứ thế dân ca đã ngấm dần vào đời anh.

Năm 1991, Mai Văn Lạng là một trong 5 thí sinh thi đỗ vào Khoa Biên kịch sân khấu (chuyên ngành Kịch nói) của Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội. Tuy vậy, niềm đam mê của anh là kịch hát dân tộc nên cứ vào mỗi buổi chiều, anh thường lẻn xuống Khoa Nhạc dân tộc xem các bạn hát cải lương, hát chèo rồi mê mẩn hỏi cặn kẽ từng điệu một.

Anh còn tìm đến các nghệ sĩ như Bùi Trọng Đang, Dịu Hương, Thanh Hoài… để học hỏi thêm về dân ca. Cuối năm học thứ nhất, anh đã soạn lời mới cho chèo và được nhà thơ Lương Tử Đức và NSƯT Thu Cúc ở Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Tây cho thu rồi phát sóng ngay.

Sau đó, anh đã mạnh dạn gửi đến Đài Tiếng nói Việt Nam và được nhạc sĩ Dân Huyền, khi ấy là Trưởng phòng Dân ca và Nhạc cổ truyền đánh giá cao. Sẵn niềm đam mê lại được lớp người đi trước động viên, khích lệ càng khiến chàng sinh viên Mai Văn Lạng dấn thân với công việc vô cùng thú vị này và anh dần trở thành cộng tác viên thân thiết của Đài. Năm 1995, anh được nhận vào thực tập tại Đài với “bài kiểm tra” là 6 bài hát và ca cảnh tuồng.

Trong nhiều năm qua, anh đã ngược xuôi khắp mọi miền Tổ quốc để sưu tầm, quảng bá dân ca; giao lưu kết nối những người yêu dân ca ở các câu lạc bộ rồi anh lại hăm hở về tận nơi để nghe tâm tư, nguyện vọng của các nghệ sĩ và tìm cách giúp đỡ khi họ có những thiệt thòi trong việc phong tặng các danh hiệu…

Đi về các miền quê, anh xúc động khi giới thiệu tên là nhiều người nhận ra “người quen” trên Đài. Nhưng cũng có một nghịch lý là thính giả chỉ được nghe tiếng mà không thấy hình nên họ đều nghĩ anh phải cao tuổi lắm. Đến lúc gặp ngoài đời thì ai cũng bảo quá trẻ, thậm chí anh chỉ bằng tuổi con của họ.

Mặc dù, họ không nhớ anh làm những gì nhưng lại rất nhớ những bài hát do anh đặt lời. Càng đi anh lại thấy tình yêu với dân ca trong nhân dân là rất lớn và anh cảm thấy trách nhiệm trên vai mình là phải tiếp tục gìn giữ, lan tỏa dân ca trong đời sống hiện đại trước sự du nhập và phát triển mạnh mẽ của các dòng nhạc mới, nhạc nước ngoài.
Nhạy bén với công nghệ




Soạn giả Mai Văn Lạng


Soạn giả Mai Văn Lạng là người có nhiều nỗ lực trong việc giữ mạch nguồn âm nhạc truyền thống trong đời sống hiện nay. Gần 30 năm qua, anh đã trực tiếp thực hiện hàng nghìn chương trình dân ca nhạc cổ truyền, soạn lời mới cho hàng trăm bài chèo, quan họ, tuồng, cải lương, hát văn… như: “Nón trắng quê mình”, “Mùa xuân tình mẹ”, “Tình thắm duyên quê”, “Tình xuân xin gửi nơi quê”, “Khúc hát dưới trăng thu”… được khán, thính giả khắp cả nước yêu thích.

Ở Mai Văn Lạng luôn hiệu hữu một người nhà quê thứ thiệt. Anh đã làm những câu thơ như để “răn” mình: “Gần 30 năm xa quê/ Vẫn tôi chân đất dép lê đầu trần/ Công danh gửi nẻo phù vân/ Mặc cho trời đất xoay vần dọc ngang/ Mình tôi vẫn giữ hồn làng”… Anh cho biết mình giữ hồn làng bằng nhiều cách.

Có thể là bằng những bài hát đặt lời từ dân ca, có thể giữ bằng cách tạo nền nếp trong gia đình. Anh cũng từng tâm sự rằng: Đất nước Việt Nam nghìn năm mất nước nhưng không mất làng, văn hóa làng luôn ở trong tôi, trong bạn và trong rất nhiều người.

Tôi từng căn dặn các con của mình: “Con ơi muối mặn gừng cay/ Mồ hôi đổ xuống đất này đơm hoa/ Người quê ta đất quê ta/ Dẫu đi muôn ngả chẳng là người dưng”.

“Người nhà quê” ấy cũng rất nhạy bén với công nghệ, anh tiên phong trong việc quảng bá dân ca trên mạng xã hội. Hiện nay, anh là người đầu tiên làm kênh YouTube về dân ca cổ truyền và có đến hàng trăm nghìn lượt truy cập mỗi ngày. Anh còn làm admin của cả chục trang web âm nhạc cổ truyền, trong đó có trang “Đến với nghệ thuật chèo” với hàng trăm nghìn lượt đăng ký theo dõi.

Do nắm được nhu cầu thị hiếu hiện nay, số lượng người nghe đài ngày càng ít đi mà chỉ nghe trên ô tô hoặc nghe trực tuyến và không phải ai cũng có thời gian để nghe đài đúng khung giờ chương trình phát sóng nên anh đã chủ động đưa các chương trình đã phát sóng vào trang web của mình để phục vụ người nghe bất cứ ở đâu, bất cứ lúc nào.

Bên cạnh công việc quản lý, sáng tác, anh còn tích cực tham gia công tác sưu tầm dân ca và làm phong phú thêm kho băng đĩa dân ca của Đài Tiếng nói Việt Nam. Được biết, hiện nay kho băng đĩa của Đài ngoài dân ca của dân tộc Kinh thì có đến hàng trăm làn điệu dân ca của hơn 40 dân tộc thiểu số, trong đó có đóng góp không nhỏ của Mai Văn Lạng.

Chưa kể anh còn viết lời giới thiệu, lời bình cho các CD chèo của nghệ sĩ; viết lý luận, phê bình các loại hình nghệ thuật dân tộc, đặc biệt là chèo và làm cộng tác viên dân ca cho Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội.
Viết lời mới cho dân ca

Mai Văn Lạng được biết đến là một trong số rất ít tác giả trẻ thành công trong việc soạn lời mới cho dân ca. Bởi viết lời mới cho dân ca tuy dễ nhưng rất khó hay. Anh cho rằng, dân ca lời cổ thật hay, thật đắt nhưng chỉ dừng ở mức bảo tồn.

Muốn tồn tại và phát triển dân ca các vùng miền cần phải khoác cho nó một chiếc áo mới, đó là tính đương đại. Anh lấy ví dụ lời ca cổ chàng với nàng, thiếp với chàng... ngày nay không còn phù hợp hoặc các bài dân ca gắn với các nghi lễ, phong tục, tập quán, hay các buổi sinh hoạt tập thể ngày nay đã không còn tồn tại. Vậy phải làm thế nào để dân ca và nhạc cổ truyền dù là “cổ” mà vẫn “kim”, anh cho rằng cần phải nhờ yếu tố lời mới.

“Lời mới cần như một bài thơ, nghĩa là phải tuân thủ các quy chuẩn của một bài thơ truyền thống đó là: Ý mới, tứ lạ, có vần, giàu hình ảnh, mang tính văn học cao và nội dung gắn với đời sống hiện nay.

Nó khác thơ ở yếu tố duy nhất thơ làm để đọc hoặc diễn ngâm còn bài lời mới cho dân ca là để hát lên, vì vậy bài soạn lời mới đòi hỏi người viết phải viết đúng lòng bản, tức là đúng với giai điệu của bài dân ca cổ mình định đặt lời mới.

Tuy nhiên, hiện nay đội ngũ những người viết lời mới cho dân ca chỉ đếm trên đầu ngón tay, trong khi họ đã cao tuổi không thể cống hiến được nữa. Ngoài ra, chế độ nhuận bút thấp nên không đủ sức hấp dẫn với nhiều tác giả. Dẫu sao người có tâm huyết đến mấy thì vẫn phải lo mưu sinh nên đòi hỏi sự chuyên tâm là rất khó”, soạn giả Mai Văn Lạng trăn trở.

Chắc hẳn với những người yêu chèo đều biết đến luận văn thạc sĩ “Ca từ trong chèo” của anh nhiều năm trước. Đây là đề tài được đánh giá xuất sắc bởi ngoài tính nghiên cứu, lý luận thì đây là lĩnh vực chưa từng ai nghiên cứu.

Khi đó, Tiến sĩ Trần Đình Ngôn, chuyên gia số một trong nghệ thuật chèo đã vô cùng ngạc nhiên và có đặt câu hỏi nghi vấn: “Ai viết cho em?”. Và anh tự tin trả lời: “Thưa thầy, xin thầy có thể cho em biết ai có thể viết được?”.

Cũng chính vì cơ duyên ấy anh đã lọt vào “mắt xanh” của thầy Trần Đình Ngôn, để rồi anh luôn được người thầy lớn động viên, tư vấn trong lĩnh vực chèo. Thầy Ngôn thường khuyên anh nên tiếp tục viết bài hát chèo theo lối thơ vần bởi theo thầy thì không nhiều người viết được thể loại này.
“Hiến kế” để dân ca phát triển



Soạn giả Mai Văn Lạng khi tác nghiệp.


Là người “cầm trịch” đơn vị phát sóng dân ca lớn nhất cả nước, soạn giả Mai Văn Lạng luôn trăn trở phải làm sao để những người trẻ hiểu và yêu dân ca: “Gần như các ca khúc hay đều mang âm hưởng dân ca sâu nặng, vậy tại sao dân ca gốc lại không được yêu thích?”.

Anh cho rằng, Nhà nước cần có chính sách quan tâm chăm lo hơn nữa đời sống của các nghệ nhân, bởi cuộc sống mưu sinh sẽ khiến những đam mê có thể vơi bớt đi sự cháy bỏng, tâm huyết.

Ngoài ra, phía cơ quan chức năng cũng cần tăng cường công tác thu thập, sưu tầm, thu thanh các làn điệu qua phần mềm lưu trữ lâu dài. Đặc biệt, muốn có thế hệ “măng non” dân ca thực sự chất lượng cần phải thành lập nhiều đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp chọn lọc những thí sinh có tố chất đưa vào đào tạo bài bản, tập luyện nghiêm túc.

“Những người làm dân ca chuyên nghiệp phải tự thấy trách nhiệm của mình để dân ca cổ truyền được sang trọng, sâu sắc và được nhiều người biết đến hơn”, anh nhấn mạnh.

Mai Văn Lạng cứ như con thoi giữa bộn bề công việc. Anh luôn luôn quần quật với dân ca, bền bỉ trong cuộc hành trình gìn giữ và quảng bá dân ca truyền thống trong đời sống mới.

Và chính những nỗ lực không biết mệt mỏi của anh mà khiến chúng ta tin rằng ở đâu đó dân ca - vốn quý của dân tộc - vẫn còn chỗ đứng vững chắc trong lòng công chúng.

Nguyễn Thảo  ( Báo giáo dục và thời đại )

https://giaoducthoidai.vn/lam-gi-de-dan-ca-phat-trien-post625054.html

Bài Liên Quan

Tin Mới 1222569044242082481

Đăng nhận xét

emo-but-icon

Chuyển ngôn ngữ

Subscriber Youtube

Tin Fanpage

Bài đăng và Bình luận

Nóng

Bài Mới

Bình Luận

Visitors

Flag Counter
item