Soạn giả, nhà báo Mai Văn Lạng: Bảo tồn nghệ thuật truyền thống phải đi cùng thời đại

Ở tuổi ngoài 50, độ tuổi mà nhiều người đã dần tính đến chuyện nghỉ hưu, nhưng soạn giả, nhà báo Mai Văn Lạng, Phó giám đốc Trung tâm Bảo t...






Ở tuổi ngoài 50, độ tuổi mà nhiều người đã dần tính đến chuyện nghỉ hưu, nhưng soạn giả, nhà báo Mai Văn Lạng, Phó giám đốc Trung tâm Bảo tồn nghệ thuật biểu diễn truyền thống Việt Nam vẫn đang tiếp tục "dấn thân" trong hành trình sưu tầm, gìn giữ và lan tỏa các giá trị tốt đẹp ngàn đời của nghệ thuật truyền thống dân tộc. Nhân dịp Trung tâm vừa được thành lập, phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã có cuộc trao đổi với soạn giả, nhà báo Mai Văn Lạng.



Giữ "lửa" nghệ thuật truyền thống

Phóng viên (PV): Cơ duyên nào đưa ông đến với vị trí Phó giám đốc Trung tâm Bảo tồn nghệ thuật biểu diễn truyền thống Việt Nam?

Soạn giả Mai Văn Lạng: Thực ra, có một trung tâm chuyên về bảo tồn nghệ thuật truyền thống là niềm mơ ước của tôi từ rất lâu rồi. Từ khi trở thành biên tập viên của Đài Tiếng nói Việt Nam, tôi đã cố gắng hết sức để đóng góp vào việc gìn giữ và lan tỏa nghệ thuật dân tộc. Nhưng để mở rộng hơn nữa, để bảo tồn nghệ thuật biểu diễn một cách bài bản và sâu rộng hơn, thì cần phải có một trung tâm chuyên trách, nơi hội tụ những nghệ sĩ thực thụ.

Trước đây, Đài Tiếng nói Việt Nam từng có câu lạc bộ hát dân ca, nhưng theo thời gian, mô hình này cũng có những giới hạn nhất định, chủ yếu phục vụ cộng đồng yêu nhạc dân gian. Còn Trung tâm Bảo tồn nghệ thuật biểu diễn truyền thống Việt Nam thì lại khác, đây là nơi quy tụ các nghệ sĩ lớn, những người có uy tín và tầm ảnh hưởng trong giới nghệ thuật.

Điều thứ hai là tôi thực sự trân trọng NSND Thanh Hoa. Khi cô Thanh Hoa gọi điện và ngỏ lời mời tôi tham gia trung tâm với cương vị Phó giám đốc, tôi cảm thấy rất xúc động. Cô nói với tôi bằng tất cả sự chân thành: "Cháu ơi, cô biết cháu đã hoạt động lâu năm trong lĩnh vực nghệ thuật, đặc biệt là dân ca và chèo. Cháu lại có thế mạnh về truyền thông, nên cô rất mong cháu vào trung tâm để giúp đỡ và phát triển". Nghe những lời ấy, tôi cảm thấy được tin tưởng và cũng thấy mình có trách nhiệm với di sản này.

Thứ ba, tôi nhìn nhận rằng trung tâm là nơi quy tụ nhiều nghệ sĩ tài danh. Có thể kể đến NSND Thanh Ngoan, NSND Việt Hương, hay những người có ảnh hưởng lớn như anh Phạm Gia Hậu (Chủ tịch Hội Văn hóa nghệ thuật Việt Nam tại Cộng hòa Séc, Trưởng ban Văn hóa văn nghệ Liên hiệp Hội người Việt Nam tại châu Âu), anh Phạm Đình Thương (Chủ tịch Hội người Việt Nam tại tỉnh Saitama, Nhật Bản) hay chị Thanh Tâm (Phó trưởng ban Tổ chức của Đài Tiếng nói Việt Nam), một đồng nghiệp cùng cơ quan mà tôi đã biết nhiều năm. Đây đều là những người có uy tín trong giới nghệ thuật. Sự góp mặt của những tên tuổi này khiến tôi tin tưởng rằng, đây sẽ là một môi trường tốt để tiếp tục phát triển và lan tỏa nghệ thuật truyền thống Việt Nam.

Soạn giả, nhà báo Mai Văn Lạng, Phó giám đốc Trung tâm Bảo tồn nghệ thuật biểu diễn truyền thống Việt Nam.


PV: Có người nói rằng, gìn giữ nghệ thuật truyền thống là một hành trình “cô đơn”, giống như người đứng bên lề cuộc sống, vì không phải lúc nào cũng được số đông đón nhận. Ông có cảm thấy như vậy không?

Soạn giả Mai Văn Lạng: Đúng là làm công tác gìn giữ nghệ thuật truyền thống thường cô đơn nhiều hơn vui. Bởi lẽ, cuộc sống hiện nay sôi động với rất nhiều lĩnh vực. Nghệ thuật dân tộc dường như chững lại, không phải lúc nào cũng được chào đón rộng rãi. Nếu không có tình yêu và sự kiên trì bền bỉ, rất khó để duy trì năng lượng và gắn bó lâu dài với lĩnh vực này.

Tuy nhiên, tôi nghĩ, cô đơn không hẳn chỉ mang nghĩa tiêu cực. Đúng là khi cô đơn, ta dễ cảm thấy lạc lõng, buồn chán, thậm chí gặp nhiều khó khăn. Nhưng ở một góc độ khác, chính sự cô đơn lại giúp ta lắng lại, suy ngẫm sâu sắc hơn về những điều mình đang theo đuổi. Nó cũng là động lực để ta mạnh mẽ hơn, đi đến tận cùng với nghệ thuật, nghiên cứu và sáng tạo một cách dày dặn hơn.

Bảo tồn nghệ thuật truyền thống phải đi cùng thời đại

PV: Trong bối cảnh hiện nay, ông và Trung tâm sẽ có những giải pháp cụ thể nào để bảo tồn và phát triển các loại hình nghệ thuật truyền thống?

Soạn giả Mai Văn Lạng: Ban giám đốc Trung tâm đã có những kế hoạch cụ thể để gìn giữ và phát huy giá trị các loại hình nghệ thuật dân tộc.

Trước hết, chúng tôi sẽ tổ chức các chương trình biểu diễn định kỳ hằng tháng. Ví dụ, vào ngày Giỗ tổ Hùng Vương, Trung tâm sẽ có một buổi diễn đặc biệt ngay tại đất Tổ. Hay trong khuôn khổ Festival Huế, chúng tôi cũng sẽ quy tụ các nghệ sĩ để mang đến những màn trình diễn đặc sắc, giới thiệu những tinh hoa của nghệ thuật truyền thống đến công chúng.

Bên cạnh đó, Trung tâm còn tổ chức các hoạt động chuyên sâu như chương trình riêng cho quan họ, hát văn, hát tuồng… Chúng tôi cũng sẽ thường xuyên tổ chức hội thảo, tọa đàm, giao lưu nghề nghiệp, nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng và kỹ năng chuyên môn trong lĩnh vực nghệ thuật dân gian.

Một hướng đi quan trọng khác là đưa nghệ thuật truyền thống đến gần hơn với thế hệ trẻ. Chúng tôi dự kiến hợp tác với các trường đại học để tổ chức các buổi trò chuyện, chia sẻ, giúp sinh viên hiểu sâu hơn về dân ca, nhạc cổ truyền và những giá trị văn hóa lâu đời của dân tộc.

Không chỉ trong nước, Trung tâm còn có tham vọng đưa nghệ thuật truyền thống Việt Nam ra thế giới. Chúng tôi mong muốn mỗi năm có thể tổ chức các chuyến đi giao lưu tại châu Âu, châu Mỹ, châu Á để quảng bá văn hóa dân tộc. Không chỉ biểu diễn, chúng tôi còn tổ chức các buổi trò chuyện, giới thiệu có minh họa, để giúp khán giả quốc tế hiểu sâu hơn về nghệ thuật truyền thống Việt Nam.

Hiện tại, Trung tâm vẫn đang từng bước triển khai những kế hoạch này, cố gắng tiếp cận nhiều đối tượng hơn, bắt tay cùng các nghệ sĩ và cộng đồng để phát triển nghệ thuật truyền thống một cách bền vững nhất.

Ban giám đốc Trung tâm Bảo tồn nghệ thuật biểu diễn truyền thống Việt Nam ra mắt (Soạn giả, nhà báo Mai Văn Lạng đứng ngoài cùng bên phải).


PV: Nghệ thuật truyền thống đang đứng giữa hai dòng chảy: Giữ gìn những giá trị cốt lõi và thích ứng với thời đại mới. Với vai trò của mình, con đường mà ông chọn sẽ như thế nào?

Soạn giả Mai Văn Lạng: Nghệ thuật truyền thống bắt buộc phải được gìn giữ, nhưng nếu giữ nguyên vẹn theo lối cổ mà không có sự điều chỉnh, thì thế hệ trẻ sẽ rất khó tiếp nhận. Vì vậy, những người làm nghề như chúng tôi phải tìm cách giúp nghệ thuật truyền thống phù hợp với giai đoạn hiện nay.

Muốn làm được điều đó, theo tôi, có ba hướng đi quan trọng. Thứ nhất, giữ gìn tinh hoa truyền thống. Chúng ta cần chọn lọc những giá trị cốt lõi, đặc sắc nhất của nghệ thuật truyền thống để bảo tồn.

Thứ hai, tiếp cận thế hệ trẻ. Điều này có thể thực hiện thông qua giáo dục, giảng dạy, truyền thông và các chương trình giao lưu, giúp các bạn trẻ hiểu và yêu nghệ thuật dân tộc hơn.

Thứ ba, làm mới nghệ thuật truyền thống trên nền tảng vốn cổ. Cách làm mới có thể là đặt lời mới cho dân ca, chèo, tuồng… để phù hợp với ngôn ngữ hiện đại, giúp người nghe dễ hiểu hơn. Ví dụ, không thể cứ hát mãi những câu cổ như: "Quan quan thư cưu, tại hà chi châu/Yểu điệu thục nữ, quân tử hảo cầu". Những nội dung như vậy rất xa lạ với giới trẻ, nên cần có sự điều chỉnh trong cách thể hiện.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng có thể kết hợp nghệ thuật truyền thống với các yếu tố hiện đại mà giới trẻ yêu thích, nhưng vẫn đảm bảo giữ được tinh thần dân tộc. Tất nhiên, khi đổi mới, sẽ có ý kiến cho rằng đó là phá hoại truyền thống, hiện đại quá mức. Nhưng theo tôi, đôi khi không thể chỉ dạy truyền thống trước rồi mới phát triển, mà cần tiếp cận theo hướng ngược lại: Dùng cách làm mới để thu hút người trẻ, rồi từ đó dẫn dắt họ tìm hiểu về những giá trị cốt lõi của nghệ thuật truyền thống.

PV: Cách tiếp cận làm mới rồi ngược dòng về giá trị cốt lõi đó cụ thể thế nào, thưa ông?

Soạn giả Mai Văn Lạng: Đương nhiên, muốn tiếp cận giới trẻ, chúng ta phải làm mới nghệ thuật truyền thống, nhưng làm mới trên nền tảng vốn cổ, chứ không phải phá vỡ truyền thống.

Ví dụ, với chèo cổ, trước đây chủ yếu phục vụ khán giả lớn tuổi, nhưng nếu muốn thu hút người trẻ, chúng ta có thể sáng tạo các hình thức mới như diễn chèo hài theo phong cách hiện đại. Chẳng hạn như có các chương trình cuối tuần kể chuyện hài bằng chèo. Hay như hát Xẩm trong “Bắc Bling” mới đây đã kết hợp với Rap được nghệ sĩ Xuân Hinh thể hiện.

Cách thể hiện tươi mới, gần gũi với đời sống hôm nay sẽ giúp nghệ thuật truyền thống tiếp cận khán giả trẻ hơn. Đây là cách đổi mới hình thức mà vẫn giữ được tinh thần nghệ thuật dân tộc.

Chúng ta không thể ép người trẻ yêu thích một loại hình nghệ thuật mà họ chưa từng tiếp xúc. Thay vào đó, hãy tìm cách để họ thấy gần gũi, thấy hứng thú trước đã. Khi họ dần quen, dần thích, thì từ đó mới có thể dẫn họ ngược dòng trở lại với những giá trị cốt lõi của nghệ thuật truyền thống.

PV: Ông dự đoán những khó khăn lớn nhất trong quá trình thực hiện nhiệm vụ này là gì?

Soạn giả Mai Văn Lạng: Có ba khó khăn lớn nhất mà chúng tôi phải đối mặt trong quá trình gìn giữ và phát huy nghệ thuật truyền thống. Thứ nhất là vấn đề kinh phí. Nghệ thuật truyền thống không thể tồn tại nếu thiếu nguồn lực tài chính. Không thể trông chờ mãi vào sự tự nguyện của nghệ sĩ - họ cũng cần có thu nhập để duy trì cuộc sống và tiếp tục sáng tạo. Vì vậy, cần có chính sách hỗ trợ, đầu tư hợp lý để nuôi dưỡng nghệ thuật dân tộc, giúp nghệ sĩ có thể toàn tâm cống hiến.

Thứ hai là phương thức truyền tải. Có những người rất am hiểu nghệ thuật truyền thống, nhưng nếu không tìm ra cách tiếp cận phù hợp với thế hệ trẻ, họ sẽ không thể truyền đạt thành công. Nghệ thuật dân tộc muốn thu hút công chúng trẻ thì cần có ngôn ngữ mới, cách thể hiện trẻ trung hơn, gần gũi với thị hiếu hiện nay.

Thứ ba là tìm kiếm những người trẻ thực sự đam mê. Việc khơi dậy tình yêu nghệ thuật truyền thống trong giới trẻ là không dễ dàng. Chúng tôi cần tìm được những bạn trẻ thực sự tâm huyết để có thể kế thừa và tiếp nối những giá trị này.

Ba yếu tố kinh phí, phương thức truyền tải và lực lượng kế cận đều là những thách thức lớn. Tuy nhiên, tôi tin rằng, với sự quyết tâm của các nghệ sĩ và sự hỗ trợ của Trung tâm Bảo tồn nghệ thuật biểu diễn dân tộc, chúng ta có thể vượt qua thách thức để giữ gìn và phát triển nghệ thuật truyền thống trong thời gian tới.

PV: Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

PHẠM THỨ (thực hiện)

Link bài: https://www.qdnd.vn/van-hoa/doi-song/soan-gia-nha-bao-mai-van-lang-bao-ton-nghe-thuat-truyen-thong-phai-di-cung-thoi-dai-819031

Bài Liên Quan

Tin Mới 4865873611712663323

Đăng nhận xét

emo-but-icon

Chuyển ngôn ngữ

Subscriber Youtube

Tin Fanpage

Bài đăng và Bình luận

Nóng

Bài Mới

Bình Luận

Visitors

Flag Counter
item