Thủ khoa sư phạm thất nghiệp về quê bán hoa quả, nuôi lợn

08/10/2017 19:10 GMT+7  Tốt nghiệp thủ khoa xuất sắc Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 với mơ ước trở về quê hương và trở thành cô giáo dạy Văn...

08/10/2017 19:10 GMT+7
 Tốt nghiệp thủ khoa xuất sắc Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 với mơ ước trở về quê hương và trở thành cô giáo dạy Văn nhưng đã hơn một năm trôi qua, em Bùi Thị Hà vẫn thất nghiệp và ở nhà phụ mẹ nuôi lợn, trồng rau.

Đó là câu chuyện hẩm hiu của Bùi Thị Hà, thủ khoa đầu ra của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 năm 2016. Ra trường với tấm bằng loại Xuất sắc, giờ này năm ngoái, Hà là 1 trong 100 thủ khoa xuất sắc được vinh danh tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội), một sự kiện thường niên do Thành Đoàn Hà Nội tổ chức. Nhưng từng đó vẫn chưa đủ để cô sinh viên trẻ mới ra trường có thể xin việc đúng chuyên môn ở quê nhà.



Bùi Thị Hà, thủ khoa đầu ra của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 năm 2016.


Sinh ra trong gia đình thuần nông, bố mẹ phải vất vả mới nuôi được 3 chị em Hà ăn học. Năm 2010, bố Hà đột ngột qua đời trong một vụ tai nạn giao thông khiến kinh tế gia đình càng thêm eo hẹp. Để nuôi các con ăn học, mẹ Hà một mình bươn chải làm đủ mọi nghề. Ba chị em Hà vì thương mẹ mà không ít lần có ý định bỏ học giữa chừng.

Hà kể, không biết bao nhiêu lần ba chị em tính nghỉ học nhưng cũng là bấy nhiêu lần mẹ em gạt ngay ý nghĩ với lời dặn: “Nếu thương mẹ thì phải học thật giỏi, không có con đường nào giúp nhà mình thoát nghèo bằng con đường học”.

Bà luôn là chỗ dựa, là nguồn động viên tinh thần lớn cho ba chị em Hà ăn học.

Cả nguồn sống của gia đình dồn lên đôi vai, mẹ Hà vì vất vả cũng gầy sọp đi với câng nặng còn chưa tới 40kg.

Gạt đi nỗi đau mất cha, Hà quyết tâm học tập để hoàn thành ước mơ trở thành cô giáo và năm 2012 em trúng tuyển vào khoa Văn, Trường ĐH Sư Phạm Hà Nội 2.

Không phụ lòng mong mỏi và sự hy sinh của mẹ, cả ba chị em Hà đều đạt kết quả cao trong học tập và đều lần lượt đỗ vào đại học.

Chị gái của Hà mới tốt nghiệp Học viện Hành chính Quốc gia, còn em trai đang là Học viên năm 4 trường Sĩ quan Chính trị.

Bản thân Hà phấn đấu và rồi trở thành thủ khoa đầu ra của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 vào năm 2016.

Sau khi nhận được bằng tốt nghiệp, em dự kỳ thi tuyển giảng viên của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 nhưng không đỗ. Hà cầm tấm bằng đại học loại xuất sắc trở về quê với bao hy vọng sẽ được cống hiến cho tỉnh nhà.

“Nói ra thì hơi xấu hổ chút anh ạ, vì trong khi các bạn thủ khoa khác có công ăn việc làm ổn định hết rồi thì đến giờ em vẫn chưa. Một năm qua tỉnh Hà Giang không có đợt thi tuyển giáo viên nào. Lãnh đạo tỉnh, Sở GD-ĐT cũng rất quan tâm tới em, họ nói khi nào có đợt sẽ thông báo để em thi”.

Thế là từ ngày được vinh danh thủ khoa xuất sắc, về quê, Hà đi dạy gia sư. Mấy tháng nghỉ hè em đi bán hàng ở chợ thành phố.

“Bây giờ việc chính của em là đi bán hoa quả ở chợ của thành phố Hà Giang, buổi tối em vẫn đi dạy kèm để kiếm thêm thu nhập. Thời gian rảnh em phụ giúp mẹ nuôi lợn, trồng rau. Trước đây, nếu chỉ đi dạy gia sư thì em vẫn có thời gian phụ mẹ, nhưng bây giờ đi chợ bán hàng về mệt nên em cũng không hỗ trợ được nhiều”.


Hà chia sẻ, ngay sau khi được vinh danh, khi về địa phương em cũng từng gửi thư cho bí thư tỉnh đề xuất nguyện vọng muốn được làm tại Hà Giang để có thể cống hiến cho quê hương.

“Lãnh đạo tỉnh cũng hứa trường hợp của em sẽ được tạo điều kiện ưu tiên đặc biệt.

Nếu không thì em cũng không chờ đến giờ này đâu. Em vẫn đi làm các việc lặt vặt, vẫn kiếm tiền và chờ đợi. Nhưng, em không biết đợi đến bao giờ”, vừa nói Hà vừa rưng rưng nước mắt.

Hà kể, mới đây lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Giang cũng liên hệ tới em và thông tin giờ đây để có việc làm gần nhà thì không có và ngỏ ý hỏi em làm xa thì có đi hay không.

“Em được hỏi có đồng ý làm việc ở huyện Xìn Mần cách nhà khoảng hơn 100 cây số. Chị gái lấy chồng xa, em trai theo quân đội nên thực lòng đi xa em cũng nghĩ thương mẹ. Nhưng rồi mẹ động viên cứ đi vì em có đi làm thì mẹ mới yên tâm được. Thế rồi em đồng ý, nhưng cũng chỉ nhận được phản hồi khi nào có kế hoạch tuyển dụng thì tạo điều kiện cho em đi lam, còn thời gian cụ thể thì cũng chẳng hay.

Không phải em thụ động chờ ưu ái. Mà là tỉnh hứa cho em đi làm rồi nên thời gian qua em cứ thế chờ đợi. Với em, chờ đợi không quan trọng mà quan trọng là không biết phải chờ đến bao giờ”, Hà tâm sự.

Hà chia sẻ em khao khát được đi dạy và được học sinh gọi là cô giáo khi mỗi sáng mỗi sáng tỉnh dậy, nghe lũ trẻ quanh xóm í ới gọi nhau đi học.

Hà bộc bạch không phải mình chỉ nhìn vào biên chế và trường công mà ở Hà Giang cũng chẳng có các trường tư, có chăng là bậc mầm non nhưng không đúng chuyên ngành em được đào tạo.

Về điều này, ông Vũ Văn Sử, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Hà Giang cho biết, tỉnh không có chính sách đặc cách, ưu tiên cho những trường hợp này. Việc tuyển dụng phải theo nghị định của Chính phủ, theo đó không có ưu tiên thủ khoa mà các ứng viên bình đẳng như nhau.

“Sau khi em Hà ra trường, chúng tôi đã tới tận nhà để động viên, chúc mừng và thường xuyên giữ liên lạc với em. Tuy nhiên, em vẫn phải chờ có đợt thi tuyển tới đây. Bởi hiện việc thi tuyển công chức phải theo Nghị định của Chính phủ và không đặc cách đối với thủ khoa, tất cả đều công bằng. Nhưng tôi tin những ai nó năng lực thực sự sẽ trúng tuyển và có cơ hội đóng góp cho giáo dục tỉnh nhà”.

Hiện, mỗi tối, sau một ngày lao động vất vả, Hà lại ngồi vào bàn để ôn lại kiến thức trong thời gian chờ việc.

“Em mong ước được đi dạy lắm. Em thực sự mong muốn được góp chút công sức và nhiệt huyết của mình để cống hiến cho quê hương đất nước”, Hà ngậm ngùi.

Ngồi im hồi lâu, Hà chia sẻ: “E nghĩ rồi anh ạ. Nếu đến Tết vẫn không có hy vọng, em sẽ vào miền Nam tìm việc làm tạm. Ổn định một chút em sẽ đi kiếm trường tư để dạy. Em chờ đợi như vậy cũng quá đủ rồi, nếu không được cũng phải tính con đường khác chứ không thể mãi như này và héo mòn tuổi thanh xuân được”, Hà nói.

Thanh Hùng ( Vietnamnet )

Bài Liên Quan

Tin Mới 1798824531220414985

Đăng nhận xét

emo-but-icon

Chuyển ngôn ngữ

Subscriber Youtube

Tin Fanpage

Bài đăng và Bình luận

Nóng

Bài Mới

Bình Luận

Visitors

Flag Counter
item